+Aa-
    Zalo

    Vụ tai nạn xe khách ở Kon Tum: “Biết HIV, tôi vẫn cứu!”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhân chứng tham gia cứu hộ vụ tai nạn xe khách ở Kon Tum chia sẻ: “Thực ra, em không biết nạn nhân bị HIV, nhưng nếu có biết em cũng tham gia bồng bê họ vào cấp cứu”.

    Nhân chứng tham gia cứu hộ vụ tai nạn xe khách ở Kon Tum chia sẻ:  “Thực ra, em không biết nạn nhân bị HIV, nhưng nếu có biết em cũng tham gia bồng bê họ vào cấp cứu”.

    Báo Tuổi trẻ đưa tin, theo thông tin từ Sở Y tế Kon Tum, trưa 2/7, trong vụ hai xe khách đấu đầu trên đường Hồ Chí Minh trưa 30/6 làm 4 người tử vong, có 17 cán bộ y tế và 7 người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân và nghi bị phơi nhiễm HIV.

    Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Hoàng Đình Cảnh đã yêu cầu các phòng chức năng khẩn trương hướng dẫn Kon Tum sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm ngay cho những người tham gia vận chuyển, cấp cứu, điều trị cho nạn nhân này.

    Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết, Sở cũng đã tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến những ca cấp cứu nạn nhân.


    Anh Lê Tùng (áo trắng) bức xúc khi kể về việc điều trị nghi phơi nhiễm HIV. Ảnh: Thanh Niên.

    Sở đã cho uống thuốc dự phòng trong 24h kể từ khi bị phơi nhiễm (quy định là trong vòng 72 giờ) với 24 người có liên quan và theo dõi trong vòng 3 tháng.  Sở Y tế cũng đồng thời giám sát, xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.

    Theo ông Khánh, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV.

    Liên quan đến sự việc này, báo Thanh Niên dẫn lời anh Lê Văn Tùng (28 tuổi), trú ở thôn 11, xã Đăk Hrinh (người tham gia cứu hộ vụ tai nạn) cho biết, khi biết vụ TNGT xảy ra, anh cùng chú là Lê Văn Tý (39 tuổi) cùng người gia đình và hàng xóm tham gia cấp cứu nạn nhân.

    "Đến hiện trường chưa được 30 giây nhưng thấy cảnh mỗi người văng một nơi, nhiều người bất tỉnh, em chạy về nhà lấy xe tải 43h-2137quay lại hiện trường đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế H.Đăk Hà", Tùng cho biết. Tuy nhiên, Tùng và mọi người ưu tiên cho 8 người bị thương nặng chở đi trước, sau đó dự định sẽ về chở những người thương tích nhẹ hơn.

    Mỗi khi đưa ai lên xe, Tùng tìm điện thoại nạn nhân để gọi cho người nhà của họ để thông báo. Khi chuyển 8 nạn nhân đến Trung tâm Y tế H.Đăk Hà, Tùng quay ra thì gặp xe cấp cứu chở nạn nhân T.T.M. (sau này xác định đã tử vong tại hiện trường) vừa đến, nên anh quay sang cùng với một người tên Đức (người nhà bệnh nhân điều trị tại đây) đưa nạn nhân vào.

    Khi đó, anh Tùng nói mình nâng phần đầu, còn anh Đức phần chân, thân nên máu nạn nhân có dính trên vết thương bị trầy xướt trước đó. "Vết xướt này em bị trước vụ TNGT khoảng 40 phút", Tùng nói.

    "Thực ra, em không biết nạn nhân bị HIV, nhưng nếu có biết em cũng tham gia bồng bê họ vào cấp cứu. Ai cũng làm hết, không chỉ mình em", Tùng thổ lộ. Anh Tùng cũng cho biết, anh và gia đình đã nhiều lần dùng xe tải gia đình cấp cứu nạn nhân bị TNGT trên đoạn đường quốc lộ 14 đi ngang nhà. Vụ việc lần này lại quá thương tâm nên chỉ góp phần công sức nhỏ bé mà thôi.

    Đến chiều 30/6, Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà thông báo phát hiện túi nạn nhân T.T.M tử vong có giấy tái khám HIV nên yêu cầu những ai tham gia đưa nạn nhân này nhập viện phải đi làm xét nghiệm và điều trị phòng phơi nhiễm HIV.

    Chiều 30/6, Tùng cùng hai người thân xuống Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tại TP.Kon Tum để điều trị, nhưng quá giờ làm việc nên tìm gặp bác sĩ Nguyễn Văn Đôn, Trưởng khoa khám, điều trị chuyên khoa HIV/DIAS và điều trị nghiện chất. Trong một quán cà phê, vị bác sĩ này tư vấn và nói anh Tùng cần dùng thuốc CRV "3 trong 1" vì máu nạn nhân có vấy lên vết xước.

    Tuy nhiên, bác sĩ này nói trường hợp của Tùng không cấp miễn phí, vì không thuộc diện cấp thuốc miễn phí theo quy định hiện hành, nên phải mua 1,2 triệu đồng/lọ.

    Sáng hôm sau 1/7, anh Tùng được tiếp tục được đưa đi xét nghiệm phơi nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà. Tại đây, do bị giải thích như chiều 30/6 rằng không được cấp thuốc miễn phí nên anh Tùng đăng lên facebook chia sẻ với mọi người.

    Đến chiều 1/7, anh Tùng tiếp tục được khám và phát thuốc chống phơi nhiễm HIV miễn phí, nên anh trả lại thuốc mua của bác sĩ Đôn, có 18 viên. Do uống 2 viên trước đó nên anh Tùng phải trả tiền 80.000 đồng cho bác sĩ Đôn.

    Chiều 2/7, bác sĩ Nguyễn Văn Đôn cho biết, theo quy định hiện hành thì chiều 30/6, trường hợp của anh Tùng không được cấp thuốc miễn phí. Những người được cấp thuốc miễn phí phải có văn bản, hồ sơ của Hội đồng xác định phơi nhiễm HIV gửi đến. Đến tối 30/6, lãnh đạo đơn vị Trung tâm phòng chống HIV/AIDS mới chỉ đạo bác sỹ Đôn khám, điều trị miễn phí cho anh Tùng.

    Sáng 1/7, BS Đôn và một bác sĩ khác được điều lên Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà để khám, xét nghiệm cho các ca nghi nhiễm HIV. "Nhưng do không được chỉ đạo mang thuốc theo cấp miễn phí cho các bệnh nhân nên chiều 1/7, chúng tôi mời các nạn nhân xuống Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS lấy thuốc miễn phí về uống theo hướng dẫn", bác sĩ Đôn nói.

    Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết, chỉ nghe những việc liên quan đến bác sỹ Đôn với anh Lê Văn Tùng "bên ngoài", chứ chưa có gì chính thức, nhưng sẽ kiểm tra lại sự việc

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tai-nan-xe-khach-o-kon-tum-biet-hiv-toi-van-cuu-a195016.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan