Vụ ông Đặng Thanh Bình hưởng án treo: “Người già chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ"


Thứ 5, 13/12/2018 | 13:48


Cùng sự kiện

Đó là khẳng định của Thẩm phán tòa Hà Nội khi đề cập tới việc Đặng Thanh Bình - cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị tòa phúc thẩm tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án

Đó là khẳng định của Thẩm phán tòa Hà Nội khi đề cập tới việc Đặng Thanh Bình - cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị tòa phúc thẩm tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Liên quan đến việc ông Đặng Thanh Bình - cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị tòa phúc thẩm tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo nhờ được áp dụng thêm các quy định trong luật Người cao tuổi, dư luận đang có nhiều tranh cãi về phán quyết này của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Là một thẩm phán giàu kinh nghiệm trong việc xét xử các vụ án hình sự, thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội cho biết: Hiện tại luật Người cao tuổi không có quy định nào về áp dụng hình phạt án treo với người trên 60 tuổi hoặc các quy định về giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Chỉ có điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 quy định “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa hình sự TAND TP. Hà Nội

Thẩm phán Toàn nói thêm: Theo quy định thì Tòa án chỉ được cho bị cáo hưởng án treo khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của HĐTP TAND Tối cao nêu trên, nếu bị cáo không đáp ứng đủ các điều kiện này thì không được hưởng án treo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao cho biết: Hình phạt là một chế định pháp luật hình sự, là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên VKSND Tối cao

Hình phạt tù là hình phạt tước quyền tự do của người bị kết án, buộc họ phải cách ly khỏi cuộc sống bình thường của xã hội, sống trong môi trường riêng biệt có sự kiểm soát chặt chẽ (trại giam).

Hình phạt tù gồm hình phạt tù có thời hạn và hình phạt tù chung thân. Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để có thể cá biệt hóa tội phạm, để người bị kết án nhận một mức án phù hợp, đủ sức răn đe nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam còn quy định án treo. Đây là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Liên hệ tới vụ án xét xử ông Đặng Thanh Bình, ông Tuấn nêu quan điểm: “Nếu bị cáo đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật quy định để hưởng án treo thì việc HĐXX áp dụng hình phạt án treo cho các bị cáo là hợp lý. Song nếu chưa đủ điều kiện mà lại vận dụng luật Người cao tuổi vào để cho hưởng án treo thì là không phù hợp quy định pháp luật”.

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ong-dang-thanh-binh-huong-an-treo-nguoi-gia-chi-duoc-xem-la-tinh-tiet-giam-nhe-a254981.html