"Nhận dạng" bún chứa hóa chất chỉ bằng 1 bát nước mắm


Thứ 5, 14/07/2016 | 00:50


(ĐSPL) - Chọn mua được bún sạch là điều mà nhiều người tiêu dùng mong muốn. Chỉ bằng một bát nước mắm nhỏ, sẽ giúp nhận ra đâu là bún sạch, đâu là bún "ngậm" hóa chất...

(ĐSPL) - Chọn mua được bún sạch là điều mà nhiều người tiêu dùng mong muốn. Chỉ bằng một bát nước mắm nhỏ, bạn hoàn toàn có thể nhận ra đâu là bún sạch, đâu là bún "ngậm" hóa chất độc hại.

Bún được làm bằng gạo nguyên chất sẽ có màu trắng đục song trên thị trường hiện nay, sợi bún rất trắng và trong rất bắt mắt. Nhiều cuộc kiểm tra của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho hay, để tạo ra màu trắng đó, người ta đã thêm vào bún hóa chất Tinopal. Việc thêm hóa chất này cũng giúp bún để lâu khó thiu, không bị khô cứng.

Bên cạnh đó, hàn the cũng là một hóa chất không thể thiếu của các gian thương khi sản xuất bún để tạo độ giòn, dai, không bết dính cho bún.

PGS.TS Nuyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, Tinopal hay còn được gọi là chất huỳnh quang là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy vì có màu óng ánh, đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã bất chấp hậu quả để dùng hóa chất này trong quá trình làm bún bởi nó tạo độ bóng trên bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, Tinopal tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm do tính độc hại và có khả năng gây ung thư.

Bún, phở được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân. (Ảnh minh họa).

Đáng lo ngại, bún lại được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân, trong khi Tinopal cũng được bán tràn lan trên mạng cũng như các chợ.

“Việc tẩy trắng bún bằng chất huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người ăn một cách trầm trọng. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Nó có thể làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Ở mức độ nặng, chúng tích tụ lâu dài sẽ gây suy gan, thận, thậm chí ung thư”, PGS Thịnh cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hồ Phú Hà – Trưởng bộ môn Công nghệ Thực phẩm khuyến cáo thêm, sử dụng huỳnh quang làm sáng bóng thực phẩm rất hại cho cơ thể vì nó chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể rất nguy hiểm.

Còn về hàn the, theo PGS Hà, đây là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Dùng hàn the liều cao có thể gây ngộ độc cấp, còn với liều lượng nhỏ tích tụ và gây ngộ đôc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể.

Hàn the khi vào cơ thể không đào thải hết mà tích tụ lại bệnh. Trẻ ăn các thực phẩm có hàn the sẽ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

Nhận dạng bún hóa chất bằng nước mắm

Bạn có thể kiểm tra bằng cách, cho bún có hóa chất vào bát nước mắm, bún sẽ không ngấm nước hoặc ngấm rất chậm, có ngấm nhưng ngấm rất ít.

Bún không có hóa chất sẽ ngấm nhanh hơn, mềm ra và hút hết nước mắm.

Bún không có hóa chất sẽ ngấm nhanh hơn, mềm ra và hút hết nước mắm.

Nhận dạng bún sạch, bún bẩn

Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm Việt Nam, cho biết, cần phải truy nguồn gốc nguyên liệu và cách chế biến hoặc phải xét nghiệm mới biết chính xác bún có hóa chất cấm hay không, tuy nhiên bằng cảm quan vẫn có thể chọn được bún sạch.

Theo ông Ký, cách đơn giản đầu tiên là nhìn vào màu của sợi bún. Bún được làm từ gạo, chính vì vậy, màu của bún khi thành phẩm sẽ không thể trắng hơn gạo. Cũng như gạo khi mang nấu thành cơm, màu của bún nếu không dùng hóa chất sẽ có màu trắng ngà tương tự như màu cơm. Khi thấy bún trắng bất thường, khả năng người chế biến đã cho vào chất tẩy trắng hoặc một số chất tương tự để làm bún trắng hơn.

Cũng bằng cảm quan, nếu thấy cọng bún quá sáng bóng mẩy thì cũng có khả năng bún được xử lý bằng hóa chất. Sợi bún không có hóa chất thường không thể quá “mượt mà”. Gạo không dùng hóa chất cũng sẽ không thể cho sợi bún quá dai. Bún không dùng hóa chất cũng dính hơn.

Kế đến, do bún làm từ gạo cho nên dễ bị chua, chính vì thế người bán muốn bảo quản thì phải bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc thoáng mát. Nên nếu bún để ngoài chợ với nhiệt độ cao, để đến cuối ngày mà ngửi vẫn không chua hỏng thì có khả năng đã được xử lý hóa chất. Loại hóa chất chống hỏng được phép sử dụng nhưng phải trong liều lượng cho phép.

Bún ít hóa chất khi ăn sẽ có cảm giác của tinh bột hoặc người ăn cảm thấy rõ mùi vị của bột gạo. Cho nên những loại bún nhai trong miệng mà không có mùi vị thì nguy cơ bị dùng hóa chất là cao hơn.

Ngoài cách mà bác sĩ Ký hướng dẫn, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho biết để nhận biết bún có chứa hóa chất huỳnh quang tinopal, người mua có thể dùng đèn cực tím (loại dùng để soi tiền giả) soi vào bún. Nếu cọng bún phát sáng thì có nhiễm tinopal.

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng hơn với các sản phẩm bún, bánh tươi có màu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng. Khi mua bún, người tiêu dùng nên dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal.

Riêng để thử hàn the, người tiêu dùng có thể dùng que thử được bán sẵn hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì trong đó có chứa hàn the.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-dang-bun-chua-hoa-chat-chi-bang-1-bat-nuoc-mam-a139425.html