+Aa-
    Zalo

    Người Thái trả ơn rừng qua lễ cúng thần với số 9 huyền bí

    ĐS&PL vào đầu năm mới họ đều tổ chức lễ cúng, cầu cho năm mới mọi người dân đều có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

    Theo quan niệm của người Thái, thần núi, thần sông là vị thần rất linh thiêng. Vì thế, vào đầu năm mới họ đều tổ chức lễ cúng, cầu cho năm mới mọi người dân đều có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

    Nghi lễ quan trọng của dân tộc Thái

    Xưa, mỗi bản mường của người Thái có những vị cai quản là án nha, phìa, bô lão toàn mường... Nơi nào có bản có mường đều phải có những khu rừng kiêng rừng cấm. Rừng cấm là nơi ngụ của ma thiêng, rừng già là nơi ngụ của hồn mường hồn bản. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được quy luật của rừng, người Thái tôn trọng rừng và đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng. Quy định được cộng đồng tôn trọng, thành luật tục. Người Thái có câu: “Tai pá nhăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, và đã trở thành luật lệ của bản mường.

    Lễ hội cúng rừng của đồng bào Thái tỉnh Yên Bái. Ảnh minh họa

    Người Thái từ đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau: Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào. Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người. Nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng thiêng không bị tàn phá, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, bản mường người Thái lại tổ chức Xên Đông (tức là cúng rừng thiêng). Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi.

    Với người Thái ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, lễ cúng thường được tổ chức vào ngày 20 tháng 3 âm lịch hàng năm, đây được coi là ngày tốt lành trong năm, là thời điểm trời đất giao hòa. Trước ngày diễn ra lễ cúng, người dân cùng họp bàn nhau lại để phân công công việc và chuẩn bị lễ vật cúng thần rừng. Chủ trì lễ cúng là thầy mo được người dân trong bản lựa chọn từ trước. Thầy cúng phải là người có uy tín, được người dân nể trọng.

    Ông Lô Văn Thánh, vinh dự được làm thầy mo năm nay cho biết, lễ cúng thần rừng được tổ chức một lần duy nhất trong năm. Trong lễ cúng, những người tham gia lễ bắt buộc phải mặc trang phục của dân tộc, như vậy thì lễ cúng mới có kết quả tốt đẹp. Thầy mo Lô Văn Thánh nhấn mạnh: “Lễ cúng thần rừng là lễ rất thiêng liêng, nên những người tham gia làm lễ cũng phải ăn mặc trang nghiêm, phải là những người có hiểu biết về phong tục cúng bái của dân tộc mình”.

    Theo ông Thánh, lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng tại gốc của một cây cổ thụ to nhất trong rừng thiêng. Thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Rừng trong tâm thức người Thái cực kỳ quan trọng nên lễ vật cúng rừng nhất định phải to. Con số 9 huyền bí được thầy mo chọn lấy để sắp đặt lễ vật. Lễ vật gồm: 9 con lợn, 9 cuộn vải trắng, 9 nén bạc,... Đó là những vật không thể thiếu, số 9 tượng trưng cho 9 mường của người Thái. Lễ cúng gồm có 3 phần: Phần cúng gọi, phần cúng chính và phần hội.

    Phần cúng gọi là phần mở đầu cho buổi lễ. Trong phần này thầy cúng sẽ tiến hành theo tuần tự các bài khấn để mời các vị thần về tham dự lễ cúng và chứng nhận lòng thành của người dân. Bài cúng kết thúc cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã tề tựu đầy đủ và chấp nhận những lễ vật mà dân làng dâng lên. Khi xong phần cúng gọi, dân bản sẽ giết lợn để chuẩn bị cho 5 mâm cúng chính (nếu giết trâu sẽ làm 7 mâm).

    Đến phần cúng chính, thầy cúng báo cáo với các vị thần từng lễ vật dâng lên. Sau khi khấn gọi những vị thần về dự lễ cúng, thầy cúng bắt đầu bài cúng chính của buổi lễ. “Bài cúng này ca ngợi những công lao của các vị thần và cầu mong họ sẽ tiếp tục phù hộ cho người dân trong năm mới”, thầy mo Lô Văn Thánh nói.

    Trong không khí thiêng liêng của trời đất, người chủ lễ kính cẩn thay mặt bà con dân bản dâng lễ vật và cầu khấn mời thần rừng về hưởng lễ chứng kiến cho lòng thành kính của dân làng, phù hộ cho làng bản trừ hết những xấu xa, vận hạn.

    Phần thứ ba là phần hội. Khi mọi người đã ăn, uống no say thì họ lại cùng nhau uống rượu cần, nhảy múa, đánh cồng chiêng, nhảy sạp,... để thể hiện cho một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc.

    Cầu cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa

    Ông Lô Văn Mai, Bí Thư chi bộ bản Pục, xã Nậm Giải chia sẻ: “Lễ cúng thần rừng rất quan trọng bởi đây là dịp cầu mong thần rừng phù hộ sức khỏe, gia đình hạnh phúc; cầu mong thần rừng trong năm không nổi giận để những cánh rừng sinh sôi nảy nở, nuôi sống bà con dân bản...”.

    Cũng theo ông Na, cúng thần rừng là một nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, nó mang ý nghĩa phồn thực của cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống tại những vùng mà rừng luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, tục cúng thần rừng còn là dịp ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người.

    Tưng bừng trong phần hội.

    Theo ông Mai, trong tâm thức đồng bào dân tộc Thái nơi nào có bản, có mường đều phải có những khu rừng kiêng, rừng cấm. Rừng là nơi ngụ của thần, của hồn mường hồn bản. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được quy luật của rừng, người Thái tôn trọng rừng và đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng.

    Ngoài việc gìn giữ được một lễ hội truyền thống, hoạt động này còn có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền địa phương trong việc phát động người dân tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc chiến bảo vệ rừng ngày một nóng bỏng trong những năm gần đây.

    Những khu rừng thiêng của dân tộc Thái tuy có mang những yếu tố huyền bí, tâm linh nhưng đằng sau sự thần thánh hóa ấy là thái độ sống biết trân trọng và bảo vệ rừng đã cụ thể bằng những luật tục bất di bất dịch từ ngàn đời. Với những ý nghĩa như vậy, tục cúng thần rừng của đồng bào dân tộc Thái là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

    Phục hồi lễ hội thờ cúng thần rừng đầu năm ở huyện Quế Phong

    Năm 2018, UBND huyện Quế Phong tổ chức khởi động dự án: “Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng gắn với sinh kế, văn hóa cho cộng đồng đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong”. Dự án do Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An đề xuất. Tổng kinh phí thực hiện là 2,658 tỷ đồng, trong đó kinh phí xin tài trợ từ chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu là gần 1 tỷ đồng.

    Một trong những hoạt động quan trọng của dự án là phục hồi tổ chức lễ hội thờ cúng thần rừng đầu năm và ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về giữ gìn, phát huy các giá trị phong tục văn hóa tốt đẹp trong quản lý bảo vệ rừng. Dự án do Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An đề xuất, có thời gian thực hiện là 24 tháng. Tổng kinh phí thực hiện là 2,658 tỷ đồng, trong đó kinh phí xin tài trợ từ chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu là gần 1 tỷ đồng.

    Ngân Mai

    Bài đăng ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 14

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-thai-tra-on-rung-qua-le-cung-than-voi-so-9-huyen-bi-a271010.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan