Xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà: Bị cáo đồng loạt kêu oan


Thứ 2, 05/03/2018 | 13:49


Cùng sự kiện

Trong phiên tòa xét xử 9 bị cáo liên quan đến vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà, bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng, bản thân không phạm tội nặng như cáo trạng nêu và đề nghị

Trong phiên tòa xét xử 9 bị cáo liên quan đến vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà, bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng, bản thân không phạm tội nặng như cáo trạng nêu và đề nghị HĐXX xem xét.

Chiều 5/3, tại phiên xét xử sơ thẩm 9 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ vỡ đường ống nước sông Đà (Hà Nội), bị cáo Hoàng Thế Trung, cựu giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà cho rằng, bản thân có sai phạm nhưng không đến mức như cáo trạng truy tố.

"Bị cáo xin trình bày, ban quản lý dự án đã có trước đó. Bị cáo về chỉ làm tiếp công việc tại Vinaconex và thực hiện đúng tiêu chuẩn. Bị cáo không dám nói bản thân có bị oan hay không nhưng cần phải làm rõ nhiều điều”, bị cáo Trung nói.

Theo bị cáo Trung, dự án được quyết định thay đổi vật liệu khi sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh là đã được chỉ định trước khi bị cáo nhận nhiệm vụ Trưởng BQLDA vào năm 2004. Bị cáo cho rằng, HĐQT Vinaconex (đơn vị chủ đầu tư dự án) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh để sản xuất cung cấp ống cho dự án. Việc lựa chọn sản phẩm của nhà cung cấp khác gần như là không thể.

Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 5/3. Ảnh: VOV

“Bị cáo đã thực hiện đúng quy định của tiêu chuẩn chất lượng cho phần sản xuất. Quá trình kiểm tra các ống trước khi lắp đặt, đơn vị phát hiện 94 ống không đạt tiêu chuẩn, trong đó có 46 ống thuộc diện lỗi do đơn vị thi công” - bị cáo Hoàng Thế Trung nói.

Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý dự án) cũng mong HĐXX xem xét thấu đáo vụ án vì "rất nhiều phần giám định không chính xác", "có nhiều nhầm lẫn trong các vai mua, bán giữa ban quản lý và đối tác".

Trả lời câu hỏi "có thấy thiếu chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Ansi Awwa không?", ông Khải nói "không thiếu, 5 phiếu thí nghiệm do bên nhà thầu cung cấp cho Ban quản lý là đủ rồi". Ông Khải thừa nhận không yêu cầu công ty sản xuất ống cốt sợi thủy tinh cung cấp giấy hợp chuẩn. Song khi chủ tọa công bố, các phiếu thí nghiệm có dấu của Phòng thí nghiệm không hợp chuẩn là sai với tiêu chuẩn, ông Khải giải thích: “Ansi Awwa chỉ có 5 tiêu chí cơ lý. Hai tiêu chí còn lại không liên quan". Ông Khải cho rằng đó hoàn toàn hai thí nghiệm về tính chất vật liệu chứ không phải chỉ tiêu cơ lý. Việc vỡ ống không phải do nguyên nhân chất lượng ống mà còn nhiều vấn đề khác chưa làm rõ trong vụ án này.

Theo ông Khải, kết luận điều tra dựa trên kết luận giám định và nội dung cáo trạng là không đúng.

Tại tòa, bị cáo Trần Cao Bằng- nguyên giám đốc ống sợi thủy tinh Vinaconex, nhận trách nhiệm toàn bộ về việc sản xuất, cung cấp ống cốt sợi thủy tinh. Ông đứng ra ký hai hợp đồng với Ban quản lý dự án gồm: Hợp đồng nguyên tắc (cam kết sản phẩm phải được Tổng Cục đo lường chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận) và Hợp đồng kinh tế (bên cung cấp cam kết sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Ansi Awwa). Tuy nhiên, ông Bằng lại khẳng định, sản phẩm được thiết kế, sản xuất theo tiêu chuẩn Ansi Awwa. Công ty đã thử nghiệm tính ổn định, độ cứng… theo đúng các quy định của tiêu chuẩn.

“Bị cáo không biết mình bị bắt vì sao, không biết ai “phát minh” ra 7 chỉ tiêu đó”, ông Bằng trình bày và đề nghị xem xét lại cáo trạng.

2 bị cáo Trương Trần Hiển- Trưởng phòng vật tư Vinaconex, Bùi Thanh Hải- cựu trưởng phòng sản xuất kiêm quản đốc phân xưởng Công ty Cốt sợi thủy tinh Vinaconex cũng không thừa nhận cáo buộc của cơ quan công tố.

Hoàng Yên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-vu-vo-duong-ong-nuoc-song-da-bi-cao-dong-loat-keu-oan-a221537.html