+Aa-
    Zalo

    Điện thoại bị nghe lén: Người dùng ĐTDĐ mất 100 tỷ đồng/tháng

    ĐS&PL (ĐSPL) – Người dùng di động tại VN mất đến 3,9 tỷ đồng/ngày, mất hơn 100 tỷ đồng/tháng do bị thất thoát từ việc bị cài các phần mềm “độc” vào ĐTDĐ

    (ĐSPL) – Theo thống kê của Bkav thì một ngày, người dùng di động tại VN mất đến 3,9 tỷ đồng, một tháng mất hơn 100 tỷ đồng do bị thất thoát từ việc bị cài các phần mềm “độc” vào ĐTDĐ.

    Ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng, Công ty Bkav đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật sáng 25/6.

    Sau sự việc phát hiện ở Công ty Việt Hồng vừa qua, ông đánh giá thế nào về thực trạng nghe lén ở Việt Nam ở hiện nay?

    Việc phát tán mã độc để thực hiện nghe lén hoặc đánh cắp thông tin, đánh cắp tiền của người sử dụng qua hình thức gửi tin nhắn tự động hiện nay có thể nói là xu hướng mà tội phạm mạng đang hướng tới, nó cũng trở thành một ngành công nghiệp, trong đó có những đối tượng kiếm lợi từ việc phát tán mã độc trên di động. Qua vụ vừa rồi, đã thấy con số thiệt hại là rất lớn, tuy nhiên, đó chỉ là 1 phần của toàn bộ những thiệt hại mà người sử dụng gặp phải.

    Theo thống kê của Bkav thì một ngày, người sử dụng di động tại Việt Nam mất đến 3,9 tỷ đồng, một tháng mất hơn 100 tỷ đồng do bị thất thoát từ việc bị cài các phần mềm có chứa mã độc vào điện thoại, cài các phần mềm gửi tin nhắn tự động đến các đầu số dịch vụ.

    Đó là con số đáng báo động, một phần cũng người dùng hiện nay vẫn còn lơ là, chưa coi điện thoại là vật chứa nhiều thông tin quan trọng và chưa có sự bảo vệ tương xứng.

    Người dùng ĐTDĐ mất 4 tỷ/ngày vì các phần mềm “gián điệp”

    Ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng, Công ty Bkav.

    Ngoài phần mềm theo dõi là Ptracker vừa được phát hiện ở công ty Việt Hồng, trên thị trường hiện nay có còn nhiều phần mềm tương tự như vậy không? Phần mềm Ptracker có tính năng gì đặc biệt so với các phần mềm tương tự khác?

    Có rất nhiều những phần mềm quảng cáo là theo dõi và giám sát điện thoại. Nếu lên trên mạng tìm kiếm và tra cứu những phần mềm gián điệp là có đến nửa triệu kết quả trả về có liên quan đến việc theo dõi và giám sát điện thoại. Như vậy, có thể thấy việc buôn bán và trao đổi các phần mềm gián điệp trên điện thoại là rất phổ biến.

    Về tính năng, Ptracker cũng không khác nhiều so với các phần mềm khác, điểm khác biệt lớn nhất ở đây là tất cả các dữ liệu của người sử dụng khi được lưu trữ trên sever của công ty Việt Hồng đều có thể được nhân viên của công ty Việt Hồng truy cập và sử dụng được, đấy chính là điều rất nguy hiểm, xâm phạm đến thông tin cá nhân của người sử dụng.

    Ông có thể cho biết, làm thế nào để người dùng biết được điện thoại của mình đang bị cài các thiết bị theo dõi?

    Thông thường, các phần mềm gián điệp, phần mềm theo dõi khi cài vào điện thoại thì rất khó phát hiện.

    Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu mà người dùng cần cảnh giác khi thấy xuất hiện trên điện thoại của mình, ví dụ như pin điện thoại nhanh hết hơn bình thường, cước 3G tăng đột biến, hay cấu hình định vị GPS tự nhiên bật lên và hiển thị trên màn hình trong khi người sử dụng không bật… Đó là những thông tin sơ bộ mà người sử dụng có thể xem xét để xem điện thoại của mình có bị nghe lén hay không.

    Phần mềm nghe lén thường rất tinh vi, nó sẽ được giấu rất kĩ nên cần đến các biện pháp kỹ thuật để phát hiện ra.

    Hiện nay, nếu người sử dụng cảm thấy không yên tâm thì có phiên bản miễn phí của Bkav Mobile Security đã có trên Google Play để kiểm tra xem điện thoại có bị cài phần mềm nghe lén hay không. Khi cài về và quét thì sẽ phát hiện ra ngay nếu có phần mềm nghe lén.

    Người dùng ĐTDĐ mất 4 tỷ/ngày vì các phần mềm “gián điệp”

    Mới đây, công ty Việt Hồng đã bị phát hiện cung cấp phần mềm nghe lén Ptracker, thu lợi bất chính gần 1 tỷ đồng.

    Khi bị cài phần mềm nghe lén vào, điện thoại hoạt động có khác gì so với một điện thoại bình thường haykhông, thưa ông?

    Khi cài phần mềm gián điệp vào thì phần mềm này sẽ xâm nhập vào máy qua nhiều hình thức khác nhau. Trong trường hợp này, điện thoại vẫn hoạt động bình thường, nó sẽ không có một biểu hiện gì khác so với máy thông thường không bị cài, chính vì thế nên rất khó phát hiện.

    Ngoài ra, phầm mềm nghe lén sẽ đội lốt các phần mềm nổi tiếng trên điện thoại như các trò game, tiến hành tiêm mã độc vào và phát tán lên, lừa người dùng tải về và cài. Việc cài mã độc kèm theo các ứng dụng này thì những chức năng như chơi game hay giải trí vẫn bình thường, tuy nhiên, vẫn có mã độc ngầm bên dưới.

    Theo ông, điện thoại nào dễ bị cài đặt các phần mềm nghe lén nhất? Những dòng điện thoại truyền thống có nguy cơ bị cài các phần mềm này hay không?

    Nguy cơ này chỉ xảy ra đối với các điện thoại thông minh, các điện thoại có sử dụng hệ điều hành như Androi, IOS, WindowPhone… và nguy cơ của nó là tương đương như nhau, tức là nền tảng nào cũng có nguy cơ bị cài phần mềm nghe lén, tuy nhiên, quy mô và mức độ có thể khác nhau do phạm vi ứng dụng của phần mềm đó, ví dụ như hiện nay, hệ điều hành Androi được sử dụng nhiều hơn thì sẽ có nguy cơ cao bị cài các phần mềm nghe lén có chứa mã độc.

    Nếu điện thoại không có hệ điều hành thì sẽ không cài đặt được phần mềm này.

    Ông đánh giá thế nào về hậu quả, hệ lụy của việc nghe lén? Không xét đến việc lấy cắp thông tin cá nhân, nhưng nếu như đánh cắp thông tin của các cơ quan Đảng, nhà nước, các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng… thì hậu quả sẽ như thế nào?

    Ngoài việc đánh cắp thông tin cá nhân vốn đã rất nghiêm trọng, thì khi đánh cắp thông tin của các tổ chức hành chính, các tập đoàn kinh tế, ngân hàng hay các cơ quan quan trọng của Nhà nước thì mức độ của nó lại càng nguy hiểm hơn bởi nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự ổn định của nền kinh tế của cả một đất nước.

    Từ trước đến nay, chúng tôi cũng đã hỗ trợ 1 số sự vụ liên quan đến việc các tội phạm công nghệ tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan chính phủ hay các tập đoàn lớn. Trong những sự vụ đó, chúng tôi đã có hỗ trợ về kỹ thuật để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các nguy cơ xấu có thể xảy ra.

    Người dùng ĐTDĐ mất 4 tỷ/ngày vì các phần mềm “gián điệp”

    Theo các chuyên gia an ninh mạng thì người dùng cần có các biện pháp bảo vệ tương xứng cho điện thoại của mình. Ảnh minh họa.

    Theo ông, người dùng có thể làm gì để tránh và hạn chế việc bị cài các phần mềm nghe lén hay không?

    Để hạn chế và phòng tránh nguy cơ bị cài các phần mềm gián điệp vào điện thoại thì điều đầu tiên là người sử dụng cần cẩn trọng hơn trong việc cho người khác mượn điện thoại của mình, bởi nếu cho một người không tin cậy mượn điện thoại thì chỉ cần từ 3-5 phút, người ta đã có thể cài phần mềm này vào điện thoại của mình.

    Thứ hai là chỉ nên cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng tin cậy, từ những nguồn tin cậy, bởi những nguồn không tin cậy như các trường hợp cài phần mềm dạo thường chính là nơi phát tán vi rút.

    Ngoài ra, còn một yếu tố nữa là vì các phần mềm vi rút thường rất tinh vi nên chúng ta cần cài đặt các phần mềm bảo vệ một cách thường trực để ngăn chặn triệt để, cần bảo vệ điện thoại như bảo vệ máy tính, coi điện thoại như một vật bất ly thân.

    Ngày 13/5 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) – Công an Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở TTT-TT đã tổ chức thanh tra và phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (tầng 4, tòa nhà 110 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động. Có đến 14.140 thiết bị điện thoại bị cài phần mềm theo dõi.
    Khi người dùng có nhu cầu, Công ty Việt Hồng sẽ cho cài phần mềm này để dùng thử trong 24 tiếng, theo đó, tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi xung quanh, hình ảnh, video, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giám sát này sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ sau đó chỉ khoảng 5-10 phút, người sử dụng chỉ cần đăng nhập vào trang web giamsat.vhc.vn của công ty Việt Hồng là có thể tiến hành xem lại tất cả những thông tin của máy điện thoại bị giám sát.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-thoai-bi-nghe-len-nguoi-dung-dtdd-mat-100-ty-dongthang-a38147.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan