Đừng làm vẩn đục hai chữ “y đức”, hỡi những “bác sĩ Online”…!


Thứ 4, 27/02/2019 | 22:47


Nhiều “bác sĩ Online” nửa chữ về chuyên ngành y, dược không biết nhưng cũng có thể nổi lên như một bậc thầy tư vấn sức khỏe.

Thời đại công nghệ 4.0, mạng Internet khiến mọi thứ trở nên dễ dàng, tiện dụng hơn bao giờ hết, kể cả việc khám bệnh, bốc thuốc. Tuy nhiên, đáng buồn hơn cả, nhiều “bác sĩ Online” nửa chữ về chuyên ngành y, dược không biết nhưng cũng có thể nổi lên như một bậc thầy tư vấn sức khỏe.

Chỉ cần search tên một sản phẩm thuốc/ thực phẩm chức năng hay thậm chí tên một loại bệnh, chúng ta có thể bắt gặp được không ít những trang web, fanpage quảng cáo bằng những thông tin “hào nhoáng” và “chuyên nghiệp” cùng đội ngũ bác sĩ tư vấn “có chuyên môn” và kinh nghiệm lâu năm trong nghề.

Sẽ chẳng có bệnh nhân hay khách hàng nào yêu cầu được biết rõ ràng, chi tiết về tên tuổi, bằng cấp chuyên môn của bác sĩ mà chỉ quan tâm về sản phẩm, dịch vụ mình sử dụng có được ưu đãi hay không, hiệu quả như thế nào?

Vì vậy, không ít những vị “bác sĩ Online” trên các trang website hay fanpage có thể là những người không hề được đào tạo qua chuyên ngành y, dược nhưng vẫn đứng ra tư vấn cho khách hàng như một bác sĩ thực thụ.

Từ dữ liệu mà bệnh nhân cung cấp, đội ngũ Telesale (chuyên viên tư vấn/ tiếp thị qua điện thoại) tha hồ “khua môi múa mép” theo một bài có sẵn, thậm chí nhiều người còn tự gắn thêm cho mình những “danh hiệu” hay học hàm, học vị cao để lấy được lòng tin của khách hàng và bán được sản phẩm.

Cũng có nhiều phòng khám, cơ sở y tế, người khám chữa bệnh không đủ chuyên môn nhưng vẫn tự nhận là bác sĩ chuyên khoa, cùng những “mỹ danh” hào nhoáng, đánh vào tâm lý khách hàng.

Có thể kể đến việc phóng sự gắn logo của VTV giới thiệu về khả năng chữa khỏi căn bệnh Gout của “Lương y” Nguyễn Thị Hường tại Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường (Địa chỉ: Thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội). Vì tin rằng những thông tin trên đã được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) kiểm định nên rất nhiều người lăn lội đến tận nhà vị "Thần y" này với mong muốn chữa khỏi được căn bệnh nan y đau đớn này.

"Lương y" Nguyễn Thị Hường thực chất chỉ là "giúp việc" của phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường

Bên cạnh đó, "lương y" Nguyễn Thị Hường cùng các "cộng sự" của mình còn liên tục livestream (phát trực tiếp) trên trang fanpage Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường về hình ảnh bệnh nhân đến thăm khám, bốc thuốc tại cơ sở nêu trên.

PV Báo Đời sống & Pháp luật đã liên hệ xác minh với phía Đại diện Đài truyền hình Việt Nam thì nhận được kết quả khiến không ít người bất ngờ vì phóng sự nêu trên là phóng sự giả mạo, lợi dụng danh tiếng và uy tín của VTV nhằm trục lợi. Sau khi báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc, “lương y” Nguyễn Thị Hường lộ diện chỉ là “người giúp việc” của phòng khám, chưa có chứng chỉ hành nghề, còn bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn đồng thời là bác sĩ chịu trách nhiệm pháp lý lại là một người khác. Việc bà Hường cố tình khám chữa bệnh trái pháp luật cùng với việc làm giả phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam để lấy lòng tin của người bệnh là hành vi đặt lợi nhuận lên trên hết, coi thường sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Hay như những “lùm xùm” gần đây xoay xung quanh cơ sở Spa 1991 Beauty Center (T7, Time city - Minh khai - Hai Bà trưng - Hà Nội; Ngã 3 Ngọc Hồi - Thanh Trì - Hà Nội) của bà Nguyễn Thị Quỳnh Dương.

Những địa chỉ hoạt động “mập mờ”, muốn tìm hiểu về cơ sở thường phải thông qua số điện thoại Hotline mà bà công khai trên các diễn đàn: 0888559991. Không chỉ có địa chỉ mà tên gọi của cơ sở này cũng rất “mập mờ” lúc thì được giới thiệu với nhiều tên gọi khác nhau như: “Spa 1991 Beauty Center”, “1991 Beauty Center Spa”, “1991 Beauty”, “1991 Beauty & Clinic”…

Phải chăng việc “mập mờ” này, do cơ sở Spa 1991 Beauty center hoạt động “chui” khi chưa đủ các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực TMV để “qua mắt” các cơ quan chức năng kiểm tra hay để dễ trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra những rủi ro, sự cố, biến chứng do hoạt động TMV gây ra cho khách hàng?

Không chỉ có vậy, trên trang “Truyền trắng da - Tiêm filer, botox, giảm béo - Hà Nội”, (IP https://www.facebook.com/Hotline.0888559991/) bà Dương là “bác sĩ” trực tiếp thực hiện các thủ thuật làm đẹp trong đó có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác.

Trên trang “1991 Beauty Center” (IP https://www.facebook.com/1991beauty/), bà Dương lại xuất hiện với vai trò chuyên gia tư vấn làm đẹp tất cả những gì thuộc về thẩm mỹ viện và làm đẹp.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Dương chủ cơ sở Spa 1991 Beauty Center

Và còn rất nhiều diễn đàn khác khi thì xuất hiện là bà chủ, khi là nhân viên, khi là chuyên gia, có khi là nhân viên hay khách hàng trải nghiệm sản phẩm. Nếu không bằng các biện pháp nghiệp vụ để tiếp xúc, khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau thì rất khó biết rõ vai trò thực sự của bà ở cơ sở làm đẹp này.

Xem xong những Clip, hình ảnh và cả những nội dung tư vấn của bà thì nhiều người sẽ nhầm tưởng bà là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ viện được tu nghiệp bài bản. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, bà Nguyễn Thị Quỳnh Dương thừa nhận bà đã làm các hoạt động trên được hơn 04 năm qua nhưng giấy tờ chưa hoàn thiện. Được biết, trước khi làm nghề này, bà có làm việc ở bệnh viện B.M., sau đó có trải qua một khóa học ngắn hạn về chăm sóc da tại bệnh viện Da liễu Trung ương. Do đam mê lĩnh vực này nên bà Dương bắt tay mày mò làm chứ thật ra bà chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực này khi nào. 

Qua hai vụ việc nêu trên, có thể thấy, trong thời điểm hiện tại, việc sử dụng mạng xã hội hay trang web để quảng cáo, tư vấn cho khách hàng chữa bệnh, làm đẹp là phương thức chung được nhiều “bác sĩ Online” sử dụng để “câu kéo” khách hàng nhằm trục lợi.

Sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để giới thiệu các hoạt động của phòng khám y khoa, Thẩm mỹ viện, Spa,...có thể giúp cho việc quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ tại cơ sở đó đến nhiều người tuy nhiên lại gây ra những khó khăn cho cơ quan quản lý.

Mặt khác khi có sự cố liên quan không có lợi cho họ thì họ dễ dàng thoái thác trách nhiệm bằng cách xóa trang web, xóa page một cách dễ dàng. Để truy xuất ra nguồn gốc của những thông tin sai lệch mà các “bác sĩ online” tư vấn, gây ra hậu quả cũng tốn không ít thời gian, “được vạ thì má đã sưng”.

Do đặc thù lĩnh vực như làm đẹp hay buôn bán thực phẩm chức năng có mức độ rủi ro cao với sức khỏe con người nên những thông tin giới thiệu về các cơ sở làm đẹp, y tế hay các công ty sản xuất phân phối thực phẩm BVSK ít được giới thiệu trên báo chí chính thống.

Do chế tài về quảng cáo trên mạng xã hội còn chưa được chặt chẽ nên không ít doanh nghiệp, cơ sở làm đẹp mặc sức “tô hươu, vẽ vượn”, thậm chí bịa đặt trắng trợn về sản phẩm hay những lợi ích khi sử dụng dịch vụ. Mục đích là để lấy được thông tin khách hàng để cho các “bác sĩ Online” thỏa thích “bắt bệnh, kê đơn”, miễn sao bán được hàng, thu về lợi nhuận. Hai chữ “y đức” làm gì có “đất” để tồn tại ở đây, hay giả sử như có thì có chăng cũng bị “lợi nhuận” che mất.

Cũng chính vì vậy mà khách hàng dễ “sa” vào những lời “mời chào” có cánh của các vị “bác sĩ Online” về sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Khi mua phải sản phẩm không đạt được yêu cầu về chất lượng hay sử dụng phải dịch vụ chưa được cấp phép từ các cơ sở trên, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, khách hàng cũng vô cùng khó khăn khi đòi hòi quyền lợi chính đáng của mình. Bởi “bác sĩ Online” thường chỉ quan tâm đến “lợi nhuận” và “doanh số” mà thôi.

Tất nhiên, người viết cũng không có ý đánh đồng tất cả các bác sĩ đang khám chữa bệnh Online vì trên thực tế, có rất nhiều trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe Online làm việc vô cùng tâm huyết và hiệu quả.

Đáng trách ở đây là những người thiếu chuyên môn hay những nhân viên tư vấn, "đội mác" để trục lợi trên bệnh tật và nguyện vọng của người bệnh.

Trong bức thư gửi cho cán bộ ngành Y tế ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật, và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Thực hiện những lời dạy của Người đó chính là thực hiện y đức.

Trong lời thề Hippocrates mà tất cả những hững bác sĩ khi tốt nghiệp đại học đều phải tuyên thệ, có đoạn: “Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến; nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp và của nhân dân”.

Vậy nên, hỡi những “Bác sĩ Online” đang ngày đêm “cào bàn phím”, “tư vấn nhiệt tình”, dù có được đào tạo chính quy hay không, trước khi “làm kinh doanh”, các anh chị hãy “làm y tế”. Hãy để bệnh nhân, khách hàng đến với các anh chị bởi sự tin tưởng vào uy tín chứ không phải vì những lời quảng cáo “đường mật”.

Xin đừng để “y đức” bị che mờ bởi hai chữ “doanh thu”!

Thanh Anh

Nguồn: Khỏe 365

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-lam-van-duc-hai-chu-y-duc-hoi-nhung-bac-si-online-a264561.html