+Aa-
    Zalo

    Tùy mức độ phạm tội mà áp dụng biện pháp ngăn chặn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo quan điểm của các chuyên gia, tuỳ tội, tuỳ tính chất hành vi phạm tội mà áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam hay mở rộng áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền...

    (ĐSPL) - Theo quan điểm của các chuyên gia, tuỳ tội, tuỳ tính chất hành vi phạm tội mà áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam hay mở rộng áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền...

    Ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó viện trưởng Viện phúc thẩm 1 (VKSNDTC): Đối với những đối tượng lưu manh, côn đồ, việc sử dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam là cần thiết. BLTTHS cũng quy định rõ, tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong TTHS áp dụng đối với người bị bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang, người có dấu hiệu phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhằm ngăn chặn họ bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội hay cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

    Ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (VKSNDTC).

    Tôi đồng tình với đề xuất cơ quan tố tụng nên bớt lạm dụng tạm giữ, tạm giam để thay thế bằng các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền... nhằm đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền chỉ nên áp dụng với những trường hợp nhất thời phạm tội và phạm tội ít nghiêm trọng. Theo tôi, phải chia thành các miền nghiên cứu cụ thể để áp dụng, đó là bắt khẩn cấp, bắt quả tang và bắt tạm giam.

    Bắt để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là bắt người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Từ đó, cần quy định cụ thể về việc lựa chọn hình thức tạm giữ, tạm giam hay bão lĩnh, đặt tiền.

    Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị tạm giữ, tạm giam, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự và bảo đảm sự nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật, một số ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi bào chữa, quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ chế giám sát việc tạm giữ, tạm giam, cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giám sát định kỳ và đột xuất nhằm ghi nhận được tình trạng thực tế của nơi giam giữ. Tôi cũng đề xuất xem xét nên chăng giao cho một cơ quan chuyên trách quản lý trại giam hoàn toàn độc lập với cơ quan tiến thành tố tụng để bảo đảm khách quan, tránh vụ oan sai từ bức cung, nhục hình và các vi phạm quyền khác của người bị tạm giữ, tạm giam.

    Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm: Đừng để quy định chỉ nằm "trên giấy"

    Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong TTHS áp dụng đối với người bị bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang, người có dấu hiệu phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đó là biện pháp tối cần thiết. Tuy nhiên, tôi đồng tình với quan điểm không nhất thiết mọi trường hợp đều áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam, tạm giữ. Có những trường hợp khi xét về nhân thân, điều kiện cụ thể xác định họ không trốn hoặc không thể trốn, cũng như không có những hành vi khác cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì có thể cho bảo lĩnh, đặt tiền.

    Trên thực tế, Điều 92, 93 BLTTHS đã có quy định cụ thể về các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm... nhưng trên thực tế chưa được áp dụng theo đúng mục đích khi xây dựng luật. Các nhà làm luật đã tính đến từng trường hợp cụ thể, nhưng trên thực tế cũng có tình trạng nảy sinh tiêu cực, "bôi trơn" để được áp dụng biện pháp đặt tiền. Thế nên, chúng ta không thể đưa ra quy định chung chung, quy định trên giấy mà phải được áp dụng vào thực tế.

    BLTTHS hiện hành đang xác định đối tượng có thể bị tạm giam theo tính chất của tội phạm. Yếu tố này chưa phản ánh hết các vấn đề của bị can, bị cáo có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bởi lẽ không phải trường hợp nào phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cũng có hoạt động cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ngược lại, không ít người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng lại có hành vi chống đối, cản trở hoạt động tố tụng. Vì vậy, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng xác định điều kiện tạm giam căn cứ vào nhân thân và điều kiện hoàn cảnh của bị can, bị cáo cùng những hành vi phạm tội cụ thể của họ.

    Chúng ta không nên chỉ tính đến các quy định mới mà không có biện pháp thực hiện khắc phục những hạn chế đang tồn tại. Theo tôi, cần giải thích kỹ cho người bị tạm giam, tạm giữ quyền của họ. Đồng thời, bổ sung quyền im lặng trong BLTTHS trong trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ có yêu cầu cần có sự chứng kiến của luật sư hay người giám hộ, người bào chữa khác. Có như vậy mới tránh được tình trạng ép cung, mớm cung, dùng nhục hình và như vậy mới tránh được sai sót trong giai đoạn điều tra.

    Cần quy định cụ thể điều kiện đối với cá nhân đứng ra bảo lĩnh

    Việc mở rộng áp dụng các biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam, theo các chuyên gia pháp lý, cần có quy định cụ thể điều kiện đối với cá nhân đứng ra bảo lĩnh, quy định chế tài phạt tiền áp dụng đối với người nhận bảo lĩnh trong trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn. Đối với biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thì cần sửa quy định theo hướng chỉ quy định đặt tiền, không quy định đặt tài sản nhằm nhanh chóng áp dụng biện pháp này trong thực tiễn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuy-muc-do-pham-toi-ma-ap-dung-bien-phap-ngan-chan-a76970.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Làm gì để chấm dứt án oan sai?

    Làm gì để chấm dứt án oan sai?

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây có nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định trong tiến hành tố tụng khiến người dân bị oan sai. Điển hình như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hay vụ 7 thanh niên bị oan ở Sóc Trăng.