Nhiều công ty XKLĐ tạm dừng tuyển dụng lao động thị trường Ả Rập Xê Út


Thứ 2, 03/04/2017 | 03:55


Cùng sự kiện

Liên quan đến nhiều vụ việc người lao động ở Ả Rập làm đơn kêu cứu, đại diện của các công ty bị phản ánh cho biết đã tạm dừng tuyển dụng XKLĐ sang thị trường Ả Rập.

Liên quan đến nhiều vụ việc nhiều người lao động ở Ả Rập làm đơn kêu cứu, đại diện của các công ty bị phản ánh cho biết đã tạm dừng tuyển dụng XKLĐ sang thị trường Ả Rập.

Bà Nguyễn Thị Hải –Trưởng phòng xuất khẩu lao động công ty Traenco cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, ban giám đốc đã cho rà soát và khiển trách toàn bộ bộ phận tuyển dụng lao động thị trường Ả Rập. 

Công ty CP Traenco chính là đơn vị liên quan đến lao động Nguyễn Thị Hòa đã được chúng tôi phản ánh trong bài viết "Người giúp việc tại Ả-rập-xê-út bị ngược đãi, người nhà kêu cứu" vào thời điểm 02/12/2016. Theo đó, công ty CP Traenco là đơn vị xin visa cho bà Hòa, tuy nhiên lại không trực tiếp đưa bà Hòa đi XKLĐ.

Ngay sau đó, công ty Traenco đã bỏ toàn bộ chi phí để đưa lao động Nguyễn Thị Hòa về nước và báo cáo đầy đủ sự việc cho Cục lao động ngoài nước.

Vị trưởng phòng này cho biết thêm, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc lao động Nguyễn Thị Hòa, Cục quản lý lao động ngoài nước đã ra thông báo yêu cầu công ty Traenco đang bị tạm dừng thị trường lao động Ả Rập.

“Chính vì sự việc của lao động Hòa, công ty Traenco đã bị yêu cầu dừng thị trường Ả Rập. Từ thời điểm đó cho đến nay, cán bộ nhân viên bộ phận thị trường Ả Rập hầu như không được làm gì” – bà Hải nói.

Lao động Nguyễn Thị Hòa trở về nước - Ảnh người nhà cung cấp

Trao đổi với PV, ông Lê Hồng Việt - Giám đốc công ty Nam Việt cũng chia sẻ, sau khi nhận được đơn và giải quyết cho một số lao động về nước phía công ty Nam Việt đã tạm thời dừng hoạt động tuyển dụng thị trường Ả Rập.

Ông Việt cho rằng, các lao động đã kết nối với nhau để xin về nước khiến cho việc hoạt động của công ty ở thị trường XKLĐ Ả Rập gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, công ty Nam Việt đã đưa 3 người lao động đang làm việc ở Ả Rập Xê Út là lao động Nguyễn Thị Sáng (SN 1971), trú tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), lao động Đào Thị Hải Kim (SN 1972) và chị Trương Thị Huệ (SN 1971) cùng trú tại TPHCM.

“Các lao động đã vào hùa với nhau đòi về, khiến chúng tôi gặp khó khăn. Trong thời gian tới công ty sẽ tập trung chính vào thị trường Đài Loan và Nhật Bản, tạm thời dừng thị trường Ả Rập. Lao động nào cũng đòi về thì công ty phá sản mất” – ông Việt chia sẻ.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 2 công ty dịch vụ Việt Nam là: Công ty Phát triển nguồn lực và Dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning JSC) và Công ty Hàng Hải Đông Đô (Dong Do Marine).

Ngoài ra có 5 đơn vị bị thanh tra, đó là: Công ty CP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin; Công ty CP Thương mại, tư vấn và đầu tư xây dựng TMDS; Công ty CP Quốc tế Nhật Minh; Công ty CP Đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Phát.

Ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH thông tin với PV, sẽ tiếp cận các thông tin từ báo chí để quản lý chặt chẽ và có thể thanh tra những đơn vị làm sai quy định.


 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-cong-ty-xkld-tam-dung-tuyen-dung-lao-dong-thi-truong-a-rap-xe-ut-a186141.html