Vụ tai nạn 13 người chết ở Quảng Nam: Tại sao xe khách không có giám sát hành trình vẫn lưu hành?


Thứ 5, 02/08/2018 | 04:33


Cùng sự kiện

Liên quan đến vụ tai nạn 13 người chết, có ý kiến cho rằng, vì sao chiếc xe khách không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng vẫn được cơ quan đăng kiểm cấp phép.

Liên quan đến vụ tai nạn 13 người chết ở Quảng Nam, có ý kiến cho rằng, tại sao chiếc xe khách không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng vẫn được cơ quan đăng kiểm cấp phép lưu hành?

Như tin tức đã đưa, vào ngày 30/7, xe ô tô 16 chỗ mang BKS: 75B-000.52 do anh Lê Ngọc Cường (trú xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) điều khiển gây tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. 

Chiếc xe được hộ dân ở Quảng Trị thuê đi Bình Định đón dâu. Thời điểm gặp tai nạn, trên xe có 17 người. Vụ tai nạn khiến 12 hành khách trên xe và anh Cường tử vong.

Được biết, người đứng tên chủ xe là ông Phạm Bá Chẩn (ở 29 Đào Tấn, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trước đó, anh Cường làm lái xe thuê cho ông Chẩn, sau đó có mua lại chiếc xe ô tô mang BKS: 75B-000.52 của ông Chẩn nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Hiện trường vụ tai nạn 13 người chết ở Quảng Nam. Ảnh: Vietnamnet

Theo báo Đại đoàn kết, cơ quan chức năng phát hiện thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô BKS 75B-000.52 từ đầu năm 2018 tới nay không hoạt động nên không thể trích xuất được dữ liệu liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn. Ngoài ra, theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe khách 75B-000.52, nhãn hiệu MERCEDES MB140 sản xuất năm 2004 tại Việt Nam. Xe kiểm định lần cuối ngày 2/4/2018 và có hạn kiểm định đến 1/10/2018 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 7401S Quảng Trị.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì xe ô tô chở khách theo hợp đồng là một trong các đối tượng bắt buộc phải lắp thiết bị hành trình. Mặt khác, cũng theo quy định của pháp luật thì trong danh mục đăng kiểm có mục kiểm tra thiết bị giám sát hành trình hoạt động tốt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. Đã là mục đăng kiểm bắt buộc, vậy tại sao khi thiết bị giám sát hành trình không hoạt động mà xe ô tô BKS 75B-000.52 vẫn được cơ quan đăng kiểm cấp phép lưu hành? 

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với Pv báo Giao Thông, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN khẳng định, không có chuyện cơ quan đăng kiểm bị “qua mặt” khi kiểm định chiếc xe trên.

“Theo quy định, xe ôtô kinh doanh vận tải không bị bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải suốt đời. Khi đăng kiểm, chủ xe thực hiện thủ tục kiểm định có thể khai báo có hoặc không kinh doanh vận tải. Trường hợp xe không kinh doanh vận tải, không bắt buộc phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình. Chiếc xe 75B-000.52 khi làm thủ tục đăng kiểm không khai hồ sơ là kinh doanh vận tải”, ông Hệ chia sẻ.

Thiết bị giám sát hành trình là thiết bị điện tử, gắn trực tiếp trên các phương tiện vận tải, nhằm cho các thông tin về xe và người lái như vị trí, vận tốc, thời gian lái xe,… Sản phẩm này sẽ có 1 sim đi kèm, làm chức năng gửi dữ liệu từ thiết bị về hệ thống máy chủ của đơn vị sản xuất thiết bị giám sát hành trình và máy chủ của Tổng cục Đường Bộ Việt Nam. Các dữ liệu này đảm bảo chính xác, trung thực, không một bên thứ 3 nào được quyền tác động, thay đổi dữ liệu.

Hoàng Yên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tai-nan-13-nguoi-chet-o-quang-nam-tai-sao-xe-khach-khong-co-giam-sat-hanh-trinh-van-luu-hanh-a238609.html