BOT, Cảng Long Thành và chống tham nhũng thách thức hai tân tư lệnh


Thứ 6, 27/10/2017 | 04:13


Ngồi "ghế nóng", tân tư lệnh ngành Giao thông và Thanh tra đối mặt với rất nhiều thách thức đang nổi cộm.

Ngồi "ghế nóng", tân tư lệnh ngành Giao thông và Thanh tra đối mặt với rất nhiều thách thức đang nổi cộm; trong đó có vấn đề BOT, tiến độ các dự án trọng điểm cũng như cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang rất nặng nề.

Vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn đề cử của Thủ tướng về hai thành viên Chính phủ mới, là ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng vào vị trí Bộ trưởng Giao thông và ông Lê Minh Khái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ.

Được biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, hai tân Bộ trưởng phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó.

Cụ thể, đối với tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một trong những ưu tiên hàng đầu là Bộ trưởng là  phải bắt tay xem xét lại quy hoạch tổng thể giao thông Việt Nam hiện "đã chuẩn chưa?", sau khi rà soát quy hoạch thì chọn lĩnh vực đầu tư và tìm nguồn vốn.

Ông Thể là người được đào tạo chuyên sâu về ngành GTVT, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT từ năm 2013 - 2015 và nhiều người kỳ vọng ông sẽ làm cho ghế Bộ trưởng GTVT luôn "nóng". Ảnh: Tri thức trực tuyến

Cùng với đó, Bộ trưởng có trách nhiệm lớn trong việc hạn chế tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông hàng năm, giải quyết ùn tắc ở các thành phố lớn, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để chống quá tải...

Trước nhất, đó là vấn đề dự án BOT gây ầm ĩ suốt một thời gian dài. Việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có theo hình thức BOT phải đặt trạm thu phí dẫn đến người dân không còn sự lựa chọn là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc. Và mặc dù Bộ GTVT đã có những giải pháp tích cực để “gỡ” rối vấn đề BOT như miễn giảm phí cho các phương tiện, tuy nhiên sự “phẫn nộ” của nhiều người dân chưa phải đã kết thúc, và có thể sẽ còn những BOT Cai Lậy, BOT Bến Thủy, BOT Quán Hàu… đang chờ tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Thứ hai là tiến độ các dự án trọng điểm. Ngoài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tại Hà Nội có 3 dự án đường sắt khác cũng đang “lụt” trường kỳ. Trong đó, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công đầu tiên ở Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa thể công bố thời hạn hoàn thành cuối cùng.

Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008, theo kế hoạch sẽ khai thác năm 2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi công. Dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên dự kiến hoàn thành năm 2017, tuy nhiên do vụ hối lộ 80 triệu Yên của nhà thầu Nhật đối với quan chức ngành đường sắt năm 2014 đã khiến toàn bộ dự án bị tạm dừng, hiện nay đang được khởi động lại.

Tại TPHCM, cả 2 dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương hiện vẫn đang trong quá trình lắp đặt thiết bị và chậm nhiều năm so với kế hoạch tiến độ ban đầu.

Thứ ba, mục tiêu của Bộ GTVT là khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2019 và đến đầu năm 2023 sẽ đưa vào khai thác. Để hiện thực hóa mục tiêu này có vai trò rất lớn của người đứng đầu ngành GTVT.

Thứ tư là tiền đâu đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn tài chính hiện nay, việc huy động được nguồn vốn tư nhân khổng lồ tham gia làm dự án này là thách thức vô cùng lớn đối với tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, khối lượng công việc của Tổng Thanh tra CP rất nặng nề khi các vụ việc thanh tra đều rất phức tạp, nghiêm trọng. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Còn đối với tân Bộ trưởng Lê Minh Khái mong muốn của nhân dân, của các ĐBQH là vị đứng đầu ngành Thanh tra phải là người có trí minh, tâm sáng. Nếu như người đứng đầu ngành Thanh tra không xử nghiêm được các vụ việc tiêu cực mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân. Sự cố gắng của người đứng đầu lĩnh vực Thanh tra sẽ góp phần tạo thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.

Do vậy, người dân đòi hỏi người đứng đầu ngành Thanh tra một mặt phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống. Bên cạnh đó, dựa trên quyền được giao, phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc dư luận đặt ra để giải quyết.

Cùng với đó, vị lãnh đạo ngành cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Có thể nói áp lực với người đứng đầu ngành Thanh tra trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn. Phải giải quyết một loạt vấn đề, trong đó là phải cộng hưởng với sự quyết liệt từ các cơ quan của Đảng.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng đã thể hiện rất xuất sắc vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để cùng cộng hưởng với những nỗ lực này, ngành Thanh tra cũng phải vào cuộc quyết liệt, phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ thanh tra phức tạp đang được dư luận quan tâm.

Vũ Đậu (T/h) 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bot-cang-long-thanh-va-chong-tham-nhung-thach-thuc-hai-tan-tu-lenh-a206842.html