Vì sao nhiều cây cau bụi dưới gầm đường sắt Cát Linh chết, lụi?


Thứ 7, 02/06/2018 | 14:14


Cùng sự kiện

Công ty công viên cây xanh Hà Nội trả lời về nguyên nhân nhiều cây cau bụi chết và kém phát triển dưới gầm đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Công ty công viên cây xanh Hà Nội trả lời báo Người Đưa Tin về nguyên nhân nhiều cây cau bụi chết và kém phát triển dưới gầm đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Như báo Người Đưa Tin thông tin trước đó, tháng 9/2017 Công ty công viên cây xanh Hà Nội tiến hành trồng 1.500 cây cau đẻ (cau bụi) dưới gần đường sắt trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở, Thanh Xuân đến Ba La, Hà Đông, Hà Nội.

Cây cau đẻ được đơn vị trên đánh giá là giống cây ít tốn công chăm sóc, dễ phát triển. Tuy nhiên đến nay nhiều cây đã chết, nhiều cây còn lại sinh trưởng kém, gốc cây không lên mầm mới. Điều này gây ra sự lãng phí cũng như ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Trong khi đó, một bạn đọc cung cấp thông tin, giữa đợt nắng nóng nhân viên công ty trên vẫn tưới nước giữa trưa - điều này có hại đối với cây trồng.

Sau 8 tháng trồng, cây cau bụi không phát triển như kỳ vọng.

Trao đổi với PV, đại diện Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Cau bụi đúng là loại cây dễ chăm sóc, dễ phát triển. Tuy nhiên, cây có hiện tượng xuống lá, còi cọc, công ty cũng đã thường xuyên theo dõi và chăm sóc, thay thế theo chế độ bảo hành của nhà thầu thi công”.

Về nguyên nhân vị đại diện cho biết: “Cây được trồng dưới gầm cầu nên khả năng quang hợp để hồi phục, phát triển kém hơn. Bên cạnh đó có thể là do tuyến đường này có lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông rất cao, dẫn đến hiện tượng khói bụi ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

Mặt khác, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ một số hạng mục phải thi công bổ sung, nên cũng gây ảnh hưởng đến công tác duy trì của Công ty”.

Về thông tin phản ánh công nhân của công ty tưới nước vào giữa trưa có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, vị đại diện cho biết: “Đây là khối lượng cây xanh được trồng dưới gầm đường sắt trên cao, vào thời điểm nắng nóng trong ngày (11h đến 13h) ánh nắng không thể chiếu trực tiếp vào nên việc tưới nước không gây ảnh hưởng.

Công ty đã thường xuyên bố trí công nhân tưới nước vào các buổi sớm để tránh giờ cao điểm hoặc ban đêm để giảm khả năng bay hơi của nước. Trong thời gian tới công ty sẽ tăng cường chăm sóc để nâng cao chất lượng cảnh quan của tuyến đường này nói riêng cũng như trên địa bàn toàn Thành phố”.

Theo Đặng Thủy/ Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nhieu-cay-cau-bui-duoi-gam-duong-sat-cat-linh-chet-lui-a231653.html