Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung có chấm dứt oan sai?


Chủ nhật, 18/03/2018 | 05:24


Cùng sự kiện

Các vụ án oan, sai, thời gian qua đã rấy lên những bức xúc, lo ngại về tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra hình sự.

Các vụ án oan, sai, điển hình như vụ án oan gây chấn động dư luận thời gian trước của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã rấy lên những bức xúc, lo ngại về tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra hình sự.

Từ hôm nay (18/3/2018), Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự; thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử được liên ngành Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng ban hành sẽ có hiệu lực.

Theo Thông tư liên tịch, trước khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai phải đăng ký với cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan liên quan để cơ quan đó bố trí phòng phục vụ việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Đây được coi là một "bước tiến" đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, bởi thực tế tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là hiện tượng bức cung, dùng nhục hình vẫn xảy ra.

Ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM, đánh giá quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can là rất tiến bộ, phù hợp với thực tiễn. "Trước đây, trong các bản cung luôn có mục cuối cùng là bị can đã đọc rõ nội dung hỏi và trả lời, sau đó ký tên. Trên thực tế, thời điểm hỏi cung như vậy, không có ghi âm, ghi hình, chỉ có bị can và điều tra viên, buộc các bị can phải ký vào bản cung. Tình trạng ép cung, mớm cung, đánh đập bị can gây ra rất nhiều bức xúc, nhiều vụ oan sai trong suốt một thời gian dài" - ông Hùng nhấn mạnh.

Về những lo ngại việc thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không được thực chất, ông Phạm Công Hùng cho rằng VKSND sẽ giám sát toàn bộ quá trình điều tra. Ngoài ra, khi có luật sư tham gia, nếu phát hiện việc ghi âm, ghi hình không thực chất, luật sư với vai trò phản biện sẽ lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can. "Nếu điều tra viên không thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung theo đúng quy định, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - ông Hùng nói.

Việc hỏi cung sẽ được giám sát bởi hệ thống camera và ghi âm. Ảnh minh họa

Điển hình như vụ việc xảy ra tại Ninh Thuận hồi năm 2017. Theo hồ sơ, ngày 28/4/2017, Võ Văn Minh (ngụ phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm) bị Công an tỉnh Ninh Thuận khởi tố, bắt giam về hành vi mua bán chất ma túy và bị tạm giữ tại Trại tạm giam Công an Ninh Thuận. Sau quá trình điều tra, CQCSĐT xác định Minh phạm tội ở khung hình phạt dưới 15 năm nên bàn giao cho công an TP Phan Rang – Tháp Chàm thụ lý theo thẩm quyền.

Ngày 8/9/2017, Minh được di lý từ trại giam công an tỉnh về nhà tạm giữ công an TP Phan Rang – Tháp Chàm. Đến chiều cùng ngày, bị can được phát hiện trong tình trạng bị thương nặng trong phòng giam. Minh được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Nhà tạm giữ Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm

Ngay sau khi xảy ra vụ án, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định tử thi để phục vụ điều tra. Sau đó, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao đã vào cuộc điều tra vụ án trên, trích xuất camera tại trại giam và phát hiện Hồ Bá Đồng và Ngô Văn Sáng đã dùng nhục hình khiến đối tượng bị thương nặng.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Bá Đồng và Ngô Văn Sáng tội dùng nhục hình. Công an cũng khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với Nguyễn Phạm Việt Hà, Trần Đức Lâm và Vũ Trọng Cường với tội danh tương tự. Đây đều là ng cán bộ bảo vệ tư pháp Công an Tp Phan Rang – Tháp Chàm và đã bị tước quân tịch.

Những nhân vật bị oan sai "nổi tiếng" (từ trái qua): Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn

Ngược trở về trước, có thể thấy trong các vụ án oan hoặc có dấu hiệu oan, sai, hầu hết bị can, bị cáo đều khai mình bị bức cung, nhục hình. Từ Huỳnh Văn Nén đến Hàn Đức Long, từ Trần Văn Thêm đến 5 công dân ở Tuyên Quang… đều có thể kể về những nhục hình mà mình phải chịu khi bị giam giữ.

Ông Hàn Đức Long từng bị 4 lần tuyên án tử

Biện pháp lắp máy quay, ghi âm trong phòng hỏi cung hay tăng cường sự tham gia của luật sư... phần nào có thể giúp hạn chế bớt bức cung, nhục hình. Song, hiệu quả đến đâu thì vẫn cần thời gian kiểm chứng bởi vấn nạn trên dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha.

Tất nhiên, nó không phải là không có thuốc chữa. Pháp luật lúc nào cũng nghiêm minh, chỉ có điều khâu thực thi có nghiêm chỉnh hay không lại là vấn đề khác. Nếu bất kể một lời khai nào về bức cung, dùng nhục hình cũng được xem xét cẩn trọng thì chắc tình trạng “chết trong đồn công an” sẽ không đến mức làm nhức nhối cả Quốc hội. Nếu cá nhân nào dùng nhục hình để bức cung cũng được khởi tố nhanh như vụ Võ Văn Minh kể trên thì chắc công tác điều tra sẽ thực sự là một khâu quan trọng bảo vệ công lý.

Hoàng Giang (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ghi-am-ghi-hinh-khi-hoi-cung-co-cham-dut-oan-sai-a222900.html