+Aa-
    Zalo

    Về nơi cả làng khao khát có một cây cầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bao năm qua, người dân Bản Mạ sống biệt lập bên kia bờ Sông Chu, họ luôn mơ ước có một cây cầu để việc đi lại được thuận tiện.

    (ĐSPL) - Bao năm qua, người dân Bản Mạ sống biệt lập bên kia bờ Sông Chu, họ luôn mơ ước có một cây cầu để việc đi lại được thuận tiện.

    “Con đường” độc đạo đưa người dân sang sông

    Nằm cách thị trấn Thường Xuân khoảng 8km nhưng để vào được Bản Mạ (xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), chúng tôi phải vượt qua gần 1km đường đất gồ ghề toàn sỏi đá, những con dốc cao dựng đứng đầy nguy hiểm. Chiếc cần số của xe bị tôi giẫm tiến, giẫm lùi liên tục. Sau gần 15 phút vất vả, cả người lẫn xe đều lấm lem, chúng tôi cũng đến sát bờ sông Chu.

    Đi thuyền là cách duy nhất để vào bản Mạ.

    Chiếc thuyền sắt cũ kỹ chở đoàn không có bất kỳ vật dụng, phương tiện cứu sinh nào. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo lắng vì nước sông Chu chảy xiết, ông Vi Văn Bành (68 tuổi) người nhiều năm nay làm ngề lái thuyền đưa người dân qua sông cho biết, chiếc thuyền là phương tiện duy nhất để vào Bản Mạ.

    “Đi thuyền là cách duy nhất để vào Bản Mạ. Tôi lái thuyền đưa người dân nơi đây qua dòng sông Chu này đã nhiều năm rồi. Trước đây đi bằng thuyền độc mộc nguy hiểm lắm, mới đây tổ chức tặng cho chiếc thuyền sắt và dây cáp treo để đưa người dân qua sông bớt nguy hiểm” - ông Bành tâm sự.

    Tò mò về tiền lương hàng tháng của người láo đò đưa người dân qua sống Chu thì ông Bành cười tươi trả lời: “Tôi làm nghề này xuất phát từ cái tâm, để giúp người dân và các cháu qua sông đi học đỡ nguy hiểm. Tôi làm lán và ở trực 24/24 ở bờ sông hễ ai gọi đưa qua sông là tôi lại đưa họ qua”.

    Cảm động trước việc thiện nguyện của ông Bành, người dân nơi đây tự bảo nhau trả công ông Bành bằng lúa. Cứ cuối vụ, mỗi gia đình lại mang biếu ông vài chục cân thóc.

    Rời đường thủy, chúng tôi tiếp tục leo qua một con dốc đất cao rồi lại băng qua một “khe núi” trên chiếc cầu yếu ớt, tạm bợ được làm bằng luồng, rồi mới đến được Bản Mạ.

    Cả bản ước mơ có một cây cầu

    Gặp và trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả đến cùng cực và niềm mơ ước có một cây cầu của người dân đã bao năm nay.

    Bà Hà Thị Nhân (SN1950) nói với giọng buồn buồn: “Khổ lắm cháu ạ, muốn đi đâu đều phải đi qua sông, nước vơi thì đỡ chứ nước đầy thì nguy hiểm lắm. Hàng ngày, các cháu học sinh vượt sông đi học là một nỗi lo của cả bản. Biết là rất nguy hiểm nhưng ngày ngày chúng tôi vẫn phải đi vì đường sông là đường duy nhất để ra bên ngoài. Người già chúng tôi chỉ mong trước khi mất được nhìn thấy cây cầu bắc qua dòng sông Chu để người dân qua sông không còn nguy hiểm”.

    Cũng theo lời bà Nhân, vào mùa lũ, nước về ngập lên đến gầm nhà sàn bà con không thể đi lại được.

    Hành trình tìm con chữ của các em học sinh nơi đây vô cùng gian nan, vất vả.

    Trao đổi với phóng viên Báo Đời Sống và Pháp Luật, ông Vi Văn Tiên, trưởng thôn Bản Mạ cho biết: “Bản Mạ có 53 hộ dân với 232 nhân khẩu, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi và chủ yếu là hộ nghèo. Đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân còn rất nhiều vất vả, quanh năm nghèo đói, thiếu ăn, chăn nuôi thì bấp bênh, muốn buôn bán, phát triển cũng không có điều kiện. Đặc biệt việc là việc đi học của các cháu học sinh đặc biệt khó khăn”.

    Ông Vi Văn Tiên, trưởng thôn, Bản Mạ, kể về những khó khăn cũng như ước mơ của người dân nơi đây với phóng viên.

    Được biết, năm 2009 đã có đoàn khảo sát, thiết kế về kiểm tra để làm cầu treo bắc qua Sông Chu nhưng không hiểu sao cho đến giờ cầu vẫn chưa được dựng. Người dân nới đây hàng ngày vẫn đang phải đối mặt với tử thần, các em học sinh vẫn lênh đênh trên dòng sông chảy xiết, phó mặc mạng sống để đi tìm con chữ.

    Em Cầm Bá Thanh, học sinh lớp 3, trường tiểu học Xuân Cẩm nói: “Mỗi ngày chúng cháu phải hai lần qua sông tới trường. Hôm nào đi bố mẹ cũng căn dặn, đi thuyền phải cẩn thận, không được đứng ngoài cạnh thuyền, không được đùa nghịch, chạy nhảy trên thuyền khi thuyền qua sông. Trước qua sông bằng bè, kết bằng luồng sợ lắm chú ạ, mới đây có thuyền sắt nên cũng đỡ sợ”.

    Đỗ Đức

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ve-noi-ca-lang-khao-khat-co-mot-cay-cau-a23403.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan