Chuyên gia giải mãi hiện tượng nước giếng bốc hơi nghi ngút, nóng bất thường


Thứ 2, 13/02/2017 | 07:21


Giáo sư địa chất Phan Trường Thị cho hay, việc nước giếng bỗng dưng nóng lên bất thường không có gì là kỳ bí mà hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học.

Giáo sư địa chất Phan Trường Thị cho hay, việc nước giếng bỗng dưng bị nóng bất thường không có gì là kỳ bí mà hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học.

Vừa qua, nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến nhà bà Phạm Thị Liên (trú tại thông Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, tp. Đà Nẵng) để được tận mắt xem giếng nước của nhà bà Liên bốc hơi nghi ngút và nóng bất thường.

Theo chia sẻ của bà Liên, ngày 28/1, khi ra giếng múc nước để đun pha trà, bà thấy khói từ mặt giếng bốc lên, múc thử kiểm tra thì phát hiện nước giếng nóng bất thường. Thấy lạ, bà cùng những người khác kiểm tra nước giếng của các hộ sống gần đó nhưng không phát hiện có gì bất thường.

Liên tục những ngày sau, nước giếng tại nhà bà Liên vẫn nóng. Ban ngày, khi dùng nhiệt kế đo thử, nhiệt độ nước được ghi nhận là khoảng 40 độ C. Còn ban đêm, có thời điểm nước nóng tới 50 độ C.

Sau khi nhận được thông tin về hiện tượng "lạ" trên, chính quyền địa phương sở tại đã phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường của thành phố lấy mẫn nước để kiểm tra; đồng thời khuyến cáo hộ bà Liên tạm ngưng sử dụng giếng nước.

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn - ông Nguyễn Tấn Phát cho biết, đây là hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương.

Người dân hiếu kỳ đến xem giếng nước bị nóng lên bất thường tại nhà bà Liên. Ảnh: Thanh niên

Trao đổi với phóng viên về hiện tượng "lạ" nêu trên, Giáo sư địa chất Phan Trường Thị cho hay, việc nước giếng bỗng dưng bị nóng bất thường không có gì là kỳ bí mà hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học. Hiện tượng này có thể là hệ quả của các dòng nhiệt tàn dư ẩn sâu trong lòng đất bất ngờ di chuyển và làm cho nước ngầm ở khu vực đó nóng lên.

Cụ thể, khi lòng đất có biến động địa chất hoặc xuất hiện đường nứt, dòng nhiệt sẽ di chuyển. Đối với trường hợp nước giếng của gia đình bà Liên, khi mạch nước ngầm dưới lòng giếng gặp dòng nhiệt này thì nước ngầm sẽ nóng lên so với bình thường.

Theo chuyên gia Phan Trường Thị, ngoài việc khối nóng làm ấm mạch nước ngầm thì trong lòng đất vẫn tồn tại rất nhiều các đường nứt nẻ. Với những đường nứt chỉ khoảng 2000 năm trở lại đây, thì sẽ dẫn nhiệt từ trong lòng đất đi lên phía trên bề mặt trái đất, nhiệt này gặp các dòng thủy văn sẽ tạo thành các suối nước nóng. Do vậy, với giếng của nhà bà Liên, các mạch nước lan tỏa và gặp các khối nóng sẽ làm nước ấm lên. Khi dòng nhiệt đó lắng xuống, nước giếng lại trở lại trạng thái ban đầu.

Cũng theo chia sẻ của Giáo sư Phan Trường Thị, ngay gần Đà Nẵng, vùng ngoại thành của Thừa Thiên - Huế, vùng huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) hay đảo Hòn Tro (Nha Trang) cũng từng xảy ra hiện tượng này. Có những nơi, dòng nhiệt này hoạt động mạnh, kết quả là hình thành các suối nước nóng.

Được biết, trước đây, vào năm 1923, tại vùng cửa biển Nha Trang, dòng nhiệt còn sót lại trong lòng núi lửa cổ đã tắt ở khu vực đảo Hòn Tro bất ngờ di chuyển, làm cho nước ngầm dưới lòng biển nóng lên đột ngột, tạo thành cột xoáy phun bùn đất lên khỏi mặt nước biển.

Tháng 4/2016, hiện tượng nước giếng trở nên nóng bất thường cũng xảy ra tại nhà anh Rơ Châm De (ở làng Klăh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai). Lúc múc nước lên kiểm tra, gia chủ thấy nước giếng nóng đến bỏng tay. Khi dùng nước này để pha mì gói thì mì chín chỉ sau vài phút.

Tháng 7/2016, tại địa bàn xã Bar Măih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cũng xuất hiện hiện tượng tương tự. Nước ở trong giếng nóng tới mức có thể làm chín trứng, mỳ tôm; nóng nhất trong khoảng thời gian từ 12h trưa tới 4 giờ chiều cùng ngày...

"Về bản chất, nếu trước đó giếng nước vẫn sử dụng bình thường thì sau khi bị nóng lên, tính chất của nước cũng không chỉ gì thay đổi ngoài "nhiệt độ". GS. Phan Trường Thị nhấn mạnh.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-giai-mai-hien-tuong-nuoc-gieng-boc-hoi-nghi-ngut-nong-bat-thuong-a180768.html