Vàng đen và những cơn sóng ngầm mang tên buôn lậu


Chủ nhật, 05/04/2015 | 00:06


(ĐSPL) - Gần một hầm lò, chúng tôi không được phép vào, mọi thứ ở đây đều có những luật lệ riêng không dễ để có thể tiếp cận được với hầm than.

(ĐSPL) - Sau sự kiện các cơ quan chức năng bắt giữ 104 tàu than lậu năm 2008, cùng hàng loạt các cuộc thanh tra, giám sát của các cơ quan liên ngành đã làm cho nạn than lậu, than thổ phỉ phải tan tác. Tạm quên đi một thời gian, than lậu lại tiếp tục âm ỉ “cháy” trên vùng mỏ.
Thế nên, rạng sáng 3/3, một lượng than lớn chưa rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng thu giữ ở phường Hà Khánh, TP. Hạ Long. Khi bị “truy” đến tận cùng thì các cơ quan chức năng “ông nói gà, bà nói vịt”. Câu chuyện này một lần nữa khiến nhiều người đặt ra nghi vấn. Liệu vẫn còn bao nhiêu vàng đen đang âm thầm rò rỉ khỏi vùng than theo con đường buôn lậu?
Tin trong nước - Vàng đen và những cơn sóng ngầm mang tên buôn lậu

Nhiều bãi than tạm bợ thế này vẫn được tập kết và chuyển đi khi đêm về.

Từ trước đến nay, cuộc chiến chống vấn nạn than thổ phỉ vẫn được các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc ngăn chặn. Tuy nhiên trên thực tế, triệt phá vẫn triệt phá và những thổ phỉ làm than vẫn liên tục mọc lên, trong đó có cả những nhân vật “cổ cồn trắng” và “thổ phỉ mafia”. Các đối tượng này cùng nhau làm thất thoát nghiêm trọng tài nguyên quốc gia theo những cách không ai ngờ đến và tất nhiên “cuộc chơi kim tiền” này không dành cho những kẻ thấp cổ bé họng...
Tranh tối, tranh sáng
Vượt đường từ bến Rừng, chúng tôi hẹn gặp Tuân (*) lên Tân Dân (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) nói là thăm người quen nhưng cũng nhờ Tuân đưa đến một nơi đã từng được gọi là “thiên đường” của than thổ phỉ. Đường đi không hề dễ, nhưng chúng tôi được dặn dò cặn kẽ rằng, sau “biến cố” vừa xảy ra, các cơ quan làm gắt lên các lò than trong vùng đều rất kỵ với người lạ.
Xem thêm video: Doanh nghiệp lén lút khai thác vàng gần 1 năm.

Trước đây, Tân Dân đã từng là “đại bản doanh” một số ông trùm than thổ phỉ một thời như D. “Phương”,  Ninh “Hạt”... đây từng  toàn là những “anh cả, chị hai” cát cứ trong vùng để khai thác than trái phép. Tuân cũng cho biết, nhiều khu vực xung quanh khi than ở khu vực này bị hạn chế, các lò than thổ phỉ chỉ hoạt động lén lút và khi “có động” sẵn sàng đánh sập hầm để tẩu thoát.
Sau khi được đảm bảo, chúng tôi đi qua khu vực đồi thôn Khe Mực, mặc dù bị cơ quan chức năng triệt phá khá nhiều nhưng hoạt động khai thác than nơi đây vẫn diễn ra một cách âm thầm.
Gần một hầm lò, chúng tôi không được phép vào, mọi thứ ở đây đều có những luật lệ riêng không dễ để có thể tiếp cận được với hầm than. Tuân giảng giải với chúng tôi rằng, tại nhóm của Tuân hiện vẫn thấp cổ bé họng, nên cứ hở ra là “bị đập”. Từ ngày cơ quan chức năng mở chiến dịch truy quét than lậu thì những “nồi cơm” nhỏ lẻ của nhóm than tự phát “bị bay” đi khá nhiều. Song, với những ông trùm quyền lực thật sự thì, sự việc như vậy không khác nào gạt đi những cái gai trong mắt.
Theo một vị quan chức của TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thì, chỉ tính riêng tại TP. Uông Bí, trong tổng số 9 phường, 2 xã đều tồn tại các mỏ than bị khai thác trái phép. Thành phố cũng đã mở hàng trăm đợt triệt phá trong 5 năm trở lại đây của lực lượng liên ngành thành phố, song vẫn chưa thấm tháp gì, nếu so sánh với nguồn lợi khổng lồ mà các đối tượng thổ phỉ đang ngày đêm bòn rút tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Đối tượng khai thác than thổ phỉ giờ đây không chỉ là những tay “anh chị” liều lĩnh trang bị vũ khí như súng tự chế, mà chúng còn tự trang bị cho mình... kiến thức về hầm lò trong khai thác than. Điều đo, giải thích vì sao, khi cướp than và khai thác trộm than, các đối tượng trùm giang hồ như Ninh “Hạt” không chỉ manh động mà còn thực hiện một cách gọn gàng và vô cùng tinh vi.
Xuống “âm phủ” kiếm cơm
Cách đây vài năm, nơi “thiên đường vàng đen” này, người người làm than, nhà nhà làm than rất sôi động. Chỉ cần có một mảnh đất bằng cái chiếu là có thể trở thành ông chủ mua bán than. Đất đá đào bới loang lổ, có thời điểm cả không khí, nước, ao, hồ ô nhiễm cây cối phủ kín một màu đen.
Có một thời gần như cả mảnh đất này phủ kín một màu đen, người ta phải nhìn nhau qua những tấm khẩu trang và kính chống bụi. Ở Quảng Ninh, có nhiều người dân sống bằng nghề hút than chảy, trôi theo khe, suối, sông sau mỗi trận mưa. Những ngày được đặt những bước chân vào các vỉa mỏ lộ thiên ven các khai trường, chúng tôi cũng đã từng bắt gặp những phận người đen nhẻm, quần áo lao động sờn rách, tay xách bì xác rắn, nón sùm sụp lăn lông lốc cùng với những cục than đen thui, như phận đời họ, để nhặt nhạnh từng hòn than sót lại trong các bãi xít.

Cuộc chiến chống than lậu hiện về từ bóng ma quá khứ

Hẳn dư luận còn nhớ bóng ma quá khứ năm 2008, thời điểm mà cuộc chiến chống than lậu đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, cam go nhất. Các lực lượng liên ngành đã thực hiện kế hoạch cao điểm để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh.

Việc ban hành chỉ thị 11/CT – TV (9/4/2008) của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng với các cơ quan vào cuộc khiến nạn khai thác than trái phép đã được chặn đứng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống than lậu vẫn âm ỉ. Các thủ đoạn của “thổ phỉ” than liên tục biến đổi và thủ đoạn tinh vi hơn rất nhiều nhằm rút ruột tài nguyên quốc gia.

Những cơ sở than thổ phỉ vẫn âm thầm hoạt động. Các khu vực Tân Dân của Hoành Bồ, Đông Triều và Hà Khánh ban ngày vẫn khoác lên chiếc áo bình yên, nhưng ban đêm lại xuất hiện những tiếng gầm rú của xe ben, những con đường lầy lội đầy ổ trâu, ổ gà. Các bãi than tư nhân lại nhộn nhịp. Xe vận tải chở than đến và đi tấp nập. Máy nghiền than chạy xình xịch. Chính Tuân cũng thừa nhận với tôi, ban ngày, cậu ta chỉ ngủ và ban đêm, khi thiên hạ ngủ, cậu ta lại xuống “âm phủ” để “kiếm cơm”.
Chua chát hơn, Tuân thừa nhận rằng, ở đời, làm nghề nào cũng phải “có võ” của nghề đó. Than thổ phỉ bây giờ không còn như ngày xưa nữa, nhất là khi xã hội chuộng cái danh. Tấm áo “giám đốc” khoác lên vai những kẻ đã từng làm “phỉ than” cũng sẽ khác. Và những kẻ vào rừng làm phỉ và bước ra với chiếc áo doanh nhân, thân danh đã lên đến chức giám đốc, hẳn tích lũy được khối “kho tàng kiến thức”. Hiểu rộng ra là bản lĩnh, thủ đoạn sống, cách cộng sinh với các cơ quan liên ngành. Nếu không hội được những “phẩm chất trên” tất nhiên, bị quy luật cạnh tranh đào thải... từ khi chưa trở thành giám đốc. Nhưng, theo đánh giá chung: Ma lanh, năng động, nhận - phân tích tín hiệu nhanh và phản ứng ra tiền giỏi nhất, là các “giám đốc tự lập”.  

Xã hội đen kiêm giám đốc, bảo kê than thổ phỉ

Cách đây chưa lâu, hẳn người dân đất mỏ đã khấp khởi mừng thầm khi giám đốc kiêm trùm than thổ phỉ D. “Phương” (tức Trần Quốc D., SN 1977, trú tại phường Cẩm Đông, TP. Cẩm Phả) để điều tra về hành vi (ban đầu) là “cố ý gây thương tích”. Thông tin này loang nhanh khắp vùng mỏ Đông Bắc. Hầu hết, người dân vui mừng phấn khởi, song không ít người vẫn e ngại... Bởi D. “Phương” đã từng là một tay doanh nhân kiêm giang hồ cộm cán.

Trước đây, D. “Phương” đã từng tìm đủ cách ép người dân đang quản lý đất trồng rừng phải bán lại cho chúng. Anh em D. “Phương” gom được khoảng 200ha đất ngay giữa mỏ than Mông Dương. Tại đây, D. “Phương” xây một đại bản doanh hoành tráng, gồm khu ăn chơi ngủ nghỉ, khu tập kết xe máy, bãi tập kết than. D. “Phương” đã từng bị phạt 12 tháng tù về tội giữ người trái pháp luật liên quan đến các đường dây phạm tội của y. Tuy nhiên, bản án này còn gây nhiều tranh cãi.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vang-den-va-nhung-con-song-ngam-mang-ten-buon-lau-a89707.html