+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc cảnh báo: Không ai được lợi dụng Hồng Kông để chống lại Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai sử dụng Hồng Kông như một cơ sở để lật đổ chính quyền Trung Quốc đại lục hoặc làm tổn hại đến sự ổn định chính trị.

    (ĐSPL) - Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai sử dụng Hồng Kông như một cơ sở để lật đổ chính quyền Trung Quốc đại lục hoặc làm tổn hại đến sự ổn định chính trị của đặc khu này, Reuters dẫn lời quan chức hàng đầu của Bắc Kinh về vấn đề hợp nhất lãnh thổ, nói trên kênh truyền hình Nhà nước.

    Vào năm 1997, Bắc Kinh cho phép áp dụng "một quốc gia, hai chế độ" đối với đặc khu Hồng Kông sau khi người Anh trao trả. Tuy nhiên, theo bình luận viên Ben Blanchard của tờ Reuters, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về sự bùng nổ các phong trào dân chủ gần đây tại Hồng Kông với nhiều cuộc biểu tình đòi tự quyết căng thẳng đã xảy ra trong những năm gần đây.

    Hồng Kông được trao trả lại Trung Quốc vào năm 1997.

    Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nhà nước phát sóng vào cuối ngày Chủ nhật vừa qua, Trương Hiểu Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc ở Hồng Kông cho biết: Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào những vấn đề thuần túy ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Hồng Kông. "Cũng như những gì mà người Hồng Kông quan tâm, không ai được phép làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh của đất nước. Không ai được phép thách thức thẩm quyền của Chính phủ đại lục hoặc luật Cơ bản của Hồng Kông. Họ không được phép sử dụng Hồng Kông cho các hoạt động xâm nhập, phá hoại, chống lại đại lục để làm hỏng sự ổn định xã hội và chính trị của đặc khu này", Zhang nói.

    Tháng trước, Trung Quốc bất ngờ diễn giải luật Cơ bản của Hồng Kông được coi là “tiểu hiến pháp” của đặc khu này, nhằm ngăn cản việc hai nghị sĩ ủng hộ độc lập nhậm chức. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Đặc khu trưởng Hồng Kông Leung Chun-ying tháng trước, chính quyền Trung ương của Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Hồng Kông trong việc kiềm chế một số người đang thúc đẩy độc lập cho đặc khu này. Hồng Kông từ một thuộc địa của Anh đã trở về đại lục theo thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", trong đó bảo đảm quyền tự do và quyền tự chủ rộng rãi, bao gồm một hệ thống pháp lý riêng biệt. Tuy nhiên trên thực tế, Chính phủ Trung ương ở Bắc Kinh vẫn có quyền kiểm soát mọi mặt và một số người Hồng Kông lo ngại họ đang mất dần đi tiếng nói của mình.

    Phong trào biểu tình rầm rộ mang tên “Phong trào chiếc ô” đã nổ ra hồi năm 2014 mà những người đứng đầu đều là sinh viên đã gây sự chú ý lớn đến đại lục về quy mô và hiệu ứng. Hồi tháng 9/2015, Nathan Law, một trong những thủ lĩnh trẻ của phong trào biểu tình đòi dân chủ nói trên đã trúng cử nghị sỹ Hồng Kông. Law là một thành viên của đảng Demosisto, một đảng do các thủ lĩnh sinh viên biểu tình sáng lập và hoạt động vì quyền tự quyết của Hồng Kông. Hai ứng cử viên từ đảng Youngspiration, một đảng ủng hộ dân chủ khác của Hồng Kông cũng có nguồn gốc từ “Phong trào chiếc ô” cũng dành 2 ghế trong Hội đồng Lập pháp. Kết quả này được xem là mở ra cánh cửa quyền lực chính trị thực sự đối với người trẻ ở Hồng Kông.

    Trong ngày đầu năm mới 2017, tiếp tục có hàng ngàn người xuống đường ở Hồng Kông biểu tình đòi quyền bầu cử trực tiếp vị trí Đặc khu trưởng Hồng Kông. Tất cả các ứng cử viên tham gia trong cuộc bầu cử tháng Ba tới đều phải được phê duyệt bởi một Ủy ban bầu cử vốn là những nhân vật gần gũi với Bắc Kinh. Cảnh sát cho biết 4.800 người đã tham gia diễu hành phản đối trong thời điểm cuộc biểu tình lên cao nhất. Tuy nhiên, theo một số người đứng đầu phong trào nói ít nhất đã có 9.150 người có mặt. Trong một tuyên bố ngay sau đó, chính quyền Hồng Kông phát đi thông điệp, họ tôn trọng nhiệm vụ bầu cử của các nghị sĩ và quyền phản đối của công dân Hồng Kông. Thế nhưng, việc tuân thủ các quy định về mặt pháp lý cũng không kém phần quan trọng, theo tờ South China Morning Post.

    Cũng theo Reuters, trước đó một ngày, người đứng đầu Văn phòng Hồng Kông Macau của Trung Quốc, Vương Quang Á, cũng thể hiện quan điểm cứng rắn của Nhà nước Trung Quốc với tạp chí Hồng Kông The Bauhinia rằng, với thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” hoàn toàn không có “cửa” cho “Hồng Kông độc lập”. “Hồng Kông là một phần không thể tách rời của đất nước và không có tình trạng Hồng Kông được phép độc lập”, ông Vương nói.

    MẠNH KIÊN(Theo Reuters) 

    Đăng lại báo giấy số 02/2017

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-canh-bao-khong-ai-duoc-loi-dung-hong-kong-de-chong-lai-trung-quoc-a177757.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan