+Aa-
    Zalo

    Triển khai gói an sinh xã hội - thực hiện bằng cả trái tim

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội là một thành công lớn của nhiệm kỳ đại hội Đảng 2015 - 2020, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chăm lo phúc lợi cho người dân là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện sinh động trong nhiều lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo hiểm, việc làm, giảm nghèo...

    An sinh xã hội là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ của một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia. Được hưởng an sinh xã hội là một trong những quyền và đòi hỏi chính đáng của con người. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh: “An sinh xã hội là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng, nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội do bị ngừng hoặc bị giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời, bảo đảm chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con”(1). Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân.

    31

    Ảnh minh họa

    Trên cơ sở xác định thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển và giải quyết tốt lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội,... để mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện..., các nội dung về an sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống luật pháp và chính sách an sinh xã hội nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

    Thứ nhất, chính sách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo đạt được nhiều thành quả tích cực.

    Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Vì người nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm,... đã góp phần quan trọng bảo đảm tỷ lệ cao dân số từ 15 tuổi trở lên có việc làm (trên 77%) và giảm nghèo bền vững. Trong 10 năm qua, nước ta luôn duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (từ 2% - 3%) và thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới. Thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện, tăng bình quân 8,7%/năm trong giai đoạn 2013 - 2018(2).

    Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả, chú trọng vào các huyện nghèo nhất và xã đặc biệt khó khăn. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) xuống còn 3,75% năm 2019 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), bình quân mỗi năm giảm hơn 1,3%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

    Thứ hai, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bổ sung, sửa đổi đã mở rộng cơ hội tham gia, thụ hưởng của người dân và tăng cường bền vững tài chính của các quỹ bảo hiểm.

    Hệ thống an sinh xã hội đã có tác động tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro cho cuộc sống con người, khi bản thân không tự khắc phục được, như thất nghiệp, người thiếu việc làm, người có thu nhập thấp, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội. Trong việc giải quyết các vấn đề xã hội được thực hiện thông qua các hình thức, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ và cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội...

    Thứ ba, công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người là trung tâm.

    Nếu năm 2012, tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015, con số này tăng lên khoảng 6,6% GDP. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước không giảm bất cứ một chính sách, một khoản chi nào dành cho an sinh xã hội, thậm chí còn tăng so với trước. Theo báo cáo, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2016 là 7.303 tỷ đồng, bao gồm 3.786 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2.470 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 1.047 tỷ đồng cứu đói và cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, có 18,3 triệu thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước(9). Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, tổng kinh phí huy động từ ngân sách trung ương, các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm 2017 là 3.775 tỷ đồng, bao gồm: 2.119 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.297 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 359 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có 9,4 triệu thẻ bảo hiểm y tế, số thẻ/khám, chữa bệnh miễn phí đã được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

    Thứ tư, hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được chú trọng đầu tư, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng.

    Đa số người lao động đã tiếp cận được y tế cơ sở, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm, hết năm 2016 đạt 81,7% dân số cả nước. 62/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 63/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục cho học sinh cấp tiểu học. Tình trạng nhà ở, nước sạch và thông tin được cải thiện đáng kể: diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 17,5m2 năm 2010 lên 22m2 năm 2015.

    Thứ năm, tài chính cho an sinh xã hội được tăng cường, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và phát huy sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội. Giai đoạn 2012 - 2019, tổng chi từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là 256 nghìn tỷ đồng; chi thực hiện an sinh xã hội là 1.100 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng doanh số cho vay khoảng 104.836 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến năm 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tiếp nhận ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân được hơn 32.980 tỷ đồng. Nếu tính cả chi cho an sinh xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng thì tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước bằng khoảng 3% GDP.

    Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân không chỉ là mục tiêu của chế độ ta, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trien-khai-goi-an-sinh-xa-hoi-thuc-hien-bang-ca-trai-tim-a509479.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan