Kiểm soát việc tuyển “người nhà” vào cơ quan


Thứ 7, 15/10/2016 | 00:31


Chiều 14/10, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác trong thời gian qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2016.

Chiều 14/10, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác trong thời gian qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2016.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Nội vụ và đại diện các đơn vị chức năng đã trả lời nhiều vấn đề mà báo chí quan tâm liên quan đến công tác tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường thị trấn; công tác thi đua khen thưởng…

Đề cập tới vấn đề mà các phóng viên nêu trước việc thời gian qua có tình trạng một số xã, huyện ở một số địa phương có nhiều người có quan hệ họ hàng giữ chức vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, đây là vấn đề mà Bộ Nội vụ theo dõi rất sát sao. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ cũng thường xuyên lắng nghe thông tin mà báo chí và các phương tiện truyền thông nêu, để trên cơ sở đó kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền các giải pháp xử lý kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì buổi họp báo chiều 14/10.

Với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Bộ sẽ nghiên cứu để làm sao quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm việc tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Nhà nước chọn được những người có đức, có tài, thực sự xứng đáng, tránh được vấn đề mà như báo chí đã nêu. “Trong quản lý, cùng với cơ chế kiểm soát tốt việc trong một đơn vị có nhiều người có quan hệ gia đình cùng làm việc, giữ chức vụ, cũng cần phải có cơ chế tạo điều kiện để thu hút những người có tài năng, có đủ năng lực vào làm việc và được bổ nhiệm vào các vị trí xứng đáng. Người nào cũng thế, nếu có tài năng thì đều được trọng dụng”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thông tin thêm về vấn đề bổ nhiệm cán bộ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, bất cứ cơ quan nào nào khi bổ sung, kiện toàn bộ máy lãnh đạo đều phải thực hiện theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đó là tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục. Các cơ quan thanh tra khi kiểm tra lại các trường hợp bổ nhiệm đều phải dựa vào những nội dung này để thực hiện. Tuy nhiên, đúng quy trình nhưng có đảm bảo được chất lượng không thì lại liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của tập thể cấp ủy.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, để tuyển dụng được những người xứng đáng vào vị trí quản lý thì phải có cơ chế đào thải. Trong luật cán bộ, công chức cũng có những quy định về từ chức, về miễn nhiệm. Cụ thể, người đứng đầu khi thấy cán bộ không làm được việc thì phải họp lãnh đạo cấp ủy lại để miễn nhiệm chức vụ và tuyển chọn người khác xứng đáng hơn. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án về đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý, Đề án đã trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị thông qua. Bộ cũng đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư để báo cáo Chính phủ triển khai thực hiện Đề án này. “Theo đó, người ứng cử vào vị trí lãnh đạo quản lý phải trình bày chương trình hành động , phải làm bài đánh giá về năng lực quản lý của mình,… Việc tuyển chọn này sẽ hạn chế tình trạng “bè cánh”, tiêu cực trong công tác tuyển chọn lãnh đạo quản lý”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhận định.

THU PHƯƠNG
Nguồn: TTXVN

Xem thêm: [mecloud]wPrjXAD7Ml[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kiem-soat-viec-tuyen-nguoi-nha-vao-co-quan-a166038.html