Đi tìm sự thật về hội chứng “ăn” tế bào máu


Chủ nhật, 18/10/2015 | 06:11


(ĐSPL) - Từ những cơn sốt bình thường, nếu không để ý, người bệnh có thể mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay còn gọi là hội chứng thực bào máu, gây nguy cơ tử vong rất cao.

(ĐSPL) - Từ những cơn sốt bình thường, nếu không để ý, người bệnh có thể mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay còn gọi là hội chứng thực bào máu, gây nguy cơ tử vong rất cao. Nó được biết đến như một bệnh hiếm gặp trong y văn. Hiện, nhiều người dân và ngay cả đội ngũ y, bác sỹ còn nhiều bỡ ngỡ khi nói về căn bệnh này.

Nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tử vong

Để làm rõ thông tin về căn bệnh do hội chứng “ăn” tế bào máu gây ra gây xôn xao dư luận, sáng 12/10, PV báo ĐS&PL có cuộc gặp gỡ với bác sỹ Nguyễn Thành Úc, Phó khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa khu vực Tiền Giang, nơi đang điều trị cho một bệnh nhi mắc phải căn bệnh này. Bác sỹ Úc cho biết: “Vào ngày 18/9 vừa qua, bé Phạm Văn D. (8 tháng tuổi, nhà ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) được gia đình đưa vào bệnh viện khu vực Gò Công, vì cháu bị sốt cao liên tục bốn ngày.

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu D. bị sốt xuất huyết Dengue ở trẻ nhũ nhi, nên đã làm thủ tục chuyển đến bệnh viện tỉnh Tiền Giang. Sau khi tiếp nhận, các y, bác sỹ tại khoa Nhi bệnh viện Tiền Giang chẩn đoán bệnh nhân D. bị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Ngay sau đó, chúng tôi đã tiến hành điều trị truyền dịch cho bệnh nhân”.

Khác với những ca sốt xuất huyết khác, trong quá trình điều trị, bệnh nhân D. vẫn sốt liên tục, đau bụng, nôn ói. Bác sỹ Úc cho hay: “Thông thường, với bệnh sốt xuất huyết thì đến ngày thứ bảy hoặc chậm nhất là ngày thứ mười, biểu hiện sốt đã chấm dứt. Nhưng với cháu D., sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt cao, gan sưng chắc, lách to, thử máu thấy các tế bào máu bị giảm thấp, men gan và dự trữ sắt trong máu tăng bất thường, bệnh nhân bị thiếu máu.

Những kết quả xét nghiệm này cho thấy, bệnh nhân có các dấu hiệu của hội chứng thực bào máu sau khi nhiễm siêu vi trùng sốt xuất huyết Dengue. Ngay khi phát hiện, chúng tôi tiến hành điều trị bằng kháng sinh, ức chế miễn dịch rồi chuyển bệnh nhân D. lên bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp tục điều trị vào ngày 24/9. Cho đến ngày 12/10, tôi có nhận được thông tin từ bệnh viện Nhi đồng 1, là cháu D. đã hoàn toàn khỏi bệnh và được xuất viện”.

Bệnh nhân D. tại bệnh viện đa khoa Tiền Giang.

Trao đổi với PV, người thân của bệnh nhi Phạm Văn D. cho biết: “Khi bé D. bắt đầu sốt, gia đình cứ nghĩ cháu cảm sốt gì thôi. Sau đó, thấy bé D. sốt nhiều ngày liên tiếp, nghi sốt xuất huyết, gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu. Trong thời gian này, gia đình tôi nghĩ bé bị sốt xuất huyết và các bác sỹ cũng vậy. Phải sau khi hết 7 ngày, chu kỳ của sốt xuất huyết chấm dứt nhưng bé vẫn không hết sốt. Lúc này, các bác sỹ mới nghi vấn bé mắc hội chứng “ăn” tế bào máu. May mắn là các bác sỹ đã cứu chữa kịp thời nên bé D. mới hết bệnh”.

Nói về nguyên nhân dẫn đến hội chứng “ăn” tế bào máu, bác sỹ Úc phân tích: “Đây không phải là bệnh lạ mà là một căn bệnh hiếm gặp. Trường hợp của cháu D. là ca bệnh thứ hai được phát hiện tại bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. Về chuyên môn, hội chứng “ăn” tế bào máu (Hemophagocytic lymphohistiocytosis), là tình trạng các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu bị các đại thực bào ở tủy xương thực bào.

Quá trình “thực bào” này có thể tấn công vào da, xương, phổi, gan, lách, nướu răng, mắt, tai và hệ thần kinh trung ương. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ tử vong khoảng 50\%. Khi cơ thể nhiễm virus EBV, CMV... hoặc nhiễm vi khuẩn Sal.typhi, E.coli; nhiễm ký sinh trùng; mắc các bệnh ác tính như ung thư máu, ung thư hạch... thì cơ thể người bệnh sẽ bị kích hoạt các tế bào thực bào”.

“Tế bào thực bào có nguồn gốc từ tế bào gốc vạn năng, có ở trong tủy xương. Hệ thống miễn dịch bị tác động mạnh, nhiều chuỗi phản ứng miễn dịch xảy ra mạnh đến mức cơ thể không thể kiểm soát được. Chính phản ứng quá mức của các tế bào miễn dịch, sự phóng thích quá nhiều các chất phản ứng trung gian từ các bạch cầu những tế bào gốc bị nhiễm và biệt hóa trở thành một nhóm tế bào chuyên biệt có khả năng thực bào gây ra các biểu hiện của hội chứng “ăn” tế bào máu. Ngoài ra, việc bệnh nhân mắc phải hội chứng này cũng có thể do nguyên nhân bẩm sinh gây ra”, bác sỹ Úc nói thêm.

Trả lời PV về những nguy hiểm tiềm ẩn dẫn đến hội chứng kỳ lạ này, bác sỹ Úc cho hay: “Nếu bệnh được phát hiện muộn và không điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến tử vong chỉ sau vài tuần xuất hiện hội chứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân được phát hiện sớm, và đã được điều trị, nhưng tỉ lệ tử vong tới 50\%.

Về việc phòng ngừa hội chứng “ăn” tế bào máu, chủ yếu là tránh để bé bị nhiễm vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, vi nấm... Vì nó có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta, khiến cho các đại thực bào “nổi loạn”, không kiểm soát được. Sau một nhiễm khuẩn bất kỳ, dù rất hiếm gặp, nếu bé bị thiếu máu nặng kèm sốt cao, gan lách sưng... thì phải cảnh giác bé có thể mắc chứng “ăn” tế bào máu, để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bệnh gặp nhiều ở trẻ nhỏ, đôi khi cũng gặp ở trẻ lớn hơn”.

 Cần nhập viện sớm khi sốt

Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bùng phát dịch sốt xuất huyết,  do đó, các bác sỹ khuyến cáo, người dân nên nhập viện điều trị sớm để  phát hiện kịp thời căn bệnh hiếm gặp này. Trao đổi với PV, bác sỹ chuyên khoa 2, Giám đốc bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Phù Chí Dũng khẳng định: “Đây là căn bệnh hiếm gặp, phức tạp và nguy cơ tử vong cao, nên khi có những biểu hiện liên quan bệnh nhân cần nhập viện sớm để có phác đồ điều trị kịp thời. Thông thường, những bệnh nhân sốt cao kéo dài từ 380c trở lên và thời gian kéo dài một tuần trở lên kèm theo những biểu hiện như nhiễm trùng, có thể kèm theo thiếu máu, sốt xuất huyết da niêm (hầm da), sốt xuất huyết niêm mạc, các biểu hiện về gan, lách to... thì cần nhập viện theo dõi ngay”.

Bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM. Ảnh Lành Nguyễn.

Tuy nhiên, để khẳng định bệnh nhân sốt cao có mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay không, thì đòi hỏi các bác sỹ phải tiến hành làm nhiều xét nghiệm khác nhau, như xét nghiệm huyết đồ, có tình trạng giảm 2 -3 tế bào gốc, có tình trạng triglyceric máu, tăng ferrin máu, giảm fibrinogen, làm chọc hút tủy xương có hiện tượng thực bào các tế bào máu.

Phải có các tiêu chuẩn này thì mới kết luận bệnh nhân có mắc bệnh hiếm gặp hay không. Bệnh xuất hiện ở hai dạng, nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát là do tính chất gia đình, bác sỹ cần tìm đột biến gene để chẩn đoán điều trị. Thứ phát, gồm ba yếu tố: Thứ nhất, bệnh nhân nhiễm trùng như nhiễm siêu vi, nấm. Thứ hai là do tự miễn. Và thứ ba là do mắc phải sau khi bệnh nhân bị ung thư...

Để điều trị theo phác đồ thích hợp, bệnh nhân cần được theo dõi và nhập viện sớm nhất để tiến hành xét nghiệm kịp thời, vì khi bệnh nhân mắc hội chứng này, nguy cơ tử vong rất cao, khó điều trị. Một số trường hợp cần ghép tế bào gốc điều trị. Khuyến cáo người dân, cần phải theo dõi đặc biệt khi có người nhà bị sốt. Sau 2 -3 ngày không giảm bớt sốt nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị, chẩn đoán bệnh.

Hiện tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang là cao trào của dịch sốt xuất huyết, nên người dân cần phải theo dõi tích cực hơn và nhập viện sớm nhất để được theo dõi điều trị kịp thời. Đặc biệt, người dân không được tự ý mua thuốc bên ngoài để tự điều trị. Tại Việt Nam căn bệnh này rất hiếm nên khi nói những vấn đề liên quan, có thể nhiều người dân sẽ không hình dung được đặc điểm của bệnh. 

Đáng nói, căn bệnh này còn mới mẻ với người dân Việt Nam nên việc nhắc tới khái niệm chữa bệnh cho họ cũng hiếm người hiểu được. Thậm chí đội ngũ y, bác sỹ cũng nhiều người chưa biết đến hội chứng này. Mỗi một trường hợp nhiễm trùng khác nhau. Do đó để chẩn đoán chính xác căn bệnh này cũng rất khó khăn và phức tạp.                       

Bác sỹ Phù Chí Dũng cho biết thêm: “Tại bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, mỗi tháng có từ 1 -2 ca mắc hội chứng này. Mỗi bệnh nhân nhập viện nếu có biểu hiện nghi ngờ, chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ. Các bác sỹ cũng khá vất vả để tiến hành cho làm xét nghiệm chẩn đoán về căn bệnh hiếm này.

Hiện nay tại bệnh viện chúng tôi, có một bệnh nhân đang nghi ngờ mắc hội chứng này. Tất cả những bệnh nhân mắc hội chứng đều chuyển từ tỉnh thành khác tới TP.HCM chữa trị. Do chúng tôi muốn bảo vệ thông tin cho bệnh nhân nên chúng tôi không thể cung cấp hình ảnh, cũng như thông tin về bệnh nhân này được”.

THƠ TRỊNH – LÀNH NGUYỄN

Xem thêm video tin tức:

[mecloud]ISmDjRi1X4[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-su-that-ve-hoi-chung-an-te-bao-mau-a115462.html