VKS kháng nghị, mức án của ông Phan Văn Vĩnh có được giảm?


Thứ 2, 24/12/2018 | 15:00


Cùng sự kiện

Dù không kháng cáo nhưng nhiều khả năng những bị cáo đầu vụ trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ sẽ bị triệu tập tới phiên tòa phúc thẩm.

Dù không kháng cáo nhưng nhiều khả năng những bị cáo đầu vụ trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ sẽ bị triệu tập tới phiên tòa phúc thẩm.

Liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ vừa mới được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử và tuyên án đối với các bị cáo. Một câu hỏi đặt ra là, trường hợp VKS kháng nghị nhưng các bị cáo đầu vụ trong vụ án này không kháng cáo thì quyền lợi có được đảm bảo và có phải ra tòa lần 2 hay không?

Các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ

Luật sư Nguyễn Bá Ngà – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Một vụ án được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm khi bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định.

Những người có quyền kháng cáo gồm bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan…

Theo quy định tại điểm m, khoản 2, Điều 61, BLTTHS năm 2015 quy định rất rõ: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.

“Còn nếu bị cáo thấy mức án tòa án tuyên phạt là hợp lý nên không kháng cáo nữa hoặc cho rằng mức án cao nhưng bị cáo chấp nhận, không muốn kháng cáo thì đó là quyền của bị cáo”, luật sư Ngà nói.

Trong trường hợp những người có quyền kháng cáo không kháng cáo thì VKS cùng cấp, VKS cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Luật sư Nguyễn Bá Ngà – Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Cụ thể, trong vụ án này, VKS kháng nghị việc áp dụng pháp luật của TAND tỉnh Phú Thọ khi cho rằng, Tòa đã không xét đến tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự (các bị cáo đã tự nguyện khắc phục, bồi thường).

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị áp dụng điều luật trên nhưng Tòa đã không chấp nhận khiến nhiều bị cáo không được xử dưới khung, không được hưởng án treo.

Trong đó có trường hợp của hai ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên án cao hơn mức án đề nghị của VKS.

“Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được xem xét và quyết định bởi HĐXX của tòa án cấp phúc thẩm”, luật sư Ngà nói.

Luật sư Ngà cho biết thêm, theo quy định tại Điều 345, BLTTHS năm 2015 về phạm vi xét xử phúc thẩm: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị”.

Như vậy, tòa phúc thẩm sẽ mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét các phần nội dung bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa phúc thẩm không xem xét những phần nội dung không bị kháng cáo, kháng nghị.

Tuy nhiên, có những nội dung liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị thì tòa vẫn có thể xem xét hoặc triệu tập những người có liên quan đến làm rõ phần nội dung có kháng cáo. Do đó, có nhiều khả năng các bị cáo đầu vụ như ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa, bị cáo Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam sẽ bị triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp HĐXX cần làm rõ những vấn đề liên quan trong vụ án.

Tư Viễn

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vks-khang-nghi-muc-an-cua-ong-phan-van-vinh-co-duoc-giam-a256395.html