+Aa-
    Zalo

    Vụ ông Nguyễn Thanh Hóa bị bắt: 'Ông trùm' Phan Sào Nam và cuộc chạy trốn bất thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Phan Sào Nam "đánh hơi" được việc sẽ bị cơ quan công an "sờ" tới nên bỏ trốn dù trước đó ông này nhận được thông báo về việc không đi khỏi nơi cư trú, nhưng bất thành

    Ông Phan Sào Nam "đánh hơi" được việc sẽ bị cơ quan công an "sờ" tới nên bỏ trốn dù trước đó ông này đã nhận được thông báo về việc không đi khỏi nơi cư trú, nhưng không thoát. 

    Theo tờ Diễn đàn Doanh nghiệp đăng năm 2012, Phan Sào Nam sinh năm 1979, là cử nhân Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh công nghệ của Trường ĐH Thông tin Liên lạc Hàn Quốc, thông thạo tiếng Anh và tiếng Hàn.

    Từ đầu năm 2006, khi mới 27 tuổi, Phan Sào Nam đã là Phó Giám đốc của VTC Intecom, sau đó lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc VTC Online (2008-2009), Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC Online (2009-2011) và sau đó làm Chủ tịch HĐQT VTC Online, Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC HCM.

    Trên báo chí, Phan Sào Nam từng được khắc hoạ là một doanh nhân trẻ có phong cách lãng tử với quần jeans, áo phông, tóc dài bồng bềnh, ưa mạo hiểm, bụi bặm, phóng khoáng và còn được đặt biệt danh là “hoàng tử bóng đêm” với những cuộc họp thâu đêm hay những email được gửi vào 2-3 giờ sáng.

    Năm 2012, Phan Sào Nam là người đã kêu gọi được khoản đầu tư 10 triệu USD cho VTC Online từ Công ty Quản lý Quỹ Duxton. Lúc đó, VTC Online được định giá khoảng hơn 50 triệu USD.

    Phan Sào Nam từng tuyên bố: 10 triệu USD không phải là số tiền đầu tư quá lớn, nhưng trong lĩnh vực nội dung số, đây là khoản đầu tư “không đứng thứ nhất thì cũng đứng thứ nhì”.

    Ông Phan Sào Nam, nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online.

    Phan Sào Nam từng chủ trương tái cấu trúc lại VTC Online, khẳng định dù xét dưới bất kỳ quy mô hay góc độ nào thì VTC vẫn ở Top 3 công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam.

    HĐQT của VTC Online hồi đó cũng đặt mục tiêu rất tham vọng: Đến năm 2015, VTC Online phải đủ điều kiện để thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán gồm NASDAQ (Hoa kỳ), HKEC (Hồng Kông), SGX (Singapore), Kosdaq (Hàn Quốc) và sàn HOSE (Việt Nam).

    Mới đây, VTC quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi VTC Online với mức giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần và kỳ vọng có thể thực hiện ngay trong năm 2017, tuy nhiên thương vụ bất thành do chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký tham dự dù rằng, với mức giá khởi điểm nói trên, định giá VTC Online chỉ giảm tới 5 lần so với 5 năm trước.

    Hiện, trên website của VTC Online “mất dấu” vai trò của Phan Sào Nam và chỉ ghi nhận 3 thành viên trong Ban điều hành mà đứng đầu là ông Trần Phương Huy.

    Mới đây, "ông trùm" VTC Online Phan sào Nam bị 'sờ gáy' vì liên quan đến vụ đường dây đánh bạc xuyên quốc gia.

    Theo Tuổi Trẻ, sau một thời gian dài điều tra, thu thập chứng cứ, khoảng tháng 9-2017 Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án và chính thức đánh sập một đường dây đánh bạc xuyên quốc gia.

    Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra lần ra dấu vết đường dây đánh bạc này có sự tham gia của một số cán bộ trong lực lượng công an.

    Xác định đây là một vụ án rất lớn và nghiêm trọng, Bộ Công an giao các cơ quan chức năng của bộ phối hợp với Công an Phú Thọ thụ lý vụ án, giao giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo điều tra.

    Ngay sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Dương (trú tại Hà Nội). Ông Dương được xác định là một trong những bị can cầm đầu đường dây đánh bạc.

    Người thứ hai cơ quan điều tra xác định cùng cầm đầu là ông Phan Sào Nam, nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online.

    Ông Phan Sào Nam "đánh hơi" được việc sẽ bị cơ quan công an "sờ" tới nên bỏ trốn dù trước đó ông này đã nhận được thông báo về việc không đi khỏi nơi cư trú, nhưng không thoát. Hiện cả ông Dương và ông Nam bị khởi tố, bắt tạm giam về tội tổ chức đánh bạc.

    Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Dương và ông Nam cùng thành lập một công ty với danh nghĩa nhập khẩu thiết bị công nghệ. Qua đó, hai bị can tổ chức đánh bạc qua mạng thu lời bất chính hàng nghìn tỉ đồng.

    Ông Nguyễn Thanh Hoá - nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao

    Để đường dây đánh bạc được tồn tại, hai bị can tìm đến sự "hợp tác" của ông Nguyễn Thanh Hoá - nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao và một số cán bộ công an.

    Ông Hóa dù là cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao nhưng khi phát hiện đường dây đánh bạc lại không ngăn chặn, xử lý mà còn tiếp tay, "bảo kê" cho đường dây này.

    Đường dây đánh bạc nói trên hoạt động theo phương thức kinh doanh các game đánh bạc trá hình trên mạng Internet. Đây là đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, có hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài.

    Đến nay cơ quan chức năng thu được khoảng 1.300 tỉ đồng và số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.

    Ông Nguyễn Thanh Hoá bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi liên quan trong vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền", xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.

    Căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 9 và ra Lệnh bắt bị can số 205 để tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc”.

    Cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Nguyễn Thanh Hóa.

    Liên quan vụ án, Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ, kê kiên, phong tỏa các tài khoản ngân hàng trị giá 381 tỷ đồng, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỷ đồng và 13 xe ô tô các loại.

    Ngày 25/5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo từ bà Võ Minh Phương (ở phường Nông Trang, TP Việt Trì) về việc ngày 16/5/2017, bà Phương bị một đối tượng sử dụng nick facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng.

    Từ nguồn tin này, Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 26/7/2017 xác minh, bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương. Huy khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, Huy đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh Dũng (ở TP Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.
    Tiếp tục đấu tranh mở rộng, Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh điều tra phối hợp với Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet tại Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao; bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Dương (SN 1975, Chủ tịch HĐQT) và Lưu Thị Hồng (SN 1976, Tổng Giám đốc Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao).

    Kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỷ đồng.

    Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ong-nguyen-thanh-hoa-bi-bat-ong-trum-phan-sao-nam-va-cuoc-chay-tron-bat-thanh-a222239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan