+Aa-
    Zalo

    “Vàng tặc” lộng hành, đầu độc nguồn nước, chính quyền địa phương... bất lực?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành truy quét, thế nhưng chỉ sau một thời gian, tình trạng khai thác vàng trái phép lại tiếp tục tái diễn.

    Dù nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành truy quét, thế nhưng chỉ sau một thời gian, tình trạng khai thác vàng trái phép lại tiếp tục tái diễn. Đặc biệt, càng những ngày giáp Tết, càng có nhiều người vào tìm vận may. Trong đó có nhiều người ngoài tỉnh, làm xáo trộn trật tự trị an trên địa bàn.

    Khai thác vàng cách trụ sở UBND xã... chỉ 3km

    Huyện Tương Dương là một trong số ít địa phương của tỉnh Nghệ An có mô vàng. Đã có một số doanh nghiệp xin giấy phép về khoan thăm dò, khai thác. Sau khi hết hạn, những hầm vàng trở nên vô chủ cũng chính là nguyên nhân dấy lên tình trạng vàng “thổ phỉ”.

    Vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2018, chúng tôi vượt hơn 200km từ TP.Vinh lên huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Tại trung tâm huyện, chúng tôi tiếp tục phải đi thêm hơn 50km nữa mới đến được xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Ở đây từng có một hầm vàng rất lớn tại khe Hốc, bản Văng Cuỗm do công ty Cổ phần Trung Tín (trụ sở tại TP.Vinh) xin giấy phép khai thác nhưng hết hạn từ tháng 2/2015.

    Vị trí khai thác vàng nằm cách trụ sở UBND xã Yên Tĩnh khoảng 3km. Không khó để có thể nhìn thấy nước suối bên đường đục ngầu, chứng tỏ có người khai thác trong thời gian gần đây. Lần theo dòng suối đi sâu vào rừng, chúng tôi phát hiện một điểm khai thác vàng trái phép nằm giữa thung lũng.

    Máy sàng, rửa tuyển vàng hoạt động ngày đêm khiến khe suối đục ngầu

    Qua quan sát từ xa, 4 lán bạt màu xanh được dựng lên tạm bợ cheo leo bên sườn núi, nổi bật giữa rừng cây. Trong đó có 2 lán khai thác vàng trái phép, 2 lán còn lại là nơi công nhân sinh hoạt và ngủ nghỉ. Xung quanh là đường ống dẫn nước bằng nhựa từ thượng nguồn xuống.

    Bên trong lán khai thác vàng có máy móc đầy đủ, hệ thống băng chuyền dùng để đãi rất chuyên nghiệp và quy củ. Tiếp cận lán này, dù nhóm “vàng tặc” đã tạm nghỉ nhưng máy nổ còn nóng, đất được cào xới, nước còn chảy qua vị trí lọc sàng, dấu hiệu hầm vàng vừa mới hoạt động. Không những vậy, xung quanh máy khoan đá, cuốc xẻng được vứt ngổn ngang. Tại khu vực này, từng mạn đồi bị xói thành dòng sâu hoắm bởi việc khai thác vàng trái phép.

    Việc những nhóm khai thác vàng trái phép trên khu vực khe Hốc khiến cuộc sống người dân vùng hạ lưu bị ảnh hưởng. Từ khi xảy ra nạn khai thác vàng chui, nước ở đây đục ngầu, khi dùng để tưới cho lúa thì xảy ra hiện tượng cây bị khô vàng. Thậm chí, có nơi người dân không thể sử dụng nước suối. Điều đáng nói, ngoài việc làm ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh, mất trật tự an ninh thì việc những người làm vàng “thổ phỉ” sử dụng các hóa chất rất độc hại như thủy ngân và xianua (chất làm vàng) trong quá trình khai thác tiềm ẩn nhiều hậu quả.

    Mặc dù biết rõ như vậy nhưng không có người dân nào dám phản ánh với cơ quan chức năng. Nói về việc này, ông Vi Văn N. (SN 1961, người dân địa phương) cho hay: “Một số người tham gia khai thác vàng là những người tứ xứ đến, nghiện ngập, đi tù về... Họ sẵn sàng uy hiếp, đe dọa nếu phát hiện người dân nào đó dám phản ánh. Cũng vì thế, dù biết việc khai thác vàng ảnh hưởng trực tiếp đến mình nhưng chúng tôi không dám nói”.

    Tuy nhiên, một trong những lý do chính khiến mọi người không nói vì chủ khai thác thuê phu vàng là người dân địa phương. Với tiền công mỗi ngày hàng trăm nghìn đồng, không ít người đã lao vào bán sức lao động, miệt mãi đãi vàng để có tiền mua gạo cho gia đình.

    Không những thế, những người chủ còn “nhiệt tình” thuê phụ nữ và trẻ em vận chuyển nước, thức ăn, xăng dầu... cho bãi vàng và trả công rất hậu. Vì vậy, không ít người dân địa phương tự nguyện làm “chim lợn” cho các chủ vàng nếu phát hiện cơ quan chức năng truy quét, hay khi cơ quan chức năng đột nhập bãi vàng thì họ lại trở thành người trông coi, bảo vệ lán trại cho các chủ bãi vàng.

    Công trường khai thác vàng trái phép

    Giáp mặt nhóm “vàng tặc”

    Thời điểm chúng tôi có mặt vào giữa trưa, vì vậy cách vị trí lều đãi vàng chừng 30m có 5 công nhân đang nằm nghỉ. Trong lán sinh hoạt của công nhân, các vật dụng bếp bình gas, nồi cơm điện, rổ chậu thau... khá đầy đủ. Thấy người lạ vào, các công nhân tỏ vẻ dè dặt, thận trọng. Có thể vì là dân địa phương nên họ khá hiền lành, không có ý xua đuổi phóng viên.

    Qua thăm hỏi, một công nhân lớn tuổi nhất cho hay: “Chủ hầm vàng này là một người đàn ông ở TP.Vinh, anh em cũng không biết là ai. Cứ cách mấy ngày thì ông chủ lại vào phát tiền rồi đi chứ không ở đây. Vàng kiếm được sẽ có một người thân tín của ông chủ hằng ngày vào nhận”.

    Theo những công nhân trên, họ làm công việc khai thác vàng này được khoảng 2 tuần rồi nhưng không thấy đoàn nào vào kiểm tra. Vì vậy, thấy nhóm phóng viên đến, cánh công nhân lại tưởng cán bộ huyện xuống lập biên bản?!

    Khi được hỏi đùa vì sao người dân không tự khai thác lấy, thì người đàn ông này cho biết đây vốn là hầm mỏ cũ từ những công ty khai thác trước nhưng chưa hoàn thổ. Do lớp phía trên đã bị cạn kiệt nên giờ muốn tìm vàng phải dùng máy móc khoan sâu xuống. Do vậy, người dân chỉ làm khi có người vào bỏ tiền thuê. “Làm một ngày ở đây bằng cả tháng đi rừng, biết là sai vì chính quyền nhắc nhở nhiều rồi. Nhưng sắp Tết nên mọi người cũng cố gắng làm, kiếm tiền mua sắm ít thức ăn cho gia đình”, một công nhân cho hay.

    Trở về từ “công trường”, liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu sự việc, PV được ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương cho biết, “vàng tặc” đang khiến chính quyền địa phương “đau đầu”. Thực tế nạn khai thác vàng trái phép vẫn hoạt động bất chấp sự ngăn cấm và truy quét của chính quyền xã và cơ quan chức năng.

    “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra các bãi vàng khai thác trái phép, tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi lực lượng công an, dân quân xã vào truy đuổi thì những người khai thác vàng đã rút khỏi và đưa máy móc vào rừng sâu. Đến khi đoàn kiểm tra rút đi thì họ quay lại và đưa máy móc vào khai thác vàng. Bên cạnh đó, hiện nay do gần đến ngày Tết Nguyên đán nên có nhiều người dân địa phương đã tự phát vào rừng làm vàng chui, chính quyền khó kiểm soát”, ông Vi Văn Khiêm cho biết.

    Đề cập tới thực trạng này, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương tỏ ra khá bất ngờ: “Chúng tôi chưa nhận được báo cáo của cơ quan chức năng về vấn đề này. Trách nhiệm đầu tiên để “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động là do chính quyền địa phương không kịp phát hiện và báo cáo với cấp trên và cơ quan chuyên môn”.

    Tháo dỡ lán trại, tịch thu nhiều phương tiện tại công trường khai thác vàng

    Sau khi nhận được thông tin về thực trạng vàng “thổ phỉ” hoạt động tại bản Văng Cuỗm, xã Yên Tĩnh, UBND huyện Tương Dương đã thành lập đoàn liên ngành, phối hợp cùng chính quyền địa phương vào hiện trường để kiểm tra, xử lý.

    Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho biết: “Khi vào hiện trường bãi vàng, lực lượng chức năng chỉ phát hiện được một số người dân địa phương đang canh lán trại. Họ chỉ là người làm thuê, lấy công theo ngày nên chúng tôi chưa xác minh được chủ đầu nậu. Vì vậy, lực lượng chức năng chỉ lập biên bản hiện trường, đồng thời tiến hành tháo dỡ lán trại, tịch thu máy móc đưa về trụ sở để xử lý”.

    Ngọc Tuấn - Anh Ngọc

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 5

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vang-tac-long-hanh-dau-doc-nguon-nuoc-chinh-quyen-dia-phuong-bat-luc-a258873.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan