+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng KH&CN nói gì về "hai lúa" chế xe bọc thép?

    ĐS&PL (ĐSPL) - “Ở Việt Nam, các hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng đã làm tốt việc này nên chưa có nhu cầu đặt hàng những người dân khác ngoài hệ thống quốc phòng tham gia”.

    (ĐSPL) - “Ở Việt Nam, các hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng đã làm tốt việc này nên chưa có nhu cầu đặt hàng những người dân khác ngoài hệ thống quốc phòng tham gia”, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân nói về sáng tạo của Đại tướng quân "hai lúa" chế xe bọc thép cho Campuchia.

    Bộ trưởng Bộ KH&CN nói gì về

    Cha con kỹ sư "hai lúa" Trần Quốc Hải được công nhận là nhà khoa học quân sự và kỹ sư quân sự với kỳ tích sữa chữa và chế tạo xe bọc thép cho Campuchia (Ảnh Dân trí).

    Câu chuyện về ông Trần Quốc Hải và con trai là Trần Quốc Thanh vừa được Chính phủ Campuchia trao huân chương Đại tướng quân vì chế tạo thành công xe bọc thép, được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua.

    Vấn đề đặt ra là tại sao nhà khoa học nông dân như cha con ông Hải được nước ngoài tôn vinh, chào đón còn ở Việt Nam thì lại ít được để ý.

    Trước thông tin cho rằng, những sáng tạo, phát kiến của “hai lúa” chế xe bọc thép không được khuyến khích trên quê hương mình, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho rằng: “Sức sáng tạo của mọi người, kể cả những nhà khoa học có bằng cấp hay người nông dân bình thường đều đáng trân trọng như nhau. Vấn đề ở chỗ sự sáng tạo ấy có thị trường không, nơi nào tạo ra được thị trường có sự đặt hàng thì những sáng tạo đó mới có khả năng được ứng dụng trong xã hội”.

    Theo Bộ trưởng Quân: “Trong lĩnh vực quốc phòng, việc sửa chữa các thiết bị, máy móc là việc rất quan trọng”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân cho hay, “ở Việt Nam, các hệ thống nhà máy công nghiệp quốc phòng đã làm tốt việc này nên chưa có nhu cầu đặt hàng những người dân khác ngoài hệ thống quốc phòng tham gia”.

    Ngoài ra, Bộ trưởng Quân thông tin: “Hiện cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực này còn có những bất cập. Trong các văn bản pháp luật của ta chưa cho phép các cơ quan nhà nước có thể dùng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Nếu cơ chế của chúng ta cho phép cơ quan nhà nước có thể hỗ trợ với mức như Chính phủ Campuchia đã làm, khi đó người dân chắc chắn có thể sáng tạo trên quê hương của mình”.

    Bộ trưởng Quân khẳng định, Chính phủ cũng đánh giá rất cao những ý tưởng sáng tạo của cha con ông Hải cũng như nhiều sáng tạo khác của những người nông dân không có bằng cấp nhưng có sáng kiến.

    Lý giải việc ông Hải được Camphuchia vinh danh và trao tặng huân chương khi chế tạo thành công xe bọc thép, Bộ trưởng Quân cho rằng: “Campuchia đang có nhu cầu vì họ có rất nhiều máy móc hỏng mà không có người sửa hoặc có thể có thiết bị cần cải tạo cho phù hợp với điều kiện của họ thì họ có thể mời.

    Hơn nữa là cơ chế của Campuchia rất thoáng. Họ có thể tin tưởng giao cho một người nước ngoài một khoản tiền rất lớn để làm việc đó, trong khi chúng ta chưa có quy định nào cho phép làm việc đó như vậy”, Bộ trưởng thông tin.

    Bộ trưởng Quân thừa nhận: Trong số 25.000 tiến sĩ, tỉ lệ người làm khoa học không cao, thực sự làm khoa học thì còn ít nữa… Do đó, Bộ trưởng đánh giá cao những người nông dân có nhiều sáng kiến: “Tôi nghĩ nhiều người nông dân không bằng cấp nhưng họ là những nhà khoa học thực sự. Không bằng cấp nhưng họ nghiên cứu rất nhiều, hơn cả người có bằng cấp”.

    Nhưng trên thực tế, thời gian qua tại Việt Nam, trường hợp như tàu ngầm ở Thái Bình bị ngăn chặn khi thực hiện các hoạt động chạy thử nghiệm, khiến dư luận bức xúc cho rằng các nhà khoa học không bằng cấp chưa nhận được khuyến khích và sự tạo điều kiện của các cơ quan quản lý.

    Giải thích điều này, Bộ trưởng Quân cho hay: “Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, muốn làm gì nên hợp tác với cơ quan quản lý vì chắc chắn nếu tàu ngầm đó chỉ làm cho gia đình, chạy trong ao, trong hồ của gia đình thì không ai ngăn cản. Nhưng một khi tàu ngầm muốn đưa ra chạy thử nghiệm trên sông, trên biển, máy bay muốn bay trên trời thì chắc chắn phải được cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước, vì việc này liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân cũng như của chính người chủ tạo ra các sản phẩm đó. Đó là chưa kể khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của quốc gia”.

    Bộ trưởng Quân cho rằng: “Nếu ngay từ ban đầu họ có sự hợp tác, cơ quan nhà nước có sự kiểm tra giám sát trong quá trình chế tạo, cấp chứng nhận đăng kiểm, được phép lưu hành những thiết bị đó… thì sẽ thuận lợi hơn”.

    Như tin tức đã đưa trước đó, trong những lần qua Campuchia để hỗ trợ kỹ thuật máy trồng mì tại lữ đoàn 70, ông Hải phát hiện một số xe bọc thép không khởi động được nên đã đề nghị tự mình thử sửa chữa.

    Để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên Xô cũ sản xuất), ông Hải đã tự bỏ 25.000 USD tiền túi. Sau thành công của chiếc xe, ông Hải được lữ đoàn 70 giao sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một xe bọc thép mới.

    Sau 4 tháng ròng rã tìm kiếm, trang bị, nghiên cứu và chế tạo, cha con ông Thanh đã hoàn thành chiếc xe bọc thép với tính năng vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe.

    Hai cha con ông được Quốc vương Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân để ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước này. Bên cạnh đó, hai cha con ông Hải còn nhận được giấy chứng nhận là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB do Quốc vương Campuchia cấp.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-khcn-noi-gi-ve-hai-lua-che-xe-boc-thep-a69637.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan