+Aa-
    Zalo

    Từ đầu năm 2018, có bao nhiêu nông sản Việt phải "xếp hàng" chờ giải cứu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những năm gần đây, vòng tuần hoàn "được mùa mất giá, giải cứu nông sản" cứ lặp đi, lặp lại khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm về tương lai cho nông sản Việt Nam.

    Những năm gần đây, vòng tuần hoàn "được mùa mất giá, giải cứu nông sản" cứ lặp đi, lặp lại khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm về tương lai của nông sản Việt Nam.

    Trong thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt đã dần trở nên quen thuộc với cụm từ “giải cứu nông sản”. Chỉ tính riêng vài tháng kể từ đầu 2018 đến nay, thị trường đã phải nhiều lần ra tay giúp đỡ người nông dân bằng hàng loạt chiến dịch tìm đường tiêu thụ cho  củ cải, su hào, dưa hấu, khoai tây...

    Thế nhưng, câu chuyện "giải cứu" nông sản vẫn chưa đi đến hồi kết. Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua đã có bao nhiêu loại nông sản phải giải cứu? Và câu chuyện này sẽ còn tiếp tục đến bao giờ?

    Giải cứu hàng trăm tấn củ cải tại Mê Linh

    Ngay những ngày đầu năm 2018, nhiều người không khỏi xót lòng khi chứng kiến cảnh nông dân ở Mê Linh tự tay nhổ bỏ củ cải vì rớt giá, không ai đến thu mua.

    Được biết, hàng năm, vào thờiđiểm trên có rất nhiều thương lái đến tận xã Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội) để thu mua, đóng gói củ cải vận chuyển đến cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để tiêu thụ, cũng có doanh nghiệp thu mua về để sấy khô. Tuy nhiên, năm 2018 loại nông sản này lại không được các thương lái thu mua như trước, cộng thêm thời tiết thuận lợi khiến sản lượng tăng cao dẫn đến củ cải ế thừa lượng lớn. Giá bán mặt hàng này nhanh chóng "lao dốc", từ giá 4.500 – 5.000 đồng/kg, sau vài ngày chỉ còn 1.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân phải tự tay nhổ bỏ, đổ xuống sông Hồng.

    Củ cải nay chỉ còn 1.000 đồng/kg. Ảnh: Giao thông 

    Những ruộng củ cải trắng đang vào thời kỳ thu hoạch nhưng buộc phải nhổ bỏ khiến nhiều hộ gia đình thua lỗ hàng chục triệu đồng. Theo đánh giá của người dân, chất lượng củ cải năm nay cao hơn mọi năm, nhưng giá lại rớt thê thảm, chỉ còn bằng 1/10 trước đây. 

    Trước sự việc này, nhiều nhóm từ thiện cũng như các siêu thị đã vào cuộc “giải cứu”. Sau 4 ngày phát động chiến dịch, trên thị trường, giá củ cải đã tăng gấp 3 lần, giúp người nông dân gỡ gạc lại vốn đã bỏ ra.

    Khoai tây ế ẩm, giá chỉ 3.000/kg

    Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), năm 2017, huyện có gần 150 ha khoai tây, nhiều hơn năm trước đó khoảng 30 ha, Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai phát triển tốt, năng suất 135 tạ/ha, cao hơn so với vụ khoai năm 2017 (115 tạ/ha).

    Dư thừa nguồn cung khiến giá khoai tây tại đây giảm mạnh. Cụ thể, giá mỗi kg khoai tây tại Văn Quan (Lạng Sơn) chỉ dao động từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg với những củ đã tuyển chọn loại 1. Nhiều nông dân đã không mặn mà thu hoạch vì giá cả thị trường quá rẻ mà không có người thu mua.

    Trước tình trạng này, nhiều tổ chức, đơn vị đã mua và bán giúp người dân. Điển hình là hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội đã đứng lên thu mua lại của người dân với giá cao hơn thị trường để giảm bớt thiệt hại cho người tròng.

    Bí đỏ rớt giá, 800 đồng/kg còn khó mua

    Cũng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, ông Đào Viết Nam - Bí thư xã đoàn Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết địa phương này còn 100 tấn bí đỏ đang phải xả hàng "giá bèo".

    "Cả xã có hai thương lái thu mua mà hàng trăm người bán. Bí đẹp họ mua giá 1.200 đồng mỗi kg, còn bí xấu chỉ 800 đồng. Nhiều hộ cũng phải chấp nhận bán vì bí chín, cần phải thu hoạch nhanh", ông Nam nói.

    Trước tình trạng này, bộ phận thu mua của Big C Việt Nam đã lập tức liên hệ với chính quyền địa phương và quyết định thu mua sản phẩm hỗ trợ nông dân. Cụ thể, BigC đã tiêu thụ khoảng 60 tấn bí đỏ cho nông dân Xã Cư Yang, Huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk.

    Ngoài ra, có khá nhiều cá nhân cũng chung tay giúp đỡ bà con nông dân giải cứu nông sản. Anh Công Chính - Chủ một đơn vị tổ chức thu mua bí đỏ cho hay sẽ cố gắng thu gom hết số bí tồn đọng với giá 2.000 đồng mỗi kg. Trong hôm nay, 40 tấn bí sẽ về đến TP HCM và được bán với giá 5.000 đồng mỗi kg, do cộng thêm công thu gom, vận chuyển và hao hụt.

    Hàng trăm tấn dưa hấu tại Quảng Ngãi, Quảng Nam tìm đường tiêu thụ

    Bước sang đầu tháng 5, bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam lại đỏ mắt ngóng thương lái đến thu mua dưa hấu, dưa đã đến ngày thu hoạch mà các thương lái không đến thu mua nhiều hộ gia đình bắt buộc phải cắt bán với giá chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng mỗi kg.

    Báo Người Lao Động dẫn lời anh Đặng Văn Hải (thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) cho hay, gia đình anh trồng 4 sào dưa hấu, chưa kịp vui do được mùa thì anh phải chấp nhận bán 8 tấn dưa với giá chỉ 1.200 đồng/kg.

    Dưa hấu tại Quảng Ngãi đang được thu mua với giá chỉ 2.000 đồng mỗi kg. Ảnh: VnExpress

    Trước tình hình trên, UBND huyện Phù Ninh (Quảng Nam) đã triển khai một số giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ dưa; huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Tính đến ngày 13/5, tổng số dưa đã được hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn, ngoài ra còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng mua hàng trăm tấn dưa đưa đi tiêu thụ các nơi,  ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh chia sẻ với báo Dân Việt.

    Ngoài ra, để giải quyết tình trạng trên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam Lê Muộn cho biết trước mắt tỉnh vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tiêu thụ dưa cho nông dân.

    "Về lâu dài không thể giải cứu mãi, nên chúng tôi mong muốn có ký kết hợp tác tiêu thụ dưa hấu giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Lúc đó có số lượng cụ thể thì tỉnh mới đưa ra dự báo, quy hoạch sản xuất, truy xuất nguồn gốc, khuyến cáo người nông dân", ông Muộn nói.

    Bí xanh tại Hòa Bình, Nghệ An

    ng như bí đỏ, dưa hấu, hàng chục tấn bí xanh tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đang xếp thành dãy dài, cao như bức tường thành, chờ người đến mua.

    Chia sẻ với báo Dân việt chị Vũ Phượng, một người dân trong xã cho biết, chị vừa cắt 6 tấn bí xanh, xếp ngay ngắn ở nhà, chỉ chờ người đến thu mua nhưng thương lái rất thưa vắng. “Họ chỉ trả với giá 3.000 đồng/kg, với giá này, nông dân chúng tôi lỗ nặng”

    Cũng theo chị Phượng, số lượng bí xanh nhà chị không nhiều mà đã lên đến 6 tấn, trên địa bàn xã Nam Thượng, còn nhiều nhà đang tồn số lượng lớn bí xanh. “Nếu tính trên địa bàn cả xã thì có khi phải lên đến vài trăm tấn.

    Vài năm trở lại đây, xã Nam Thượng cùng với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Kim Bôi mạnh dạn đưa bí xanh, bí đỏ và nhiều cây rau màu vào trồng. Theo khung thời vụ, bí xanh có thể trồng được 2 vụ một năm, nếu được giá, mô hình cũng cho lãi khá nên mấy năm nay, diện tích bí xanh trên địa bàn xã được mở rộng đáng kể.

    Bí xanh xếp thành bức tường chờ giải cứu. Ảnh: Dân Việt 

    Tương tự huyên Kim Bôi, dù đã nhiều năm chuyên canh bí xanh nhưng chưa bao giờ người dân xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) lại buồn như thời điểm này. Trước đó, đã có lúc giá bí tại Thanh Chương đạt đỉnh 16.000 đồng/kg, lúc thấp nhất cũng đạt 4.000 đồng/kg, nhưng tại thời điểm hện tại cho dù giá chỉ 2.000 đồng/kg nhưng người dân cũng không bán được. 

    Nguyên nhân do đâu dẫn đến các loại nông sản việt mất giá? 

    Trong 5 tháng đầu năm 2018, hàng loạt loại nông sản như củ cải, dưa hấu, bí… rơi vào cảnh được mùa mất giá, cần giải cứu, nguyên nhân là do một phần chưa ổn định cung cầu, xây dựng được những chuỗi liên kết chặt chẽ để tìm đầu ra cho nông sản.

    Theo các chuyên gia, sản xuất phá vỡ quy hoạch khiến cung vượt quá nhu cầu, thiếu một chuỗi sản xuất bền vững chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của nông sản trong suốt thời gian qua.

    Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư dẫn lời ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - thừa nhận, những năm qua, dù đã có quy hoạch cho từng ngành nhưng vẫn xảy ra tình trạng người nông dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Người nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường và đôi khi phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

    Chia sẻ với báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy phân tích: Nguyên nhân xảy ra tình trạng này từ nhiều phía. Người nông dân không tìm hiểu thông tin thị trường khi sản xuất, cơ quan chức năng không kịp thời dự báo thị trường, chế biến thì chưa theo kịp với sản xuất. Vai trò điều phối của nhà nước, DN trong tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông sản chưa rõ nét.

    Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung dẫn tới việc khi được mùa thì rớt giá, người sản xuất lại như "ngồi trên đống lửa" để tìm đường tiêu thụ sản phẩm.

    Kiều Trang(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-dau-nam-2018-co-bao-nhieu-nong-san-viet-phai-xep-hang-cho-giai-cuu-a229458.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan