Sự thực về phép màu trong vụ nạn nhân “sống lại” sau tai nạn giao thông


Thứ 3, 08/03/2016 | 03:00


(ĐSPL) - Thông tin về nạn nhân thoát chết hi hữu trong một tai nạn ở Nam Sách, Hải Dương đang làm xôn xao dư luận.

(ĐSPL) - Thông tin về nạn nhân thoát chết hi hữu trong một tai nạn ở Nam Sách, Hải Dương đang làm xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có phép màu mới khiến nạn nhân sống lại sau khi đã được người dân đắp chiếu, thắp hương.

Tính mạng nạn nhân vẫn “ngàn cân treo sợi tóc”

Thời điểm chúng tôi có mặt tại khoa Gây mê Hồi sức (bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) rất nhiều người nhà nạn nhân đang chờ đợi ngoài hành lang của khoa để nghe ngóng tình hình. Hiện bệnh nhân vẫn đang nằm trong phòng hậu phẫu được cách ly và chưa thể tiếp xúc với người bên ngoài.

Trao đổi với PV, PGS. TS. Trịnh Văn Đồng – Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức (bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh nhân tên là Trần Thế B. (sinh năm 1987) ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hiện tại, anh B. vẫn đang hôn mê sâu. Sự sống còn phải trông chờ vào sự trợ giúp của máy móc, đặc biệt là máy thở oxy và máy trợ tim.

Bác sỹ Đồng cho biết thêm: “Hiện tại, chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì. Các bác sỹ vẫn đang tiếp tục điều trị tích cực cho bệnh nhân tại phòng hậu phẫu sau mổ. B. không bị chấn thương sọ não. Bởi kết quả chụp X – quang và CT não nạn nhân không có máu tụ. Nhưng, chúng tôi vẫn phải theo dõi tiếp. Bây giờ, bệnh nhân đang phải truyền dịch, truyền máu nhiều vì mất nhiều máu. Một vài ngày nữa chúng tôi mới biết được kết quả chính xác của bệnh nhân”.

Tin trong nước - Sự thực về phép màu trong vụ nạn nhân “sống lại” sau tai nạn giao thông

Anh B. bất ngờ sống lại sau 30 phút "đắp chiếu".

Theo nguồn thông tin khác mà chúng tôi thu thập được, bệnh nhân B. được chuyển đến bệnh viện Việt Đức vào lúc 5h chiều ngày 2/3. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sỹ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu và sau đó cho mổ ngay.

Theo chẩn đoán ban đầu, anh B. bị thương rất nặng, sốc đa chấn thương, nghi chấn thương sọ não và chấn thương ngực. Không những thế, bệnh nhân này còn bị gãy nhiều xương, tổn thương đốt sống cổ C1, C2. Phần xương cánh tay hai bên, xương đùi, xương chày cũng bị gãy.

Các bác sỹ đã tiến hành mổ cấp cứu, cắt cánh tay trái, mổ xương đùi hai bên và đã lấy những đất, cát bị dính vào vết thương bị hở. Sau đó, bác sỹ cố định ngoại vi đùi trái còn bên phải bó bột.

Trong một diễn biến khác, chúng tôi đã liên lạc với đại diện khoa Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Hải Dương thì nhận được thông tin, vào khoảng 12h45 ngày 2/3, khoa Cấp cứu có tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Qua sơ khám ban đầu, các bác sỹ nhận định, nạn nhân rơi vào tình trạng không đo được huyết áp, bị mất nhiều máu và đa chấn thương. Sau đó, các bác sỹ cũng đã tiến hành các biện pháp cấp cứu tích cực như đặt nội khí quản, hồi sức, truyền 8 đơn vị máu, hai đơn vị huyết tương và băng bó, cố định các điểm nghi là bị gãy xương bên trong.

Đến khoảng 15h cùng ngày, khoa Cấp cứu đã làm các thủ tục cần thiết chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Việt Đức để tiếp tục cấp cứu, điều trị. Khi chuyển viện, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu.

Bất ngờ “đội chiếu” sống lại

Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trước đó, khoảng 12h30, ngày 2/3/2016, trên quốc lộ 37 đoạn qua xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông.

Cụ thể, anh Trần Thế B. điều khiển xe máy Jupiter đến đoạn đầu làng An Xá (gần cây xăng Quốc Tuấn) thì gặp hai xe cùng chiều đang vượt lên theo hướng về TP. Hải Dương. Thấy vậy, anh B. chủ động lái xe chạy nhanh hơn để vượt lên nhưng gặp chướng ngại vật nên phanh ngấp, anh B. đâm phải một chiếc xe tải khác đang chạy trên đường.

Cú tông mạnh khiến anh B. bị văng ra khỏi xe, nằm bất động, chiếc xe máy hư hỏng nặng. Khi nhiều người hiếu kỳ đến xem thì phát hiện nạn nhân nằm bất động, có dấu hiệu ngừng thở.

Sau đó, những người có mặt ở gần hiện trường đã mua chiếu đắp lên người anh B. và mang cả cơm cúng ra đặt vì cho rằng nạn nhân đã chết. Tuy nhiên, 30 phút sau, điều thần kỳ đã xảy ra, sau khi người nhà đến nơi vì quá đau đớn nên đã ôm chầm lấy anh B. gào khóc tuyệt vọng thì bất ngờ nạn nhân cựa quậy, sau đó tỉnh lại trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Được biết, trước khi xảy ra vụ va chạm giao thông nghiêm trọng trên, anh B. có mâu thuẫn với vợ. Sau đó, anh đi ăn cỗ tại nhà một người họ hàng. Dù đi đúng chiều, nhưng do chạy với tốc độ cao, xe tải lấn làn, không kiểm soát được tốc độ đã dẫn đến vụ tai nạn giao thông đáng tiếc trên.

Mặc dù cho đến thời điểm này, nạn nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Việt Đức nhưng nhiều người vẫn chưa hết hú vía khi chứng kiến nạn nhân của vụ tai nạn “hồn lìa khỏi xác” bỗng dưng sống lại. Họ cho rằng, phải chăng có phép màu sau vụ tai nạn thảm khốc trên?

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS.Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA, nói: “Đây không phải là trường hợp hi hữu. Bởi thực tế cho thấy đã có rất nhiều trường hợp đội mồ sống dậy. Theo thống kê, có khoảng 2 phần nghìn trường hợp người chết có thể sống lại trong giai đoạn từ 10-12 tiếng đồng hồ. Xác suất chủ yếu rơi vào các trường hợp người còn trẻ tuổi hoặc chết vì các sự cố đột ngột”.

Theo TS.Vũ Thế Khanh, cái chết của con người được xác định khi phổi ngừng hô hấp, tim ngừng đập, thân xác lạnh cứng hoàn toàn và bắt đầu phân hủy. Tuy nhiên, trong thực tế, con người còn có hai loại chết: Chết thật và chết giả. Chết giả, y học gọi là chết lâm sàng, giới tâm linh gọi là cận tử. Chết lâm sàng là người đã ngừng thở, tim ngừng đập, đồng tử giãn rộng – có thể xem như trạng thái của người đã chết.

Song sau 20 phút hoặc mấy tiếng sau đó, thậm chí vài ngày, bỗng nhiên người được coi là đã chết sống lại. Người này sống lại có thể vài giờ hoặc tiếp tục sống vài chục năm.

Liên quan đến trường hợp hi hữu trên, lý giải của một bác sỹ đang công tác tại bệnh viện Việt Đức (đề nghị không nêu tên-PV) cho rằng, việc anh B. sống lại không phải là “phép màu” mà có thể giải thích bằng y học.

Khi một người bị tai nạn giao thông, nếu bị va đập mạnh ở phần đầu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng bất tỉnh hoặc ngừng thở. Không phải là nạn nhân “bất ngờ” sống lại mà do người dân không có kiến thức chuyên sâu nên đã lầm tưởng nạn nhân nằm bất động, ngừng thở là đã chết.

Thực tế, khi bị tai nạn giao thông, do va chạm mạnh, bệnh nhân dẫn đến trạng thái hôn mê. Hôn mê có hai loại là hôn mê thường (vẫn có khả năng tự thở) và hôn mê sâu (ngừng thở), sau một thời gian ngắn, tổn thương sọ não không phải là cấp tính nữa thì nạn nhân sẽ tỉnh, thở được trở lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, trong khi người dân lại thiếu kinh nghiệm trong việc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dẫn đến tình trạng người gặp nạn bị nặng hơn.

Trao đổi về vấn đề này, BS. Lương Quốc Chính- khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Nạn nhân cần được vận chuyển trên cáng hoặc tấm bảng cứng. Điều này rất quan trọng vì làm giảm đáng kể các cử động mà nạn nhân phải chịu đựng, từ đó tránh được các tổn thương và làm tình trạng trở nên xấu đi. Đầu tiên, chúng ta phải giữ cổ và lưng của nạn nhân thẳng. Để nạn nhân nằm trên một mặt phẳng. Trong trường hợp tổn thương chảy máu, nâng phần bị thương cao hơn phần thân của nạn nhân và băng ép lên vùng chảy máu. Giữ băng ép liên tục cho tới khi bạn đưa được nạn nhân tới bệnh viện. Nếu nạn nhân ngừng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi hoặc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay trên xe vận chuyển”.

TRUNG DŨNG - N. GIANG 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-thuc-ve-phep-mau-trong-vu-nan-nhan-song-lai-sau-tai-nan-giao-thong-a121842.html