+Aa-
    Zalo

    Giật mình trước mánh khóe tinh vi “biến thịt lợn thành thịt bò”

    ĐS&PL (ĐSPL) - Hàng chục năm nay, các lò mổ đã dùng thủ đoạn tinh vi để hô “biến thịt lợn thành thịt bò”.
    (ĐSPL) - Hàng chục năm nay, các lò mổ đã dùng thủ đoạn tinh vi để hô “biến thịt lợn thành thịt bò”.
    Với mánh khóe đó, một số người người tiêu dùng hàng ngày khi mua phải loại thịt này vẫn tưởng ăn thịt bò mà không hề hay biết được đó chỉ là những miếng thịt được làm giả từ thịt lợn…
    Các lò mổ và thương lái đã tạo thành một chuỗi liên kết tinh vi hòng bắt tay nhau để lừa đảo, móc túi người tiêu dùng. Để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện này, nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc điều tra để lật tẩy thủ đoạn kiếm lời bất chính… biến thịt lợn thành thịt bò”.
    Lật tẩy mánh khóe “biến thịt lợn thành thịt bò”
    Những miếng thịt bò này không chừng được "hô biến" từ lợn quá date.
    Kỳ 1: Muốn mua bao nhiêu cũng có!
    Trong một lần tôi ngồi quán bia hơi vỉa hè với mấy ông bạn, tình cờ tôi được nghe câu chuyện về một nơi chuyên sản xuất thịt “bò giả” tiêu thụ vào Hà Nội của một tiểu thương. Khi đó, ở bàn kế bên có ông gọi một đĩa thịt bò xào nhưng đã bị ông bạn ngồi cạnh can ngăn. Họ tranh luận qua lại mấy lần thì tôi mới hiểu họ đang nói tới một loại thịt bò giả. Giật mình sửng sốt, tôi với cốc bia sang ngồi “hóng” chuyện. Trước đây, tôi chỉ nghe bà vợ ở nhà tôi hay kêu ca là đi chợ mua phải thịt bò tiêm nước, giờ thì lại là chuyện thịt bò giả hẳn. Theo như lời kể của ông bạn đó thì, loại “thịt bò” này được làm giả từ thịt lợn được đưa vào các quán ăn phở bò, quán ăn hay trà trộn với thịt bò bày bán ở chợ. Với chiêu trò dùng loại thịt “bò giả” này thì lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi mà người dùng không thể biết được. Vậy loại thịt bò giả này có xuất xứ từ đâu? Nó được tuồn vào Hà Nội thế nào? Trong vai một khách lái buôn mới vào nghề, chúng tôi đã dần bóc mẽ ra chân tướng của sự việc…
    Truy tìm nguồn gốc thịt bò giả
    Từ câu chuyện kể của ông bạn (thực chất là một tay “đồ tể” chính hiệu) thì loại thịt bò này có được xuất phát từ huyện Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên. Nó được làm giả rất nhiều, cả một làng chuyên làm giả chứ không riêng gì vài cơ sở nhỏ lẻ. Cuộc hành trình đầy bí mật của nhóm phóng viên về huyện Mỹ Hào để truy tìm nguồn gốc loại thịt bò giả này.
    Nhóm phóng viên chúng tôi xuất phát từ trung tâm Thủ đô Hà Nội đi tới Mỹ Hoà… Vừa đặt chân đến địa bàn được cho là “thủ phủ” của làng thịt bò giả này, chúng tôi rẽ vào một quán nước ven đường thuộc thị trấn Mỹ Hào dò hỏi chuyện về nơi nơi “sản xuất” ra loại thịt bò giả. Theo quan sát ban đầu của PV thì những người bán quán nước cũng rất tỉnh táo đề phòng. Nhưng khi chúng tôi nói là những anh lái buôn mới vào nghề lại có ít vốn muốn kiếm ăn nhanh, tạo được niềm tin ban đầu họ mới dần hé lộ. Theo chủ một quán nước thuộc xã Phan Đình Phùng thì: “Thịt bò giả chỉ có ở thôn Lọ (Lỗ Xá), thuộc xã Nhân Hòa bên cạnh. Ở đó thấy nói là làm giả thịt bò nhiều năm nay rồi, nghe đâu là toàn từ thịt lợn, trước kia họ cũng có bày bán loại thịt này ở gần đây nhưng giờ không thấy bán nữa”.
    Trong vai một người đi tìm “nguồn hàng thịt bò”, khi ghé vào một quán ăn ngay cạnh chợ Dầm thuộc làng Lỗ Xá, sau một hồi ngỏ ý muốn mua loại thịt “bò giả” này để bán và nhập cho các quán ăn, chủ quán tên Hương, còn khá trẻ hồ hởi nói: “Chú muốn mua giả bò ( thịt lợn giả bò-PV) thì tôi giới thiệu cho, cậu em chồng nhà tôi chuyên về loại “giả bò”, nó tên Hiến toàn đi giao loại thịt này mấy năm nay rồi”.
    Lật tẩy mánh khóe “biến thịt lợn thành thịt bò”
    Các loại lợn sề được tập trung về Lỗ Xá để chế biến thành thịt bò giả.
    Như là có mối thân quen với tôi từ trước rồi đó, chị ta còn thuyết minh về loại thị bò giả liền một mạch mà không mảy may nghi ngờ: “Chú không biết đấy thôi, ở đây nhiều người làm thịt lợn giả bò lắm, cả làng này sống về nghề mổ lợn mà. Thịt bò giả chủ yếu là lấy trực tiếp ở các lò mổ thôi, còn ở chợ này thì sáng ra chỉ có một của hàng bán nhưng chợ họp sớm lắm, từ 4 rưỡi đến 5 giờ sáng là hết thịt rồi. Chú muốn mua “giả bò” cũng không có mà mua ở chợ đâu, mà phải điện đặt hàng trước thì mới mua được”.
    Anh cứ yên tâm nó giống y như thật!
    Trong lúc đang trò chuyện với chủ quán tên Hương về loại thịt bò giả này thì Hiến, một thanh niên còn khá trẻ chính là đầu mối “thịt bò giả” được chủ quán giới thiệu lúc nãy đi đến. Không giống như bà chị của mình. Sau một hồi dò xét kỹ lưỡng “tại sao anh lại biết đến đây để mua thịt bò giả”, khi chắc chắn là khách muốn mua thật thì Hiến mới hết cảnh giác.
    Theo lời Hiến bao biện thì “thịt bò giả này không phải là thịt lợn mà là thịt bò lai”. Nhưng khi thấy khách đã biết được mánh khóe thì Hiến mới thành thực: “Nếu anh đã biết rồi thì em cũng không giấu làm gì. Loại “thịt bò” này được làm từ những con lợn sề nuôi lâu năm đã hết “date” (lợn sề nuôi già, không còn khả năng sinh sản nữa)”. Về chất lượng thịt thì có nhiều loại theo Hiến nói: “Với những loại thịt giả bò “tuyển” nhìn giống như đúc, nếu trong nghề mà không bảo trước thì cũng không thể phát hiện được giá loại này từ 125-135 kg. Còn những loại giá rẻ hơn  cũng có và tùy theo chất lượng từng loại thịt”.
    Khi tôi hỏi Hiến về một số đầu mối giao thịt bò giả này ở Thủ đô thì anh ta cho biết: “Em giao rất nhiều ở trong khu vực nội thành cho các quán phở, quán ăn từ mấy năm nay, nhiều nhất là trong nội thành Hà Nội. Loại thịt này anh cứ yên tâm là mùi vị và độ dai của thịt không khác thịt bò này là bao, ở đây người ta vẫn ăn hằng ngày”. Và để phụ họa cho “chất lượng” của loại thị bò giả này chủ quán Hương nói: “Em cứ yên tâm, gia đình chị ăn suốt mà, không thể nào biết được vì nó ăn ngon, vị đậm đà như thịt bò, không chê vào đâu được”.
    Hiến còn “cẩn thận” hỏi: “Anh lấy về bán hay về để nhập cho các nhà hàng? Dù anh bán hay giao cho các nhà hàng cũng cứ yên tâm vì nó giống như thật ấy mà”. Và Hiến cũng cho biết thêm  là ở các đám cưới xin, ma chay loại thịt này được dùng nhiều nhất. Có đám đầu mối còn dùng nguyên loại thịt bò giả này để làm thực phẩm kiếm lời.
    Lấy lý do là muốn thử loại thịt bò này trước một ít xem chất lượng thế nào, Hiến nói: “Bây giờ không có thịt, em sẽ để cho anh nửa cân vào sáng mai anh cứ mang về dùng thử và bán thử đi, sẽ ổn thôi rồi anh muốn đặt bao nhiêu em cũng có. Kể cả anh muốn lấy vài chục cân hay vài tạ em cũng đáp ứng được, chỉ cần anh điện cho em vào tối hôm trước là em sẽ chuẩn bị đầy đủ “hàng” cho anh không thiếu một cân. Nếu anh lấy từ chục cân trở lên thì em sẽ cho người tìm đến nhà anh trước, sau đó anh cứ đặt hàng là nhân viên sẽ mang đến tận nhà giao cho anh. Lên đó em cũng sẽ tìm thêm mối giao để tiện chuyến luôn”.
    Sau khi hứa hẹn “lấy nửa cân dùng thử trước” và muốn tham khảo giá loại “thịt bò” này nữa nên phóng viên hẹn Hiến, trao đổi số điện thoại và nói là là sẽ liên lạc lại sau.
    Cảm giác chưa yên tâm với đầu mối này, PV tiếp tục dò hỏi và được vợ chồng chủ một chủ cây xăng ở làng Lỗ Xá cho biết: “Chú muốn lấy giả bò chứ gì, tôi cho chú số điện thoại của chủ lò mổ ở đây, muốn lấy bao nhiêu cũng có, vài tạ cũng không khó…”. Một bí mật mới lại được phóng viên tiếp cận…
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-truoc-manh-khoe-tinh-vi-bien-thit-lon-thanh-thit-bo-a31134.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan