+Aa-
    Zalo

    Luật ngầm của “osin bệnh viện”: Những góc khuất khó tỏ bày

    ĐS&PL (ĐSPL) - Có tâm sự với những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện tại Hà Nội, chúng tôi mới hiểu thêm được những “khoảng tối” mà họ phải trải qua.

    (ĐSPL) - Có tâm sự với những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện tại Hà Nội, chúng tôi mới hiểu thêm được những “khoảng tối” mà họ phải trải qua.

    Ngoài sự cạnh tranh giữa những người trong nghề với nhau thì qua lời kể, để bám trụ với nghề này, nhiều người đã phải chi tiền “lót tay” cho một số y tá, điều dưỡng viên. Nếu không, họ sẽ bị “nốc-ao” và không có cơ hội kiếm tiền tại đây nữa...

    “Osin” cũng phải “quen, thân”

    Ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội hiện nay, nghề “osin” đang trở thành “hot” đối với nhiều người lao động ngoại tỉnh. Những phụ nữ chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện đều cho rằng, so với việc làm nông nghiệp thì làm “osin” còn sướng chán, vì được ăn uống đầy đủ, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, nên dù có vất vả, phải thức đêm, họ cũng cam lòng.

    Chị C. đang chia sẻ về “bí mật nhà nghề” với PV báo ĐS&PL.

    Kể tiếp câu chuyện những “bí mật” về nghề, chị H. – một người làm nghề “osin” tại viện Lão khoa cho hay, nghề nào cũng phải có mối quan hệ thì mới trụ lại được mà không sợ bị soi mói.

    Khi chúng tôi băn khoăn rằng nếu không phải là người nhà bệnh nhân thì người ngoài khó mà vào ở hẳn bệnh viện trong một thời gian dài như vậy, chị H. cho biết: “Chỉ cần giữa gia chủ và người giúp việc thống nhất được về thù lao và thời gian là “ok” hết. Vì chúng tôi đều là những người làm việc có thâm niên ở đây nên thân thiết với nhiều bác sỹ, y tá và điều dưỡng. Nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ tự lo được, không cần gia chủ can thiệp...”.

    Chị Trần Thu C. - làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê ở bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tất cả những bác sỹ, y tá ở khoa tôi đang làm “osin” đều biết mặt chúng tôi và họ cũng tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc. Thậm chí, chúng tôi còn nhờ họ tìm việc cho mình. Hiện nay, vì nhu cầu “osin bệnh viện” khá lớn nên công việc của chúng tôi ít khi bị gián đoạn”.

    Chị C. cho biết thêm, “osin” còn có thể tìm việc qua “kênh” của những người lao công, dọn dẹp tại bệnh viện. Nếu nhận được việc mới, “osin”  phải lót tay cho người giới thiệu một chút, dù số tiền đó không nhiều nhưng nó cũng đủ làm cho cả bên cung và bên cầu cảm thấy... hoan hỉ: Người được tiền, người được việc.

    Chị C. bảo, theo quy định của các bệnh viện, trong giờ “giới nghiêm” chỉ có người nhà mặc áo vàng của bệnh viện mới được ra, vào chăm sóc người bệnh. “Tuy nhiên, nhiều gia đình thuê “trọn gói” nên chúng tôi được mặc áo vàng và trước mặt bác sỹ, y tá, chúng tôi thường nhận là người nhà của bệnh nhân nên không bị làm phiền. Nghề gì cũng thế, cũng phải “lách luật” thì mới sống được”, chị C. nói.

    “Ma mới” phải nộp tiền “bôi trơn”

    Theo tâm sự của chị C., với những người làm nghề “osin bệnh viện” lâu năm, thì việc được các bác sỹ, y tá tạo điều kiện là chuyện thường tình, nhưng với những người mới vào nghề thì phải “lót tay” cho một số y tá, điều dưỡng tại bệnh viện là điều không hiếm.

    Bùi M. – một “osin” quê ở Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình kể với chúng tôi, thời gian đầu mới ra Hà Nội và muốn vào chăm sóc bệnh nhân thuê ở các bệnh viện Việt – Đức, Bạch Mai..., những “osin” bệnh viện đều phải chi tiền “lót tay” cho một số y tá, điều dưỡng, nếu không họ sẽ bị kiểm tra, hoạnh họe thường xuyên. M. cho biết: “Số tiền “lót tay” mà người mới phải chi ra khoảng 200.000 – 300.000 đồng trên một bệnh nhân mà họ chăm sóc, nếu không thì những “osin” này khó mà trụ lại được ở bệnh viện đó”.

    Cô Trần Thị A. - “osin” được gần một năm nay tại bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, khi nhận lời làm người giúp việc tại bệnh viện cho một gia đình trên phố Lạc Trung, Hà Nội với số tiền là 300.000 đồng/ngày, khi vừa chăm sóc bệnh nhân được nửa ngày thì cô bị y tá đến hỏi có phải là người nhà bệnh nhân không... Thấy tình hình có vẻ “căng”, cô A. đành phải kéo y tá ra một góc, “dúi” vào tay 300.000 đồng, “nhờ tạo điều kiện”. Từ đó trở đi, cô A. không bị làm phiền nữa.

    Chia sẻ về việc này, cô K. – làm nghề giúp việc tại bệnh viện Bạch Mai cho biết, thật ra số tiền “chào hỏi” mà “ma mới” phải lót tay cho y tá hay điều dưỡng bệnh viện có thể chấp nhận được, bởi họ cũng muốn thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với những y tá, điều dưỡng tại bệnh viện.

    Trong vai người nhà bệnh nhân đi tìm người giúp việc, PV đã có cuộc tiếp xúc với những y tá ở bệnh viện Bạch Mai. Một y tá cho biết, họ không thể giới thiệu cho chúng tôi vì không có mối quan hệ và số điện thoại liên lạc; một số y tá khác thì cho rằng, chúng tôi có thể đến khoa Phục hồi chức năng, khoa Cấp cứu để tìm vì nhiều “osin” có để lại số điện thoại di động cho y tá các khoa này.

    Tuy nhiên, khi được hỏi nếu chúng tôi thuê được người giúp việc, có phải “nộp” tiền cho y tá và điều dưỡng không, chúng tôi nhận được câu trả lời là “không có chuyện đó”. Tuy nhiên, nhiều người làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê tại các bệnh viện lại khẳng định là có. Do vậy, những nghi vấn về việc nhận tiền “lót tay” của y tá vẫn là những câu hỏi ngỏ.

    Chị M. chia sẻ, thông thường, việc “lót tay” giữa những người mới vào nghề “osin” với y tá, điều dưỡng tại các bệnh viện thường diễn ra giữa hai người với nhau nên người ngoài khó biết. Thậm chí, việc “lót tay” này, ngay cả người nhà bệnh nhân cũng không biết.

    Nhiều người bận đến nỗi hai ngày mới vào thăm người nhà một lần, hoặc đi làm cả ngày, tối chỉ vào thăm người nhà được một chút nên nhiều “osin” được thuê ở lại bệnh viện, nhận thuốc, chăm sóc người ốm với tư cách người nhà. Nếu có việc gì đột xuất hay bệnh nhân bỗng nhiên rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” thì “osin” mới điện thoại cho người nhà đến để giải quyết.

    Trong thời gian tiếp xúc với các nhóm giúp việc tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, phần lớn, họ là những người lao động có gia cảnh nghèo khó. Và, những điều thầm kín của họ về nghề “osin bệnh viện” không phải ai cũng hiểu và thông cảm...      

    Nghề nào cũng có cái khó riêng...

    Chị C. bảo: “Cực chẳng đã mới đi làm cái nghề này em ạ, vì suốt ngày tiếp xúc với người bệnh, thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo và lây nhiễm. Có những ca bệnh, con cái người ta cũng không muốn gần gũi để chăm sóc bố mẹ, nhưng chúng tôi phải tự tay chăm sóc họ. Nghề nào cũng có cái khó riêng, nhưng chúng tôi xác định là “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nên phải cố gắng thôi...”.

    LẠC THÀNH - PHẠM THIỆU

     Xem thêm video:

    [mecloud]oVLvgSjYZ1[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-ngam-cua-osin-benh-vien-nhung-goc-khuat-kho-to-bay-a97930.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.