TP HCM: Đầu tư hơn 1.000 tỷ giảm ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước


Thứ 2, 21/11/2016 | 08:30


(ĐSPL) - Khoảng 1.070 tỷ đồng ngân sách sẽ được chi để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước.

(ĐSPL) - Khoảng 1.070 tỷ đồng ngân sách sẽ được chi để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước.

Tin tức trên báo VnExpress cho biết, UBND TP HCM vừa phê duyệt chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020. Theo đó, khoảng 1.070 tỷ đồng ngân sách sẽ được chi để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước  rộng 268ha, ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Trong đó, chi phí trồng cây là 90 tỷ.

Bãi rác Đa Phước. Ảnh: VnExpress.

Nguồn tin này cho hay, việc giảm ô nhiễm môi trường được TP HCM ưu tiên thực hiện 54 dự án với gần 64.200 tỷ đồng.

Trong đó, gần 51.300 tỷ đồng (vốn huy động hình thức PPP, ODA…) được đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và nạo vét kênh rạch.

TP cũng có chủ trương xã hội hóa kêu gọi tư nhân làm dự án xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến, công suất 1.000 - 2.000 tấn mỗi ngày với số vốn 2.000 tỷ đồng; kêu gọi vốn ngoài ngân sách đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn là hơn 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2018 - 2020 và nhiều dự án khác.

Kế hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 cũng đưa ra mục tiêu áp dụng công nghệ tái chế, làm phân compost và đốt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60%.

Trước đó, báo Tri thức trực tuyến đưa tin, hồi tháng 8/2016, người dân ở khu vực Nam Sài Gòn liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi liên tục xuất hiện, đặc biệt vào buổi chiều tối. Trong đó, người dân “tố” mùi hôi này xuất phát từ Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Ngày 3/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm tại quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời, đề xuất phương án giải quyết.

Ngày 29/9, trong buổi họp báo thường kỳ, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP HCM đã công bố nguyên nhân mùi hôi ở khu vực Nam Sài Gòn trong thời gian qua. 

Ông Hoan dẫn báo cáo được UBND TP HCM gửi Thủ tướng về tình trạng mùi hôi ở khu vực Nam Sài Gòn, khẳng định mùi hôi đó chính là mùi rác. Mùi rác này xuất phát từ các bãi chôn lấp hở và hồ chứa nước rỉ rác tại Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS - huyện Bình Chánh, TP HCM). 

Đề cập đến giải pháp khắc phục mùi hôi ở Nam Sài Gòn, ông Hoan cho biết TP HCM sẽ tiến hành trồng sớm dãy cây xanh cách ly. Ngoài ra TP cũng sẽ triển khai kế hoạch, thí điểm việc xử lý phân loại rác tại nguồn. 

Điều19. Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Nghị định Số: 38/2015/NĐ-CP Về quản lý chất thải và phế liệu)

1. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:

a) Công nghệ chế biến phân hữu cơ;

b) Công nghệ đốt;

c) Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh;

d) Các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt;

đ) Các công nghệ khác thân thiện với môi trường.

2. Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các tiêu chí sau:

a) Về công nghệ:

- Khả năng tiếp nhận các loại chất thải rắn sinh hoạt, khả năng linh hoạt, phù hợp về quy mô, mở rộng công suất xử lý;

- Mức độ tự động hóa, nội địa hóa của dây chuyền thiết bị; tỷ lệ xử lý, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;

- Ưu tiên công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam;

- Quản lý, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với trình độ, năng lực của nguồn nhân lực tại địa phương.

b) Về môi trường và xã hội:

- Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

- Tiết kiệm diện tích đất sử dụng;

- Tiết kiệm năng lượng, khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý;

- Đào tạo, sử dụng nhân lực tại địa phương.

c) Về kinh tế:

- Chi phí xử lý phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được cơ quan có thẩm quyền công bố;

- Khả năng tiêu thụ sản phẩm từ công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt.

3. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương mình.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

BẢO KHÁNH (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]W3N7sxmJ7A[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tp-hcm-dau-tu-hon-1000-ty-giam-o-nhiem-o-bai-rac-da-phuoc-a170871.html