Trà sữa “bẩn” tràn lan thị trường gây hại cho người tiêu dùng


Thứ 7, 23/06/2018 | 00:18


Cùng sự kiện

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng Công an Hà Nội vừa phát hiện 4 vụ việc và thu giữ 2 kho hàng chứa khối lượng lớn nguyên liệu pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc.

Chỉ trong vòng 6 tháng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng Công an Hà Nội đã phát hiện 4 vụ việc và thu giữ 2 kho hàng chứa khối lượng lớn nguyên liệu pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc với nhiều tấn hàng hóa.

Thế nhưng trên các con đường, góc phố ở Hà Nội không khó để tìm một cửa hàng trà sữa và có những phố có đến cả chục quán nằm san sát nhau, luôn tấp nập người vào kẻ ra “thưởng thức” loại nước uống này.

Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc

Các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ này có thật sự an toàn cho sức khỏe hay không, là băn khoăn của nhiều người. Nhưng chính những người trẻ đang “phát cuồng” vì trà sữa lại thờ ơ với điều này. Nhiều nơi vì lợi nhuận, kinh doanh những loại trà sữa kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mới nhất, ngày 2/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường CATP.Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại 131 Phú Lương, (quận Hà Đông, Hà Nội), phát hiện 1 kho nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa, khoảng hơn 1 tấn gồm bột trà, bột sữa... Chủ của cơ sở này không xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số nguyên liệu.

Các cơ quan chức năng kiểm tra một kho hàng chứa nguyên liệu làm trà sữa

Tại hiện trường, số hàng hóa được bảo quản trong môi trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều bao bì chứa các loại bột có biểu hiện nấm mốc, lấm bẩn. Đặc biệt, có nhiều bao, bên ngoài vỏ là đường trắng nhưng bên trong bao lại có 1 lớp bao bì thứ 2 in chữ Trung Quốc đựng sữa bột.

Theo lời khai của chủ cơ sở này, các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc được mua trôi nổi trên thị trường, tập kết về kho và bán lẻ cho các quán trà sữa với giá 800.000 đồng mỗi bao 25kg. Mỗi bao này có thể pha được hơn 1.000 cốc trà sữa.

Được biết, trước đó, ngày 26/12/2017, 4 tấn nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc được lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ tại ga Giáp Bát (Long Biên).

Chưa đầy 1 tháng sau, trong 2 ngày 15 và 19/1, lực lượng QLTT Hà Nội cũng liên tiếp phát hiện những vụ việc tương tự tại kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) và 1 cửa hàng của thương hiệu trà sữa Ding Tea thuộc phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).

Trà sữa “bẩn” gây ngộ độc, tổn thương gan thận và vô sinh Ghi nhận trên địa bàn Hà Nội, hiện nay có rất nhiều quán trà sữa mọc lên. Giá cả của các loại trà sữa này cũng không hề rẻ, dao động từ 40 đến 60 nghìn 1 cốc/ly. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ luôn sẵn sàng bỏ tiền túi, thậm chí chờ đợi hàng giờ để được thưởng thức.

Tại 1 cửa hàng trà sữa trên đường Nguyễn Phong Sắc lúc 11 giờ ngày 5/6, số lượng khách hàng tại đây dễ đến gần trăm người, nhiều bạn trẻ tỏ vẻ khá mệt mỏi khi ngồi đợi hơn 30 phút để mua được 1 cốc trà sữa.

Càng về trưa, số lượng khách ngày một tăng dần. Nhân viên cửa hàng hoạt động hết công suất, quá trình làm trà sữa tại đây không quá phức tạp. Những túi trà được ngâm và cho vào máy xay, sau đó qua quá trình lọc thủ công để có những bình nước trà. Bột sữa được nhân viên pha sẵn. Nước trà sẽ được hòa cùng sữa, trân châu, thạch và tinh dầu gồm các vị khác nhau theo nhu cầu và sở thích của từng khách hàng.

Feeling Tea được xem là quán trà sữa có giá bình dân hơn cũng thu hút đông đảo những khách hàng gồm các học sinh, sinh viên. Tháng 5/2016, 1 cửa hàng của hệ thống Feeling Tea trên đường Ngọc Hồi bị cơ quan xử lý vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống các cửa hàng này vẫn là “địa điểm tin cậy” với giới trẻ.

Tiếp cận 1 cửa hàng trà sữa có thương hiệu nổi tiếng trên đường Chùa Láng (quận Đống Đa), theo quan sát của chúng tôi, quy trình pha chế trà sữa khá đơn giản. Những bình nước trà, bình sữa được pha sẵn, khi khách hàng đến, nhân viên chỉ việc xay và pha chế 2 loại nước đó cùng đường, trân châu hoặc thạch. Tại tầng 2 của cửa hàng, phóng viên phát hiện 1 căn phòng kho kín đáo để nấu trà và chứa nguyên liệu. Khi phóng viên muốn tiếp cận căn phòng, nhân viên tỏ thái độ không đồng ý.

hời gian qua, nhiều vụ việc học sinh uống trà sữa phải nhập viên, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến trà sữa bẩn tràn lan trên thị trường nhưng giới “nghiền” trà sữa vẫn không màng quan tâm, các hệ thống cửa hàng trà sữa trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa lúc nào vắng bóng khách hàng.

Đặc biệt, khi những vi phạm về an toàn thực phẩm của các kho nguyên liệu bị phát hiện, các cửa hàng trà sữa lại “tung chiêu” giảm giá, khuyến mãi. Các tín đồ trà sữa dù hoang mang vẫn lại lao vào “cơn nghiện trà sữa” của chính mình.

Nói về tác hại nhãn tiền của trà sữa, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho rằng: “Do chứa nhiều đường và calo, nên nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, các bạn học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển. Tuy nhiên, trà sữa không phải là nguyên nhân duy nhất cũng như nguyên nhân chính gây béo phì. Đây chỉ là 1 trong những nguyên nhân gây béo phì”.

Theo BS Sơn, bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng có những nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì lợi ích, một số cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Hương vị không khác với trà tự nhiên nhưng nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học. Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng hạn chế thì không nguy hại nhiều tới sức khỏe. Nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận. Thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, 1 loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormone nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng.

Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên mua nguyên liệu về tự chế. Sữa kết hợp với trà nếu không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà.

“Ngoài những nguy cơ về thừa năng lượng, gây tổn thương gan, thận và vô sinh, trà sữa được sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Vấn đề này không đến từ bản thân trà sữa mà đến từ việc sản xuất cũng như nguồn gốc của nguyên liệu tạo ra loại đồ uống này”- BS Sơn nhấn mạnh.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Nguyễn Huy An (đoàn luật sư Hà Nội), căn cứ vào Điều 6 Luật an toàn thực phẩm quy định: Tổ chức, cánhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạmmà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phụchậu quả theo quy định của pháp luật. Việc kinh doanh trà sữa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 178/2013.

Đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quannhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến50.000.000 đồng. Hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thìbị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy tang vậtvi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng nếu người này bị thiệt hại do sử dụng trà sữa kém chất lượng gây ra.


Hoàng Văn
Bài đăng trên báo giấy Hôn nhân & Pháp luật số 73

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tra-sua-ban-tran-lan-thi-truong-gay-hai-cho-nguoi-tieu-dung-a233640.html