Những huyền thoại Săn bắt cướp ở Sài thành


Thứ 4, 26/11/2014 | 02:03


Sau huyền thoại Săn bắt cướp (SBC) Sài Gòn Lý Đại Bàng qua đời năm 2010, nay cựu đội trưởng SBC Võ Tấn Thành, một huyền thoại lớp đàn anh, cũng vừa khuất núi

Sau huyền thoại Săn bắt cướp (SBC) Sài Gòn Lý Đại Bàng qua đời năm 2010, nay cựu đội trưởng SBC Võ Tấn Thành, một huyền thoại lớp đàn anh, cũng vừa khuất núi hôm 23/11, để lại bao tiếc nhớ và ngưỡng phục trong lòng đồng đội và người dân TP.HCM.

Người tiên phong

Nếu Lý Đại Bàng (sinh 1960, mất 2010) nổi danh huyền thoại SBC hồi thập niên 80 thế kỷ trước khi đầu quân làm trinh sát, rồi trở thành đội trưởng SBC Q.5, thì đại úy Hai Thành, tên thân mật của Đội trưởng SBC đầu tiên của Công an TP.HCM Võ Tấn Thành (sinh 1936), thực sự là bậc đàn anh bởi tuổi đời lẫn tuổi nghề.

Tin tức - Những huyền thoại Săn bắt cướp ở Sài thành

Huyền thoại SBC Võ Tấn Thành hồi còn trẻ, khi ông nắm giữ cương vị đội trưởng 1 trong 5 đội SBC của công an TP.HCM thì đàn em của ông, huyền thoại SBC Lý Đại Bàng, mới đầu quân làm trinh sát cho đội SBC Q.5.

Gốc người Bến Tre, năm 11 tuổi thiếu niên Hai Thành đã dũng cảm ném lựu đạn vào tàu Tây rồi tham gia du kích. 4 năm sau, khi tròn 18 tuổi, chành thanh niên Hai Thành vào bộ đội, đầu quân vào đơn vị oai hùng, huyền thoại mà người dân không xa lạ gì với bài hát “Tiểu đoàn 307” (nhạc Nguyễn Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính).

Năm 1960, khi Lý Đại Bàng cất tiếng khóc chào đời tại Củ Chi thì quân nhân Hai Thành đã chính thức trở thành chiến sĩ công an tại Trường Công an Trung ương khi được tổ chức điều động tập kết ra Bắc.

Sau ngày giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, đại úy Hai Thành được giao nhiều trọng trách quan trọng trong lực lượng công an TP.HCM: Đội trưởng Đội chấp pháp Phòng cảnh sát hình sự kiêm Bí thư chi bộ. Sau này, khi đội SBC của lực lượng công an TP.HCM hoạt động, ông cùng từng nắm giữ vị trí đội trưởng và kiến tạo hàng loạt chiến công lẫy lừng.

Đại úy Hai Thành cùng các đồng đội (kể cả trước khi thành lập lực lượng SBC) đã lập nhiều chiến công xuất sắc, chấn động dự luận như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án Thanh Nga, vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, điều tra vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng, phá các băng cướp có súng như băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, băng cướp Thái Lập Thành, băng Bông Hồng Trắng, truy bắt các tên cướp khét tiếng Điềm Khắc Kim, Tín Mã Nàm (vụ án Mã Ngưu)…

Những huyền thoại Săn bắt cướp ở Sài thành

Một số thành viên nòng cốt của lực lượng tinh nhuệ SBC chụp hình kỷ niệm cùng Giám đốc công an TP.HCM thời bấy giờ, tướng Mai Chí Thọ.

Ngày xưa có SBC…

Một thời ở Sài Gòn-TP.HCM, người dân từng chứng kiến những chiến sĩ SBC rạp mình trên xe 67 truy đuổi kẻ cướp, đấu súng như phim cao bồi, đấu võ như phim kiếm hiệp. Những ấn tượng ấy, với những ai từng chứng kiến, tạo nên sự ngưỡng phục khó phai.

Sau ngày thống nhất, tình hình an ninh trật tự tại Sài Gòn rối bời với hàng loạt vụ cướp táo tợn. “Cần phải có một lực lượng tinh nhuệ chống cướp giật, giữ trị an” - tập thể lãnh đạo công an TP.HCM thời bấy giờ thống nhất cao với nhận định này.

Từ quyết tâm đó, tháng 3/1978, công an TP.HCM “chào sân” 5 đội SBC, viết tắt cụm từ săn bắt cướp, thuộc quyền quản lý của Phòng cảnh sát hình sự công an TP.HCM. Lực lượng SBC thời mới thành lập có 72 “cao thủ” bắn súng, đánh võ, chạy xe, tinh nhạy nhất được tuyển chọn trong toàn bộ nhân sự công an TP.HCM.

Thật ra, mô hình lực lượng tinh nhuệ SBC đã được công an Q.5 lập ra trước đó, và công an TP.HCM thấy được tính hiệu quả nên nhân rộng mô hình. SBC Q.5 từ đó cũng nhập chung vào thành 5 đội SBC của toàn địa bàn, chịu sự chỉ đạo của trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này trở thành thiếu tướng), được dẫn dắt bởi tổng đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung, một cựu trinh sát biệt động Sài Gòn khét tiếng). Lúc này, đại úy Hai Thành nắm giữ vai trò thủ lĩnh một trong 5 đội SBC.

Những huyền thoại Săn bắt cướp ở Sài thành
Xe 67 xoáy nòng chỉ cần gài số, hạ chống cho bánh lăn là máy nổ, "chiến mã" giúp lực lượng SBC truy đuổi trấn áp tội phạm bảo vệ dân lành.

Thời này, SBC đã tuyển mộ những tên tuổi sau này trở thành huyền thoại như Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc… trong đó, Lý Đại bàng trở thành đội trưởng một trong 5 đội SBC khi ở tuổi 24. “Luật” của “binh chủng” SBC ngay từ khi ra đời được lãnh đạo công an TP.HCM thông qua, quy định như sau: “Trinh sát SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy hết tốc độ (thời kỳ ấy là xe S.67 xoáy nòng. Khi thi hành công vụ, trinh sát SBC được đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Gặp đối tượng bị truy nã không đầu hàng, sau hai phát súng cảnh cáo, trinh sát SBC được phép bắn đối tượng”.

Lực lượng tinh nhuệ SBC được giải tán vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Sau khoảng 12 năm trấn áp tội phạm xuất sắc đến mức “không chê vào đâu” được và đi vào không ít tác phẩm văn học, phim truyện, các chiến sĩ SBC rời cương vị, trở thành lãnh đạo ngành công an các quận/huyện của TP.HCM vốn đã an bình hơn xưa rất nhiều.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-huyen-thoai-san-bat-cuop-o-sai-thanh-a70938.html