Trường Giang: Từ tuổi thơ không ước mơ tới đại gia cơm bụi


Thứ 6, 29/09/2017 | 12:42


Cùng sự kiện

Trước đây, gặp Trường Giang dễ lắm, chỉ cần đến sân khấu. Nay, hẹn gặp anh phải chờ, vì công việc nhiều, show diễn liên tục...

Trước đây, gặp Trường Giang dễ lắm, chỉ cần đến sân khấu. Nay, hẹn gặp anh phải chờ, vì công việc nhiều, show diễn liên tục... Thế nhưng, cái chân chất, hài hước vẫn y hệt chẳng thấy thay đổi chút nào.

Hai lần dang dở ước mơ giảng đường đại học

Trường Giang kể, anh quê gốc ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cha mẹ kết duyên, sinh được 6 người con, anh là đứa thứ 5. Ở nhà, mọi người vẫn thường gọi anh là Tí. Tí vì lúc anh sinh ra lẫn lớn lên đều thâm thấp, èo uột... Cuộc sống đang sung túc, vui vẻ thì mẹ bỗng dưng ốm rồi qua đời. Ngày ấy, đứa em út chỉ vừa thôi nôi, “thằng Tí” vẫn chưa hiểu hết biến cố lớn vừa xảy ra. Anh chỉ khóc, mù mờ hiểu mất mẹ là điều xót xa và đau thương lắm.

Một mình cha cố gắng nuôi dưỡng 6 người con. Tài sản giá trị trong nhà lần lượt ra đi. Ngay chiếc xe đạp mẹ thích nhất cũng phải bán. Cha lặn lội từ miền Trung vào miền Nam rồi hành trình ngược lại, vay mượn người thân để có chén cơm, bát cháo cho đàn con. Khuôn mặt ông gầy sọp, đen đúa theo thời gian. Khó khăn là thế, nhưng cha quyết không cho bất kỳ đứa nào nghỉ học. Sau cùng, cả gia đình dắt díu vào trụ tại tỉnh Đồng Nai.

Trường Giang.

Danh hài nhớ lại, ngay khi học cấp I, ngoài thời gian đến lớp, anh đã biết cầm bao vào rừng cao su xin mót mủ, lượm củi. Trong đám bạn cùng trang lứa, anh là đứa đen đúa, nhỏ thó nhất. Nhưng, đứa nào cũng muốn trò chuyện cùng anh vì luôn vui vẻ, tếu táo. Trẻ em vẫn thường có những giấc mơ sau này trở thành giáo viên, bác sĩ, công an... Riêng anh, tuổi thơ chẳng có nổi một ước mơ, chỉ biết lay lắt sống qua ngày. Đến tốt nghiệp phổ thông, anh cũng chẳng định hướng nổi tương lai của mình sẽ ra sao. Bạn bè chọn ngành này, ngành khác để thi với ý định được lên thành phố, thoát cảnh quê nghèo. Trường Giang thì khác, tiêu chí để anh chọn ngành là không tốn học phí. Do đó, anh thi vào trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Tuy nhiên, vì quá mải mê kiếm sống, chẳng dồn sức ôn thi nên anh bị trượt.

Ôm nỗi buồn vào trong, anh xin cha được lên TP.HCM mưu sinh. Trước khi anh đi, cha vẫn dặn: “Làm gì thì làm cũng phải thi và đi học, nghe con”. Anh đi làm thuê không từ một công việc nào như phục vụ, phát tờ rơi, chạy bàn... Bạn bè thấy anh trò chuyện buồn cười, vui vẻ nên khuyên thi vào trường Sân khấu điện ảnh. Anh cũng muốn thử vận may và đậu. Không được như các bạn cùng khóa, anh phải tự lo chi phí sinh sống lẫn học tập. Rồi gánh nặng mưu sinh khiến anh phải nghỉ học, tạm chia tay ước mơ giảng đường.

Hôm nhận được quyết định buộc thôi học, anh buồn vô hạn, không màng ăn uống, ngồi lên xe, nhấn bàn đạp quanh các con phố của Sài Gòn. Anh chẳng hiểu, lúc ấy, mình nghĩ gì. Sau đó, anh vẫn lê la hết công việc này đến công việc khác. Khó khăn là vậy nhưng lời của cha vẫn luôn khiến anh suy nghĩ. Anh không muốn làm bậc sinh thành buồn. Hai năm sau, anh lại thi vào trường cũ với chuyên ngành đạo diễn. Anh đậu nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì quá khứ lặp lại...

Theo anh, ấu thơ với những tháng ngày mót mủ cao su, nhặt củi chưa phải là lúc khốn khó nhất. Đỉnh cao của nghèo đói là khoảng thời gian lên thành phố lập nghiệp. Trong khi xung quanh, mọi người sống sung túc thì hàng ngày Trường Giang vẫn phải bươn chải, kiếm sống. Hàng tháng liền, chỉ dám ăn mì tôm ngày hai bữa, nhà trọ không có, sống nương nhờ người này vài bữa, đứa khác vài hôm... Lần thứ hai bị buộc thôi học, anh hiểu, giấc mơ giảng đường sẽ mãi chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

Đại gia cơm bụi

Ngồi với chúng tôi nhiều lần, Trường Giang vẫn luôn nhắc về cố nghệ sĩ Hữu Lộc và danh hài Hoài Linh một cách rất mực kính trọng. Anh bảo, nếu không có hai nghệ sĩ này thì chắc chắn sẽ không có Trường Giang của ngày hôm nay.

Trong lúc gian khó nhất của cuộc đời, nhiều người từng khuyên anh nên quay về quê để nương nhờ. Về nhà, sẽ không đến nỗi thiếu ăn, thiếu mặc như ở thành phố nhưng sĩ diện của một thằng con trai không cho phép anh làm thế. Anh thấy mình đã lớn, không thể lại trở thành gánh nặng cho cha già. Ngay lúc gian khó nhất, anh gặp nghệ sĩ Hữu Lộc và được rủ về đầu quân cho sân khấu Nụ cười mới. Khi ấy, Hữu Lộc và Hoài Linh là hai danh hài nổi tiếng nhất ở miền Nam. Thế nhưng, cả hai vẫn sống chân chất, hòa đồng với mọi người. Ai có thể ngờ dù là Giám đốc của một sân khấu nhưng Hữu Lộc vẫn treo băng rôn, bán vé chỉ với mong muốn duy nhất là có chỗ cho thế hệ diễn viên trẻ diễn.

Khi mới đầu quân, Trường Giang chỉ là một người chạy việc vặt ở hậu trường. Nhờ cách nói chuyện duyên dáng, tếu tếu, anh được giao thêm các vai diễn chỉ một vài câu thoại. Suốt thời gian dài, anh chỉ là diễn viên phụ, mỗi đêm chỉ được vài chục nghìn đồng. Anh vẫn ngập trong túng thiếu, ăn mì tôm thay cơm, chạy đôn chạy đáo vào cuối tháng để đóng tiền trọ. Thế nhưng, anh cảm thấy vui vẻ vì có thể nhìn thấy ánh đèn sân khấu, thấy anh Hữu Lộc, anh Hoài Linh và các anh chị em khác diễn. Ít ai biết rằng, anh viết một tờ giấy, dán ở tủ lạnh với nội dung: “Phải nổi tiếng”. Anh ao ước, một ngày nào đó, mình cũng sẽ được Tổ đãi, được khán giả vỗ tay khi bước ra sân khấu như đàn anh.

May mắn gõ cửa khi Hoài Linh nhìn thấy nét diễn riêng của Trường Giang. Danh hài thử lửa bằng một vài vai diễn có nhiều câu thoại. Chính Hoài Linh đã giới thiệu Trường Giang với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và được tin tưởng đặt hàng kịch bản cho tiểu phẩm trong liveshow Người miền Trung. Anh vào vai nhân vật Mười Khó trong vở Khó. Nhân vật nhỏ thó, mặc áo rộng thùng thình, chiếc quần kéo lên tận rốn cùng giọng nói đặc sệt Quảng Nam đã gây ấn tượng lớn. Anh không thể ngờ, cái danh Mười Khó gắn liền với mình từ đó. Chỉ sau một đêm, Trường Giang được khán giả khắp cả nước biết đến, đón chờ. Anh theo chân Hoài Linh và Chí Tài, trở thành bộ ba tung hứng tạo tiếng cười, khuấy đảo khắp các tụ điểm sân khấu miền Nam.

Trường Giang kể, ngày mới vào nghề, bị rất nhiều diễn viên, bầu show coi thường. Họ nhìn anh với vẻ dè bỉu, xem thường. Mỗi lần như thế, anh chỉ biết ôm gối khóc vì tủi thân. Thế nhưng, kể từ khi nổi tiếng, rất nhiều bầu show từng coi thường lại ra giá rất cao và mời anh diễn. Nhiều người bạn khuyên anh không nên nhận lời để dằn mặt, trả thù xưa. Tuy nhiên, anh không làm như thế. Bởi, anh nghĩ, bầu show là người làm kinh doanh, nếu diễn viên diễn chưa đạt, không thu hút được khách thì không được mời cũng là điều dễ hiểu.

Sau khi nổi tiếng ở lĩnh vực hài, Trường Giang muốn xây dựng hình ảnh nghệ sĩ đa năng. Anh không chỉ diễn mà còn viết kịch bản cho mình. Ngoài ra, anh lấn sang diễn viên, làm MC, làm host các chương trình truyền hình thực tế... Với cái duyên vốn có, trong bất kỳ vai trò nào, anh cũng tạo được tiếng vang.

Anh không chia sẻ về mức cát-xê của mình. Tuy nhiên, theo giới thạo tin, hiện nay, mỗi show anh tham gia, cát-xê trung bình lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, anh được xem là ngôi sao hạng A với giá cát-xê thuộc mức cao nhất showbiz Việt. Trường Giang luôn là cái tên bảo chứng phòng vé, lượng rating của các chương trình, phim. Từ một người khốn khó đến nay, anh đã có nhà riêng, xe riêng.

Trường Giang - Nhã Phương.

Đặc biệt, hiện tại, anh đã tìm được một nửa của mình là diễn viên Nhã Phương. Tuy nhiên, cả hai vẫn đang bận rộn với công việc nên chưa bàn tính đến chuyện “về chung một nhà”. Mặc dù giàu có là thế, nhưng anh vẫn thích ăn cơm bụi, ngồi quán vỉa hè. Bởi, anh thấy mình là người nhà quê, ăn cơm, ăn mắm quen rồi khi vào nhà hàng, món ăn thường cao sang, nhiều thịt, ít rau, ăn không quen. Do đó, độc giả đừng bất ngờ khi một ngày nào đó bắt gặp nam diễn viên tại một quán ven đường nào đó bên một đĩa cơm bình dân...

Huy Cường

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 39

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-giang-tu-tuoi-tho-khong-uoc-mo-toi-dai-gia-com-bui-a203514.html