Hơn 50 năm được hương khói, “liệt sỹ” bất ngờ trở về


Chủ nhật, 17/05/2015 | 00:09


(ĐSPL) - Mười năm ngồi tù, ông bị địch đày ải hết từ đồn Mang Cá (TP. Huế) sang nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc... Những đòn tra tấn dã man của địch đã cướp đi trí nhớ.

(ĐSPL) - Mười năm ngồi tù, ông bị địch đày ải hết từ đồn Mang Cá (TP. Huế) sang nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc... Những đòn tra tấn dã man của địch đã cướp đi trí nhớ. Để rồi hơn 50 năm nay, ông không biết mình là ai, từ đâu đến và phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Cũng chừng ấy năm, gia đình lập bàn thờ, làm mộ gió cho liệt sỹ.

Mười năm bị giặc tra tấn đến mất trí nhớ

Trở về quê hương sau hơn 50 năm lưu lạc, ông Nguyễn Thanh (SN 1941, ngụ tại ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vẫn không thể quên được giây phút đoàn tụ, hội ngộ cùng anh em ruột thịt. Trong giây phút xúc động, ông Thanh lắp ghép từng mảnh ký ức: “Tôi vốn tên thật là Hồ Xuân Hương, quê ở thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1964, tôi vào làm công nhân đóng tàu ở phà sông Gianh, rồi được chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27, thuộc quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua những đợt huấn luyện cấp tốc, tôi được tuyển vào lực lượng xung kích vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường Trị - Thiên. Giữa năm 1964, trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ, tàu vận tải của đơn vị tôi bị địch mai phục bắn chìm trên biển...”.

Theo lời kể của ông Thanh, lúc đó, đồng đội trên tàu hy sinh hết, chỉ còn mình ông bị thương nặng bám vào được mảng thuyền bị vỡ và lênh đênh trên biển suốt ba ngày đêm. Ông bị kiệt sức ngất lịm đi và bị sóng biển cuốn trôi. Địch đi tuần hành và phát hiện ra ông đang nằm ngất lịm trên bờ biển. “Chúng đem tôi về và giam vào trại rồi tra tấn hết sức dã man để bắt tôi khai, nhưng tôi kiên quyết không khai thông tin của đơn vị. Tôi nói mình tên là Nguyễn Thanh, quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, chỉ là một ngư chài đánh cá, chẳng may bị sóng đập vỡ mạn thuyền khiến thuyền chìm...”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh nghẹn lời, trò chuyện cùng PV.

Mặc dù ông khai vậy nhưng quân địch không tin. Chúng tiếp tục giam cầm và chuyển ông từ trại giam này qua trại giam khác. Lúc đầu là đồn Mang Cá (TP. Huế) sau đó vào Đà Nẵng, Côn Đảo rồi Phú Quốc. Suốt mười năm trời, ông bị giam cầm, tra tấn dã man ở nhiều nhà tù nhưng ý chí kiên định và khát vọng sống mãnh liệt đã không làm ông gục ngã. Tuy nhiên, sau hàng chục lần chết đi sống lại ở nhà tù Phú Quốc, người chiến sỹ cách mạng đã bị mất trí nhớ.

“Khi bị địch bắt giam, bọn chúng đánh đập dã man, nhốt tôi trong xà lim sắt, mỗi ngày chỉ cho một bát cơm nhỏ để cầm hơi. Kinh hoàng nhất là chúng dùng dây thép xỏ vào lỗ tai tôi rồi chích điện. Những tra tấn kinh hoàng của địch khiến cho tôi chết đi sống lại và mất luôn cả trí nhớ. Đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, để khỏi phải trả tù binh, chúng còn cố hạ sát tôi rồi chở đến vùng đất trống, gần khu vực Hố Nai (thuộc Hố Nai, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày nay) vứt xuống đó. Sau ít ngày ngất lịm, tôi hồi tỉnh và đi lang thang đói rách khắp Đồng Nai, Sài Gòn như người vô định, không chốn dung thân và cũng chẳng nhớ nổi mình là ai”, ông Thanh kể lại.

Trong khi đó, ở quê nhà Quảng Bình, đồng đội của ông đinh ninh là tất cả các chiến sỹ trên chuyến tàu chở vũ khí hôm đó đều đã hy sinh. Năm 1966, gia đình ông ở xã Đại Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nhận được giấy báo tử, hy sinh trong lúc đưa thuyền ra tiếp tế vũ khí ở đảo Cồn Cỏ. Đến năm 1978, ông Thanh được công nhận là liệt sỹ. Kể từ đó, gia đình lấy ngày 29 tháng 5 (ngày xuất phát của đoàn tàu) làm ngày cúng giỗ cho ông, cùng các chiến sỹ trên chuyến tàu hôm đó.

Mối tình gán ghép nhưng sâu đậm thuở loạn ly

Trong một lần lang thang ở Biên Hoà, ông được một người phụ nữ lớn tuổi gốc miền Bắc cưu mang, giúp đỡ. “Bây giờ bà đã mất, nhưng tôi xem bà như mẹ mình và luôn ghi nhớ công ơn. Bà còn mai mối giúp cho tôi lấy được bà Hà Thị Đỏ làm vợ. Hai vợ chồng sau đó dắt nhau về làm rẫy ở ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà (huyện Trảng Bom) cho đến tận bây giờ. Suốt thời gian đó, tôi không nhớ được bất cứ điều gì về quê quán, người thân”, ông Thanh bày tỏ.

Kể về mối tình của mình trong những ngày loạn lạc, ông Thanh cho hay: “Tôi và bà Đỏ cách nhau tới một con giáp nên bà ấy không ưng tôi. Thế nhưng, bố mẹ bà ấy lại rất thương. Cuối cùng, nhờ sự vun đắp của gia đình, Đỏ cũng đồng ý kết hôn với tôi. Được bố mẹ vợ cho một mảnh đất, hai vợ chồng tôi cùng nhau làm rẫy sinh sống đến nay đã ngót hơn 40 năm. Hiện, chúng tôi đã có với nhau bốn mặt con mà chưa một lần to tiếng”.

Những ký ức của thời xưa trong ông rất mơ hồ, chắp vá. Ông nhớ dường như mình vẫn có một gia đình ở đâu đó. Bởi, chất giọng của ông vẫn đặc trưng vùng đất Quảng. Trong một lần tình cờ, bạn của con gái ông quê ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình vào chơi và kể về những đặc trưng của quê hương Quảng Bình. Lúc ấy, trong ông bỗng có cái gì đó lạ lùng như có ai đang hối thúc làm một việc trọng đại.

Rồi như một người ngủ lâu ngày, bỗng một sáng thức dậy, ông nhớ  lần lượt tên anh chị em của mình và ngôi làng mình thuở ấu thơ. Khi bạn của con gái ông về quê đã đi tìm và biết được anh chị em của ông Thanh đều còn sống ở xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) nên làm cầu nối để anh chị em của ông được gặp nhau. Ngay sau đó, ông Thanh cùng con gái đã đáp ngay chuyến bay sớm nhất ra sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Nhìn di ảnh của mình đặt trên bàn thờ, ông Thanh nghẹn ngào khóc trong vòng tay của anh chị em.

HẠ DU – HƯƠNG SEN

Xem thêm clip: Tiếp tục gia hạn tạm giam "cậu" Thủy

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hon-50-nam-duoc-huong-khoi-liet-sy-bat-ngo-tro-ve-a94388.html