+Aa-
    Zalo

    Con đường "ma" ở Tiền Giang và những bí ẩn lần đầu được tiết lộ

    ĐS&PL (ĐSPL) - Những câu chuyện đồn thổi về oan hồn ở con đường mang tên Lộ Ma đã trở thành những "giai thoại" ly kỳ khiến người dân tỉnh Tiền Giang một thời sợ hãi.

    (ĐSPL) - Những câu chuyện đồn thổi về "oan hồn" ở con đường mang tên Lộ Ma đã trở thành những "giai thoại" ly kỳ khiến người dân tỉnh Tiền Giang một thời sợ hãi. Vì "thần hồn nát thần tính", nhiều người dân nơi đây không dám bén mảng hay qua lại khu vực đường Lộ Ma. Miếu Cây Gạo cũng được hình thành từ đó để người dân quanh vùng hương khói cho những người đã khuất.

    Tuy nhiên, sự thật về con đường có vẻ như đáng sợ này lại không giống như những "giai thoại" mà người dân nơi đây đồn thổi.

    Những câu chuyện ly kỳ

    Những ngày cuối năm, tìm về thành Định Tường cũ (nay là TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), PV được nghe người dân nơi đây kể không ít câu chuyện ly kỳ rùng rợn về con đường mang tên Lộ Ma. Theo tìm hiểu của PV, con đường "ma" mà người dân nơi đây nhắc tới chính là đường Thái Sanh Hạnh (trước đây gọi là Lộ Ma, giáp ranh giữa phường 8 và phường 9, TP.Mỹ Tho).

    Được biết, một thời gian dài, nhiều người dân nơi đây không dám đi ngang qua con đường này, bởi họ nghe kể về những lời khóc than văng vẳng của ai đó nghe lạnh người.

    (bgiay)Con đường

    Lộ Ma cũ nay là đường Thái Sanh Hạnh (ảnh Thơ Trịnh).

    Bà Nguyễn Thị Bé (60 tuổi, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho hay: "Vào đầu những năm 1990, người dân Tiền Giang vẫn rỉ tai nhau những câu chuyện về "oan hồn" trên con đường Lộ Ma. Theo đó, người ta đồn thổi rằng có người thấy "ma" không đầu thường ngồi vắt vẻo trên gốc cây gạo với bộ đồ trắng toát và trêu khi thấy bóng dáng ai đi ngang qua đây".

    Không những thế, anh Nguyễn Văn Minh (46 tuổi, ngụ TP.Mỹ Tho) còn cho biết: "Ông bà tôi còn kể lại mỗi khi đi ngang qua đoạn đường này, ai cũng khiếp sợ khi nghe như có tiếng ai đó than khóc nức nở. Tưởng có người gặp nạn, mọi người len lỏi đi tìm trong các bụi rậm. Thế nhưng, tìm mãi vẫn không thấy người phát ra tiếng khóc héo hắt ấy nên mọi người mới sực tỉnh nghĩ đó là "oan hồn". Cứ như thế, dù là ban ngày cũng ít ai dám lui tới con đường đó".

    Là người sống ở khu vực này từ thời còn hoang vắng, ông Tám (ngụ TP.Mỹ Tho) cho hay: "Có nhiều lần, tôi đi bắt cá, hái củi ở gần con đường Lộ Ma đã vô cùng hoảng sợ khi thấy như có bóng người lủng lẳng trên cây me. Quá hãi hùng, chúng tôi đã bỏ củi, bỏ cá chạy thục mạng. Hồi đó, khu vực này khá vắng vẻ, hoang vu nên người ta càng sợ hãi hơn".

    Vì nghĩ rằng đã có không ít người chết oan ở khu vực con đường Lộ Ma nên người dân nơi đây đã lập một miếu nhỏ dưới gốc cây gạo (hay còn gọi là miếu Cây Gạo) để hương khói cho những cô hồn. Bà Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi, ngụ TP.Mỹ Tho) cho biết: "Người ta đồn rằng, mỗi khi đi ngang qua miếu Cây Gạo, mọi người phải đi đứng, ăn nói nhỏ nhẹ và cúi đầu vái lạy. Nhưng có nhiều người vì không tôn trọng, nhạo báng miếu Cây Gạo, nên đã bị loạn trí buộc phải nhờ các sư thầy cúng bái mới khỏi bệnh".

    Sự thật được hé lộ...

    Để giải mã những câu chuyện ly kỳ nói trên về Lộ Ma, PV quyết định đi tìm những người dân sống lâu nhất ở đây. Là một trong những người dân đầu tiên đến sống gần khu vực đường Lộ Ma, ông Nguyễn Văn Hợi (SN 1932, ngụ phường 8, TP.Mỹ Tho) cho hay: "Năm 1949, tôi về đây sinh sống thì xung quanh con đường Lộ Ma rất hoang vắng. Lúc bấy giờ, tìm một người hàng xóm ở đây quả là hiếm hoi, cây cỏ rậm rạp, mọc nhiều hơn người. Theo đó, đường sá bị cây cối che phủ khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi đi lại nơi đây".

    Nhớ lại cuộc sống của người dân tại khu vực đường Lộ Ma thời hoang vu ấy, ông Hợi cho hay: "Cuộc sống của người dân ở đây lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Mọi người tồn tại bằng nghề cá bắt dưới vũng sâu và hái rau dại làm thức ăn. Thời gian đầu, khi gia đình tôi về đây mới chỉ có 2 - 3 hộ sống lác đác ở hai ven đường. Mãi đến năm 1960 trở đi, dân cư ở khu vực này mới tăng lên dần. Mọi người tập trung khai hoang, lập địa để kiếm kế sinh nhai".

    Cũng theo ông Hợi, đường Lộ Ma trước giải phóng là một con đường hoang lạnh, dẫn vào một trong những pháp trường thảm khốc nhất của triều Nguyễn (tại thành Định Tường cũ).

    Theo như các bậc tiền bối kể lại, pháp trường của triều Nguyễn là nơi xử chém tội nhân được thi hành án vào mùa thu. Tuy nhiên, nếu tội nhân phạm tội nặng thì sẽ bị đem ra thi hành ngay chứ không cần chờ đến kỳ xét án. Không chỉ chém đầu, pháp trường của triều Nguyễn còn là nơi thi hành án "giảo" (treo cổ), án cưu thủ (chém rồi đem thủ cấp bêu ở chốn đông người).

    Theo đó, khu đất nơi thành Định Tường cũ, trong đó có Lộ Ma bao phủ cảnh chết chóc, hoang lạnh chẳng khác gì bãi tha ma. Kể từ đó, những câu chuyện đồn đại về ma quỷ trên Lộ Ma được hình thành và phát tán khắp nơi.

    Giải thích về những lời đồn ma quỷ ở Lộ Ma ông Châu Văn Ngay (SN 1937, ngụ phường 8, TP.Mỹ Tho) cho biết: "Khu vực xung quanh Lộ Ma trước kia là nghĩa địa tự do dành cho những người nghèo. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua đất chôn cất người thân trong nghĩa trang nên mang tới đây an táng. Theo thời gian, những ngôi mộ này trở thành mộ không tên, đã được chính quyền địa phương di dời đi nơi khác, để tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng sau này. Riêng đường Lộ Ma trước kia chỉ dành cho xe ngựa đi, chứ ít khi có phương tiện khác đi vào đây".

    (bgiay)Con đường

    Ông Ngay khẳng định không có "oan hồn" trên Lộ Ma (ảnh Thơ Trịnh).

    Khi PV thắc mắc về việc người dân nơi đây nghe được những tiếng khóc than trên khu vực đường Lộ Ma, ông Ngay chia sẻ: "Theo như ông bà nói lại, khu vực này trước kia là nơi hoạt động của lực lượng Việt Minh. Trong khi đó, đây lại là nơi dân hay lui tới bắt cá, hái củi. Do vậy, để không cho ai biết mình đang hoạt động tại khu vực này, có người giả gào khóc, hú để nhát người đi đường. Sợ hãi bởi những tiếng khóc, gào hú ấy, không ít người dân cho rằng khu vực này có nhiều ma quỷ nên không dám bén mảng hay qua lại".

    Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, ông Ngay khẳng định: "Tôi sống ở đây mấy chục năm qua nhưng chưa hề nhìn thấy bóng ma nào cả". Riêng Lộ Ma, nay đã được gọi bằng cái tên khác là Thái Sanh Hạnh với nhiều thay đổi tươi mới hơn.

    Vì sao gọi là Lộ Ma?

    Trao đổi với PV, anh Dương Hồng Dũng, Trưởng ban quản lý di tích tỉnh Tiền Giang cho biết: "Theo tài liệu lịch sử cho biết Lộ Ma trước kia là con đường trung tâm của thành Định Tường cũ được xây dựng vào năm 1792. Năm 1836, triều Nguyễn đo đạc khu vực này được 40 mẫu để bán nhưng không ai mua, cũng không ai mướn. Thấy vậy, các quan tỉnh Định Tường trưng dụng làm pháp trường xử bắn tội nhân. Pháp trường này tồn tại đến đời Tự Đức.

    Bao nhiêu người đã bị hành quyết không rõ, nhưng người dân địa phương cho dựng tại chỗ này một ngôi miếu thờ cô hồn hay còn gọi là miếu Cây Gạo. Pháp trường, ngôi miếu cộng với sự hoang vắng trong khu vực nên người dân nơi đây gọi con đường này là Lộ Ma. Địa danh Lộ Ma hiện nay nằm trong địa bàn phường 9 (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Khu vực này giờ khá sầm uất với nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đóng trên tuyến đường".

    Thơ Trịnh
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-duong-ma-o-tien-giang-va-nhung-bi-an-lan-dau-duoc-tiet-lo-a70937.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    25 năm sống với oan hồn

    25 năm sống với oan hồn

    Suốt hơn 25 năm nay, có một người đàn ông hàng ngày vẫn thường chăm lo cho những am miếu khỏi cô quạnh lạnh lẽo khói hương ở trên đèo Hải Vân.