Đắng lòng người phụ nữ một mình bươn chải nuôi chồng con và cháu bệnh tật


Thứ 3, 25/08/2015 | 01:03


Bươn chải từng ngày nuôi chồng bại liệt và con gái tật nguyền, đến 1 ngày, người phụ nữ ấy lại gồng gánh nuôi thêm đứa cháu bị não úng thủy.

(ĐSPL) - Người đàn bà ấy, vào cái tuổi bắt đầu xế chiều nhưng hàng ngày vẫn phải dồn hết sức lực bươn chải ngược xuôi, lượm ve chai gom từng đồng để nuôi chồng bị liệt một chân và đứa con gái tật nguyền. Nay người con gái lại không chồng mà sinh ra đứa bé bị não úng thủy. Cuộc sống của gia đình ấy lại trở nên khó khăn, bi đát hơn bao giờ hết

Đó là hoàn cảnh đau thương của gia đình chị Phan Thị Hiệp, trú thôn Tân Hoà, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Giữa cái nắng oi nồng của những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về gia đình chị Phan Thị Hiệp (SN 1963), trú tại thôn Tân Hoà, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh. Giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, những con đường bê tông rộng rãi, ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng của chị nằm chơ vơ giữa cánh đồng, mấp mé bên bờ kênh.

Cũng đã hơn 11h trưa, lúc này chị Hiệp vừa đi làm về. Dựng chiếc xe đạp cà tàng còn nguyên hai sọt ve chai, trong chiếc áo bảo hộ đã bạc màu, chị quẹt ngang những giọt mồ hôi trên trán, mời chúng tôi vào nhà.

Chiếc xe đạp cà tàng cùng chị Hiệp rong ruổi trên mọi nẻo đường kiếm tiền nuôi gia đình

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị ngậm ngùi tâm sự: “Đau xót lắm cô ơi, cuộc đời sao lại bạc bẽo với gia đình tôi như thế. Chồng đã bị liệt một chân, đứa con gái thì tàn tật, giờ lại sinh ra cho tôi một đứa cháu bị não úng thủy. Tôi thương con, thương cháu, đau lòng lắm…’’. Nói đến đây, giọng chị lạc hẳn đi, nghẹn ngào trong dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má đen sạm, hằn những nếp nhăn khổ hạnh.

Được biết, anh Cao Văn Lệ (chồng chị Hiệp - PV) bị liệt một chân, đi lại khó khăn nên không có khả năng lao động nên tự lúc nào, chị trở thành trụ cột chính. Anh chị sinh được ba người con nhưng không may mắn, người con đầu là em Cao Thị Hằng (SN 1992) lại bị tàn tật bẩm sinh, vẹo, hẹp xương ngực và bị bệnh tim nên với hoàn cảnh gia đình chị lại càng chật vật hơn.

Không có đủ điều kiện cho các con ăn học, nên liên tiếp các em Cao Thị Vân (SN 1993) và em Cao Văn Bình (SN 1996) lần lượt phải bỏ học, đi làm thuê, làm mướn phụ giúp gia đình. Thương con, dù sức khoẻ càng ngày càng yếu nhưng bất kể trời mưa hay nắng, chị vẫn ngược xuôi nhặt ve chai, làm trăm thứ nghề bươn chải kiếm tiền nuôi chồng và mua thuốc cho con.

Cuộc sống tưởng chừng đỡ khó khăn hơn khi năm 2015, Hằng được nhận vào học tại Trung tâm khuyết tật ở TP Hà Tĩnh. Vậy mà, bất hạnh vẫn không “buông tha” cho chị khi trong thời gian này, chị phải chứng kiến cảnh con gái tật nguyền của mình mang cái bụng ngày một lần mà không biết cha đứa trẻ.

Chị Hiệp cay đắng tâm sự: “Thấy con bụng ngày càng to, nghĩ con có bệnh lạ gì nên gia đình đưa con đi khám. Đến bác sĩ nói mới biết con tôi đã có thai 7 tháng. Lúc đó, không còn nước mắt để khóc, tôi chỉ biết nhìn con mà lòng như xát muối”.

Em Cao Thị Hằng bên đứa con mới sinh bị bệnh não úng thủy

Bất hạnh vẫn chưa dừng lại ở đó với gia đình chị khi bác sĩ chẩn đoán đứa con của Hằng bị não úng thủy. Quẹt ngang những giọt nước mắt tủi nhục, chị nói: “Nhiều đêm cháu khóc, nhìn hai mẹ con nó lòng tôi đau đớn lắm”. Nói đến đó, chị lại nhìn sang đứa con gái thứ 2 là em Vân… mắt đỏ hoe.

Được biết, trong nhà, ngoài Hằng thì em Bình sức khoẻ cũng rất yếu, vì thế từ nhỏ Vân đã phải theo mẹ gồng gánh lo cho chị và em. Ở cái tuổi ăn tuổi chơi, em đã phải bỏ học dở dang, đi hết vào Nam ra Bắc, đi làm thuê, đi ở, rửa bát…em làm tất, miễn là có tiền phụ giúp mẹ. Khi được hỏi em về ước mơ của mình, Vân nói: “Em chỉ mong có ít tiền để mở cái quán ăn nhỏ, kiếm tiền giúp mẹ nuôi chị và cháu thôi”.

Được biết, ngôi nhà hiện giờ gia đình chị đang sống được xây bằng tiền vay hộ nghèo. Nợ chưa trả xong nhưng căn nhà cũng đã “trên dột dưới nát”, không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ, bộ bàn ghế ọp ẹp và một số đồ dùng cũ mà bà con hàng xóm mang cho.

Nhìn đứa bé mới sinh chưa đầy tháng, nằm ngủ ngon lành trong lòng mẹ, tôi thấy lòng mình nghẹn đắng. Hiện tại, cháu bé được 3kg tuy nhiên chỉ phát triển ở vùng đầu. Phần trên của cháu ngày càng phình to ra, còn phần dưới và tứ chi thì không hề phát triển.

Căn nhà nhỏ tuềnh toàng, không có vật dụng gì giá trị

Ông Nguyễn Trọng Vượng (SN 1954), người cùng thôn với gia đình chị Hiệp cho biết: "Gia đình bà Hiệp khổ lắm! Cô vào đó rồi thì biết. Bà một mình nuôi chồng nuôi con tàn tật, giờ lại thêm đứa cháu bị bệnh như vậy, xóm làng ai cũng xót thương cho mẹ con bà nhưng cũng không biết lấy gì mà giúp’’.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Liêm, Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc cho biết: "Trường hợp gia đình chị Phan Thị Hiệp là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Hiện tại, cháu Hằng và ông Lệ một người mỗi tháng được hưởng 270.000 đồng tiền trợ cấp. Hàng xóm đều thương cho hoàn cảnh gia đình chị Hiệp nhưng do kinh tế cũng không mấy khá giả nên cũng chỉ giúp đỡ được phần nào". 

Rời căn nhà của chị khi mặt trời đã đứng bóng, hình ảnh Hằng nằm ôm đứa con vào lòng, miệng ầu ơ những câu chẳng rõ tiếng lại một lần nữa khiến tim tôi thắt lại. Trong lòng chúng tôi - những người đi nối những nhịp cầu vẫn sáng lên một hi vọng rằng, nhịp cầu này sẽ kết nối được những vòng tay nhân ái, để giúp cho mẹ con chị Hiệp vơi bớt đi những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Và đặc biệt, để cháu bé vừa chào đời sẽ sớm được tài trợ chi phí mổ não vào một ngày gần nhất...

Mọi sự đóng góp, giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về:

- Chị Phan Thị Hiệp

Thôn Tân Hoà, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

SĐT: 01673.609.574

- Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung

Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-long-nguoi-phu-nu-mot-minh-buon-chai-nuoi-chong-con-va-chau-benh-tat-a107673.html