Nghịch lý trong vụ 90.000 công nhân công ty Pouyen Việt Nam đình công


Thứ 4, 01/04/2015 | 12:15


(ĐSPL) - Sau ba ngày đình công dẫn đến những xô xát không đáng có, công ty TNHH Pouyen Việt Nam phát loa thông báo, công nhân được tự do nghỉ việc không hưởng lương.

(ĐSPL) - Sau ba ngày đình công dẫn đến những xô xát không đáng có, công ty TNHH Pouyen Việt Nam phát loa thông báo, công nhân được tự do nghỉ việc không hưởng lương. Theo công nhân của công ty Pouyen Việt Nam, họ đình công để thể hiện không đồng tình với chế độ chính sách của Luật BHXH mới. Họ cho rằng, những thay đổi của BHXH không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường làm việc của công nhân. Vậy đâu là sự thật?

Công nhân phản đối vì chưa hiểu rõ điều luật sửa đổi

Trong ba ngày 26, 27 và 28/3, khoảng 90.000 công nhân của công ty TNHH Pouyen Việt Nam (P. Tân Tạo, Q. Bình Tân, TP.HCM) có 100\% vốn nước ngoài, đồng loạt ngừng làm việc. Theo công nhân Pouyen Việt Nam, sau buổi tuyên truyền Luật BHXH sửa đổi năm 2014, trong công ty đã xuất hiện nhiều ý kiến không đồng tình. Đến trưa 26/3, khoảng 30 nam công nhân ở xưởng D3 kéo qua D4 tắt đèn, làm 500 công nhân không làm việc được. Đến chiều cùng ngày, khoảng 700 công nhân ngừng việc. Sáng 27/3, công ty Pouyuen Việt Nam tổ chức Hội nghị người lao động, nhưng không tiến hành được, vì chỉ có 1/3 công nhân đến dự. Số công nhân còn lại tại các phân xưởng đều ngưng việc.

cong-nhan-dinh-cong

Công nhân Pouyen Việt Nam đình công hàng loạt.

Chị Nguyễn Thảo My (22 tuổi, quê Vĩnh Long), công nhân của công ty cho biết: “Trong quá trình đình công, một số công nhân quá khích đã vượt hàng rào điện của công ty nên bị điện giật. Sáng 28/3, toàn thể công nhân của công ty Pouyen Việt Nam đều ngừng việc, có một số bảo vệ xô xát với công nhân. Nhiều nơi công nhân tắt máy, ngồi tại chỗ chờ tình hình lắng dịu để tiếp tục làm việc thì bị một nhóm công nhân vào đe dọa buộc phải ra về nếu không sẽ bị đánh. Ban đầu, công ty không cho nghỉ, nhưng sau đó phát loa thông báo công nhân được nghỉ tự do, nghỉ bao lâu cũng được nhưng sẽ không được hưởng lương”.

Theo chị My, hiện nay, đa số công nhân vừa hoang mang về chính sách mới của Luật BHXH, vừa sợ mất việc khi công ty dùng biện pháp “rắn” hơn để đảm bảo quyền lợi cho công ty. Chia sẻ về lý do đình công, chị My cho biết: “Lý do chúng tôi đình công vì chúng tôi thấy   một quy định hưởng BHXH chưa hợp lý với người lao động. Bởi, có nhiều nguyên nhân khiến chúng tôi nghỉ việc sớm, chẳng ai muốn gắn bó lâu dài với công việc nặng nhọc. Khi ngoài 40 tuổi, công nhân đã nghĩ đến việc lấy tiền BHXH về quê sinh sống, nhưng phải chờ đến tuổi nghỉ hưu mới được hưởng bảo hiểm thì quá lâu”.

“Chúng tôi thiết tha được hưởng chế độ bảo hiểm một lần như luật cũ. Tại Điều 55, Luật BHXH 2006 quy định người lao động sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu, dù chưa đóng bảo hiểm đủ 20 năm, vẫn được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần. Quy định cũ thích hợp hơn với đại đa số công nhân, người lao động tại sao không được giữ nguyên. Khi về già, chúng tôi chỉ muốn sống ở quê và càng không có đủ sức khỏe để vào TP.HCM, chờ đợi lấy tiền BHXH”, chị Trần Thị Hạnh (33 tuổi, quê Nghệ An) bức xúc.

Tiếp thu phản ánh của người lao động

Khi sự việc xảy ra, Công đoàn công ty Pouyen Việt Nam và ban Giám đốc Công ty đã tổng hợp ý kiến gửi đến UBND quận Bình Tân nhờ giúp đỡ. Ngay trong ngày 26/3, Công đoàn Công ty và ban Giám đốc đã nhận được thư phúc đáp của UBND quận Bình Tân. Theo đó, thư trả lời do ông Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Văn Mười ký, nêu rõ: “UBND quận ghi nhận đầy đủ ý kiến của công nhân lao động của Công ty về chế độ hưởng BHXH một lần mà công nhân công ty kiến nghị. Toàn bộ nội dung kiến nghị, UBND quận sẽ chuyển đến BHXH TP.HCM, HĐND TP.HCM, Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM để nghiên cứu và báo cáo lên trên để cơ quan chức năng lưu ý khi ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH trong thời gian tới cần quan tâm các kiến nghị của công nhân lao động”.

Điều 73 Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định điều kiện hưởng lương hưu.

1. NLĐ hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

2. NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1điều này nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, LĐLĐ TP đã có báo cáo nhanh về tình hình công nhân ngưng việc tại công ty TNHH Pouyen Việt Nam đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan chức năng. Về việc trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn bản do Phó Chủ tịch Mai Đức Chính ký, đề nghị LĐLĐ TP.HCM theo dõi, vận động, thuyết phục công nhân, trong đó có nhấn mạnh: “Mục tiêu của Luật BHXH năm 2014 là nhằm đảm bảo cho người lao động được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, đảm bảo quyền an sinh xã hội của người lao động theo quy định của Hiến pháp. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị LĐLĐ TP.HCM thông tin, tuyên truyền, vận động để người lao động tại công ty TNHH Pouyen Việt Nam yên tâm, quay trở lại làm việc và ổn định sản xuất”.

Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị LĐLĐ TP.HCM tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản ánh của người lao động, báo cáo đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để tổng hợp và có ý kiến với Chính phủ và Quốc hội trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH năm 2014 trong thời gian tới, đảm bảo tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Cần giải thích cho người lao động hiểu

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách BHXH Việt Nam cho biết: “Quy định mới của Luật BHXH nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động khi về già. Việc hưởng chế độ một lần khi chưa đủ tuổi về hưu như hiện nay, chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, để lại gánh nặng an sinh về sau cho xã hội. Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường biện pháp tuyên truyền, tiếp thu ý kiến phản hồi của người lao động, giải quyết ổn thỏa sự việc”.

NGUYỄN SƠN - SUỐI MAI

Xem thêm clip: Hơn 2500 công nhân đình công tại nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin



 

 


 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghich-ly-trong-vu-90000-cong-nhan-cong-ty-pouyen-viet-nam-dinh-cong-a89324.html