Vinasun đang mất “cả chì lẫn chài”?


Thứ 3, 17/10/2017 | 08:11


Cùng sự kiện

Những tưởng áp lực cạnh tranh đến từ Uber, Grab sẽ là động lực cho các hãng taxi truyền thống tự đổi mới mình, nhưng sau 3 năm, đến một ông lớn đầu ngành như Vinasun...

Những tưởng áp lực cạnh tranh đến từ Uber, Grab sẽ là động lực cho các hãng taxi truyền thống tự đổi mới mình, nhưng sau 3 năm, đến một ông lớn đầu ngành như Vinasun lại đang trượt theo vết dài cả về lợi nhuận lẫn giá chứng khoán.

Lợi nhuận tụt dốc không phanh?

Ngay khi gia nhập thị trường, Grab và Uber đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động của các hãng taxi truyền thống khi liên tục tung ra các hình thức khuyến mãi lên tới 30.000 đồng/chuyến. Thời điểm đó, tính riêng phí mở cửa của Vinasun đã là 11.000 đồng/chuyến và cước phí đối với 30km đầu tiên trung bình là 17.000 đồng/km. Cũng từ đây, khái niệm “áp lực cạnh tranh” lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo thường niên 2014 của Vinasun. Theo đó, công ty này cho rằng, mình đang phải “đương đầu với áp lực cạnh tranh không lành mạnh của những hoạt động kinh doanh taxi không đúng quy định pháp luật... ”.

Để bắt kịp xu hướng công nghệ đang dần trở thành một công cụ thống lĩnh thị trường, Vinasun đã áp dụng hệ thống quản lý, điều hành xe thông qua GPS và chủ động thử nghiệm ứng dụng đặt taxi trên smartphone mang tên Vinasun App. Đồng thời, cuối năm 2014 hãng taxi này đã tăng mạnh hơn 15% số lượng xe khai thác lên 5.729 chiếc so với đầu năm để bảo vệ thị phần.

Tuy nhiên, số liệu tài chính hợp nhất Vinasun cho thấy, hoạt động kinh doanh taxi của Vinasun vẫn chưa có tín hiệu ngừng suy giảm trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của những đối thủ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber và Grab.

Lần đầu tiên sau 10 năm (2007-2016), Vinasun đạt tăng trưởng doanh thu dưới 2 con số (chỉ 6,2%). Trong khi đó, công ty ngày càng trông chờ vào nguồn thu từ thanh lý xe, với lãi từ thanh lý xe lần lượt chiếm 22%, 33% và 43% tổng lợi nhuận trước thuế trong các năm từ 2014 - 2016.

Chưa dừng lại ở đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun chỉ lãi hợp nhất 101 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm từ 2.257 tỷ đồng về 1.903 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh taxi vẫn chiếm tỷ trọng hơn 90%. Tuy nhiên, nếu tính riêng doanh thu từ kinh doanh taxi của công ty mẹ Vinasun, nửa đầu năm doanh thu của hãng đã giảm gần 500 tỷ đồng. Chưa hết, tổng lợi nhuận hợp nhất toàn công ty ghi nhận 128 tỷ đồng, giảm 32%, trong đó phần lớn lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh taxi mà đến từ thanh lý xe cũ với gần 75 tỷ đồng.

Cổ phiếu cũng “ngấm đòn”

Tình trạng kinh doanh bết bát cũng khiến giá cổ phiếu VNS của Vinasun liên tục lao dốc. Từ vùng giá 50.000 đồng/cp hồi đầu năm 2014 thì cổ phiếu VNS hiện chỉ dao động quanh vùng 18.000 đồng, tương ứng mất tới 64% giá trị. Giai đoạn sụt giảm của VNS cũng là lúc Uber, Grab bắt đầu “bành trướng” tại Việt Nam.

Trước những khó khăn và thách thức đang gặp phải, điều các cổ đông của Vinasun mong muốn là công ty sẽ tích cực đổi mới và phát triển hơn nữa. Nhưng thay vì chấp nhận cuộc chơi và sẵn sàng thay đổi, hãng taxi đầu ngành này lại lựa chọn cách thức cạnh tranh trực tiếp với Grab và Uber bằng việc... kiện tụng. “Chiến lược” này đã được chính Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thanh công bố tại ĐHCĐ thường niên 2017 được tổ chức vào hồi tháng Năm vừa qua. HĐQT Vinasun cho rằng, các loại hình kinh doanh taxi như Grab, Uber đã áp dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá và nâng giá một cách phi lý, dùng tiền để hỗ trợ, bù lỗ cho chủ xe, trì hoãn các nghĩa vụ thuế nhằm giành giật thị phần.

Tin tức - Vinasun đang mất “cả chì lẫn chài”?

Vinasun dán decal với khẩu hiệu phản đối hoạt động kinh doanh của Uber, Grab.

Đỉnh điểm là hồi đầu tháng Mười mới đây, theo làn sóng cùng các doanh nghiệp taxi truyền thống, Vinasun cũng hưởng ứng việc dán decal với khẩu hiệu phản đối hoạt động kinh doanh của đối thủ. Diễn biến vụ việc có phần đi ngược lại với những tính toán của Vinasun trước đó. Thay vì tẩy chay Uber và Grab như nội dung in trên decal, dư luận lại cho rằng đây chỉ là hành động "thiếu tầm nhìn chiến lược" của lãnh đạo Vinasun, làm xấu hình ảnh thương hiệu taxi truyền thống từng chiếm lĩnh thị trường TP.HCM nhiều năm qua và chính Vinasun mới là người cạnh tranh không lành mạnh.

Đối với các cổ đông của Vinasun, hệ lụy đáng buồn nhất từ cuộc “đại chiến” này là dường như giá cổ phiếu VNS lại tỉ lệ nghịch với lòng quyết tâm “ăn thua” với đối thủ của Vinasun. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Chín, cổ phiếu VNS đã hồi phục từ mức giá thấp nhất tháng là 16.850 đồng/cp lên mức 18.800 đồng/cp. Chẳng được bao lâu, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Vinasun đã có tới 6 phiên giảm điểm trên tổng số 9 phiên giao dịch nửa đầu tháng Mười. Điển hình, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu VNS chốt ở mức giá 17.700 đồng/cp, giảm hơn một nửa giá trị so với thời điểm một năm về trước.

Không những vậy, thanh khoản của Vinasun ngày càng thấp dần cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu “lạnh nhạt” với hãng taxi một thời “hùng bá” trên đất Sài thành.

Thời oanh liệt đã chấm dứt?

Nhìn nhận về thực tế trên, TS.Nguyễn Đức Thành, viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Sự xuất hiện của Uber, Grab là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế”. Bàn về hành động treo decal hàng loạt của taxi Vinasun thời gian qua, TS.Thành cho rằng ứng xử của “ông lớn” taxi truyền thống này đã làm sai về cách thức. “Thay vì phải tự đổi mới mình, vận động chính sách để tạo lợi thế cạnh tranh trên sân nhà thì Vinasun lại kêu gào đòi khách hàng quay trở lại để đưa công ty về thời kỳ huy hoàng trước đây. Mai Linh và Vinasun phải nhìn vào một thực tế, quá khứ đó đã qua rồi!”, Viện trưởng viện VEPR nói.

Đề cập đến việc một số địa phương có xu hướng hạn chế hoạt động Uber và Grab gây ồn ào dư luận hiện nay, VEPR cho rằng, hành động trên mang tính ngăn cản đối với sự phát triển của các công nghệ mới, một mặt cho thấy họ có tầm nhìn chính sách hạn hẹp, mặt khác cho thấy khả năng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích trong cấu trúc kinh tế cũ. Điều này phát đi những tín hiệu bất lợi cho sự du nhập công nghệ mới. “Tuy vậy, tôi tin tưởng rằng họ (Mai Linh và Vinasun cùng các hãng taxi truyền thống khác) đã tồn tại hàng chục năm qua, họ có vốn thực, có kiến thức thị trường và am hiểu về khách hàng Việt, nếu có tầm nhìn thời đại để thay đổi, tái cấu trúc thì sẽ không thất bại”, TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Cảnh báo sớm về thị trường vận tải hành khách trong tương lai gần, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh cho hay: “Sắp tới chúng ta  còn xuất hiện các loại xe ô tô điện tự lái, xe máy điện... thì vai trò của ngành taxi sẽ càng mờ nhạt. Thay đổi là điều tất yếu và khó khăn do sự xuất hiện của Uber, Grab mới chỉ là bước khởi đầu đối với các hãng taxi truyền thống!”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vinasun-dang-mat-ca-chi-lan-chai-a205560.html