Nghỉ học vì sợ... bệnh truyền nhiễm "hỏi thăm"


Thứ 3, 07/04/2015 | 12:12


(ĐSPL) - Thời điểm giao mùa, bệnh truyền nhiễm gia tăng, tấn công vào các trường học tại TP.HCM khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

(ĐSPL) - Thời điểm giao mùa, bệnh truyền nhiễm gia tăng, tấn công vào các trường học tại TP.HCM khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Một số bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, quai bị, chân tay miệng có xu hướng tấn công mạnh vào các trường học.
Tin từ trung tâm Y tế dự phòng TP, trong ba tháng đầu năm, trên địa bàn đã xuất hiện 7 trường học bị các bệnh truyền nhiễm “hỏi thăm”.
Nhiều phụ huynh lo ngại đã phải cho con nghỉ học để tránh lây nhiễm.
Hiện, ngành y tế dự phòng đang thực hiện giám sát chặt chẽ đối với hai ổ bệnh thủy đậu tại trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) và trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh).
Tin trong nước - Nghỉ học vì sợ... bệnh truyền nhiễm 'hỏi thăm'

Thực hiện ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh. (Ảnh chỉ có tính minh họa).

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đưa lời khuyên, để tránh nguy cơ mắc bệnh, người dân nên thực hiện chủng ngừa đối với các loại bệnh đã có vắc-xin; ăn chín uống sôi; giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát; rửa tay thường xuyên bằng xà bông; khử khuẩn hàng ngày đối với đồ chơi của trẻ và sàn nhà nơi trẻ vui chơi, học tập.
Đối với những trường hợp trẻ nghi ngờ mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa các bé đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; không nên đưa trẻ đang bị bệnh đến trường để tránh nguy cơ lây bệnh cho những trẻ khác; cần thực hiện cách ly và theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của trẻ; chỉ cho trẻ đi học trở lại khi đã có kết luận khỏi bệnh hoàn toàn của bác sỹ.
Xem thêm video: Thực hiện ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh. (Ảnh chỉ có tính minh họa).
Ngoài các bệnh truyền nhiễm kể trên, một báo cáo của bộ Y tế mới đây cho thấy, từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng tại các tỉnh phía Nam.
Bệnh thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là từ tháng Bảy đến tháng Mười. Đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là diệt loăng quăng, bọ gậy.
Cũng theo thông tin từ bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 7.332 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có hai trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Hậu Giang.
Thói quen đi ngủ không mắc màn cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sỹ, người dân không nên dùng thuốc lá hay các bài thuốc dân gian để chữa cho trẻ trong những trường hợp kể trên, bởi nhiều trường hợp đã từng đe dọa tính mạng của trẻ.
Bác sỹ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện một ổ dịch cúm A/H1N1 tại huyện Long Thành, thông tin được Vietnamnet trích dẫn.
Theo thông tin, trước đó, ngày 20/3, 6 em học sinh trường THPT Long Thành bị nhiễm bệnh với các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi và đau họng.
Ngay lập tức, các em được đưa vào bệnh viện điều trị. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai đã xuống lấy mẫu về xét nghiệm. Kết quả, tất cả sáu em học sinh đều dương tính với cúm A/H1N1. Do được điều trị kịp thời nên hiện sức khỏe của các em đã ổn định, được xuất viện về nhà.
Cũng theo bác sỹ Ngưỡng, hiện trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai đang lấy mẫu xét nghiệm của 28 em học sinh khác tại huyện Nhơn Trạch cũng nghi mắc bệnh cúm A/H1N1 nhưng chưa có kết quả.

HÀ LÊ

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-hoc-vi-so-benh-truyen-nhiem-hoi-tham-a90069.html