+Aa-
    Zalo

    Nghi án tiếp viên hàng không Việt Nam tiêu thụ đồ ăn cắp tại Nhật

    ĐS&PL (ĐSPL) - Mới đây, báo chí Nhật Bản đưa tin một thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines bị cảnh sát nước này tình nghi mua hàng mỹ phẩm và quần áo từ một đường dây trộm cắp ở Nhật.

    (ĐSPL) - Mới đây, báo chí Nhật Bản đưa tin một thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines bị cảnh sát nước này tình nghi mua hàng mỹ phẩm và quần áo từ một đường dây trộm cắp ở Nhật.

    Dẫu sự việc đang dừng lại ở mức nghi vấn nhưng một lần nữa, người Việt lại trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài. Đây không phải lần đầu, nhân viên của Vietnam Airlines bị vướng vào tai tiếng tiếp tay cho hành vi buôn bán hàng lậu.

    Nghi án tiếp viên hàng không Việt Nam tiêu thụ đồ ăn cắp tại Nhật
    Hình ảnh đẹp rạng ngời của nữ tiếp viên hàng không Việt Nam sẽ đẹp hơn nếu không dính vào những nghi án tai tiếng - (Ảnh minh họa).

    Người Việt xấu xí...

    Theo thông tin trên tờ Sankei Shimbun của Nhật ngày 27/2, vào tháng 12/2013, cảnh sát Nhật đã bắt giữ 4 thanh niên Việt Nam ăn cắp mỹ phẩm ở Tokyo và gửi số đồ bất chính này theo đường bưu điện cho một người phụ nữ khoảng 30 tuổi. Cảnh sát Nhật tình nghi người phụ nữ này thuộc phi hành đoàn của VNA vì số hàng ăn cắp được gửi đến một khách sạn gần sân bay Narita, nơi dừng chân của đoàn. Số hàng ăn cắp bao gồm sản phẩm của các thương hiệu mỹ phẩm Shiseido và quần áo Uniqlo. Nhóm thanh niên bị bắt có độ tuổi còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 nhưng từng thực hiện nhiều phi vụ trộm hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo.

    Tuy nhiên, ngày 3/3, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Tổng công ty hàng không Vietnam Airlines (VNA-PV) khẳng định, cho đến nay, không có thành viên nào của phi hành đoàn VNA bị tạm giữ để điều tra trong vụ án mà báo chí Nhật đã đưa tin. VNA vẫn chưa nhận được yêu cầu hợp tác điều tra chính thức từ cơ quan chức năng Nhật Bản. Nếu sự việc liên quan đến tiếp viên VNA, cảnh sát Nhật có thể làm việc trực tiếp với văn phòng VNA tại Nhật, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật hoặc Interpol. Dẫu vậy, đây không phải lần đầu VNA dính phải tai tiếng có liên quan đến việc buôn bán hàng lậu. Trước đây, trên chuyến bay VN106, một tiếp viên phó của VNA bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S từ Pháp về Việt Nam.

    Ngay khi phát hiện vụ việc, VNA đã đình chỉ bay đối với tiếp viên này để cơ quan công an tiến hành làm rõ vi phạm. Có vẻ như, những biện pháp cứng rắn của VNA vẫn không đủ để ngăn chặn lòng tham của nhân viên. Ông Lê Trường Giang cho biết, VNA quy định thành viên phi hành đoàn làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa ưu tiên nội bộ nhưng vẫn phải thực hiện soi chiếu hải quan như hành khách thông thường. Và 100\% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ.

    Tuy nhiên, khi kết thúc chuyến bay, tổ tiếp viên có thể kéo vali rời máy bay. Theo quy định, hàng hóa ký gửi của chuyến bay phải thực hiện kiểm tra hải quan 100\% mới được chuyển ra băng chuyền trả hành khách, còn hàng xách tay sẽ được kiểm tra ngẫu nhiên. Và lợi dụng kẽ hở này, tiếp viên đã buôn lậu các mặt hàng mang lại lợi nhuận lớn. Dù cho nhân viên ngành hàng không có thu nhập khá cao, nhưng vì lòng tham không ít người vẫn cố tìm mọi cách để tuồn hàng lậu về Việt Nam.

    Biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt trên đất Nhật

    Theo ông Lê Trường Giang, mỗi ngày VNA có 6 chuyến bay sang Nhật. Mỗi thành viên trong phi hành đoàn được phép đem theo một hành lý xách tay và 1 vali hành lý ký gửi không quá 32kg và vẫn phải thực hiện soi chiếu hải quan như hành khách thông thường. Trong quy chế nội bộ, đoàn bay và đoàn tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu trong quá trình làm việc. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động.

    Mọi chuyện vẫn chỉ đang dừng ở mức nghi vấn, khi không có tên tuổi của một nhân viên VNA nào bị nêu đích danh trên truyền thông. Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng đây không phải chuyện gì quá xa lạ, hay một sự vu khống không có căn cứ. Anh Nguyễn Thanh Duy, người đang sinh sống, học tập tại Nhật Bản cho biết, các sản phẩm mang thương hiệu Nhật như mỹ phẩm, đồ điện, quần áo thời trang... lâu nay vẫn được ưa chuộng tại Việt Nam nên chuyện người Việt buôn lậu các mặt hàng này diễn ra khá phổ biến. Bán hàng lậu lại có mức lời cao do không phải chịu thuế. Tại một số siêu thị ở Nhật, có đôi lần vẫn thấy những tấm biển cảnh báo cấm ăn cắp hàng hóa treo bằng tiếng Việt. Bởi số người Việt ăn cắp đồ tại siêu thị chiếm tới 40\% những vụ người nước ngoài ăn cắp tại đây (theo nguồn của cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết).

    "Là một người Việt, nhiều khi tôi thực sự cảm thấy xấu hổ và mất tự tin khi bước vào siêu thị tại Nhật có treo những biển cảnh báo đó. Người Nhật sống khá nguyên tắc, uy tín, có trách nhiệm cao với tinh thần của những võ sĩ đạo, họ không đánh đồng tất cả mọi người với nhau, nhưng bản thân tôi vẫn thấy khó đối diện. Bởi sống tại nước ngoài, thì mình chính là đại diện cho  hình ảnh của nước mình rồi. Những người Việt ăn cắp đồ tại Nhật đủ các thành phần, từ người xuất khẩu lao động đến những du học sinh", anh Duy phát biểu.

    Chuyện dân thường người Việt bị bắt vì ăn cắp đồ tại nước ngoài đã đáng xấu hổ. Và càng đáng lên án hơn nếu chuyện trộm đồ xảy ra ở những người là đại diện cho hình ảnh đẹp của đất nước, xuất hiện, giao lưu với các nước bạn trên những chuyến bay đi khắp nơi của thế giới. Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thị Nhung, công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhận định: Một bộ phận rất nhỏ người Việt ăn cắp đồ tại nước ngoài, nhưng luôn bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ, bởi họ đang làm xấu đi hình ảnh người Việt trên trường quốc tế, đặc biệt nếu họ lại là những tiếp viên của hãng hàng không quốc gia. Khi bạn khoác trên người bộ đồng phục đẹp của ngành, lưu trú tại khu dành riêng cho phi hành đoàn Việt Nam tại các sân bay của quốc tế, thì bạn đang là hình ảnh đại diện mạnh mẽ nhất cho quốc gia. Vì món lợi trước mắt, chúng ta đang đánh mất đi những thứ lớn hơn rất nhiều lần cái vali hàng xách tay ăn cắp kia, mà thời gian để xây dựng không chỉ tính bằng năm tháng, tiền của, mà bằng công sức của bao thế hệ".

    Ngành hàng không nên dạy lại đạo đức cho nhân viên

    Nhận định về thực trạng này, GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa-Du lịch cho biết: "Buôn lậu qua đường hàng không không chỉ khiến Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đau đầu. Tuy nhiên, người trong ngành hàng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham gia, tiếp tay cho buôn lậu thì cần nghiêm túc xem xét lại tính kỷ cương của ngành. Ngành hàng không nên chấn chỉnh và dạy lại đạo đức của nhân viên trong ngành. Những sai lầm và tham lam nhỏ nhặt đang bôi xấu uy tín của ngành hàng không Việt Nam nói riêng. Hình ảnh người Việt ngày càng xấu xí là chuyện chung cần phải bàn".

    Ngọc Lài - Lam Giang

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-an-tiep-vien-hang-khong-viet-nam-tieu-thu-do-an-cap-tai-nhat-a24250.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan