Ông Trần Văn Truyền thực sự có bao nhiêu căn nhà?


Thứ 2, 24/11/2014 | 03:09


Cùng sự kiện

(ĐSPL)- Ngoài 1 căn nhà tại TP HCM và 1 thửa đất tại Bến Tre bị yêu cầu thu hồi, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền còn có nhiều căn nhà, biệt thự hoành tráng khác.

(ĐSPL)- Ngoài 1 căn nhà tại TP HCM và 1 thửa đất tại Bến Tre bị yêu cầu thu hồi, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền còn có nhiều căn nhà, biệt thự hoành tráng khác.

Như tin tức đã đưa, ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo nội dung thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, căn nhà của ông Truyền bị yêu cầu thu hồi có địa chỉ tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM.
Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất, để xin thuê nhà tại thành phố và đã được UBND TP giải quyết cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, quận Phú Nhuận.
Tin tức - Ông Trần Văn Truyền thực sự có bao nhiêu căn nhà?

Biệt thự của gia đình ông Trần Văn Truyền ở Bến Tre được xây dựng trên diện tích hơn 16.000m2.

Đến tháng 3/2011, ông Truyền làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TP HCM  bán căn nhà này cho mình và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên. Sau đó các cơ quan chức năng của TP HCM  đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Huệ. Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông Chuyền là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, Quận 9, TP HCM  là nhà được tặng; con gái ông Chuyền là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại Quận 5, TP HCM.
Trong khi đó, thửa đất của ông Truyền bị yêu cầu thu hồi có địa chỉ tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Thửa đất này ông Truyền được Quân khu 9 cấp vào năm 1992 với diện tích 210 m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2). Việc ông Truyền tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với Quân khu 9, trong khi bản thân ông Truyền không có đơn đề nghị, không có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Sau khi được cấp đất, gia đình có san lấp mặt bằng, làm tường rào nhưng không làm nhà ở mà cho người khác mượn để mở quán bán cơm.
Năm 2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về nhà ở, đất ở. Qua kiểm tra cho thấy, năm 1992, ông Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 lại được tỉnh bán cho căn nhà số 6 Lê Quý Đôn, Phường 1, TP Bến Tre. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên cho Tỉnh đội Bến Tre quản lý, ông Truyền cũng đã có đơn trả lại. Nhưng từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh chưa thu hồi được thửa đất trên, do giữa gia đình ông Truyền và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thống nhất được mức giá đền bù phần chi phí gia đình bỏ ra để san lấp mặt bằng và làm tường rào.
Trong khi chưa giải quyết dứt điểm, thì đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép.
Ngoài 4 căn nhà và thửa đất (gồm 1 căn nhà và 1 thửa đất bị yêu cầu thu hồi, 2 căn nhà do vợ và con gái đứng tên nói trên), nguyên Tổng thanh tra Chính phủ và gia đình còn sở hữu nhiều căn nhà, biệt thự khác.
Đó là căn nhà tại số 6 Lê Quý Đôn, Phường 1, TP Bến Tre và đặc biệt là biệt thự hoành tráng tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre khiến dư luận xôn xao suốt thời gian qua.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ năm 2009 - 2010, con trai ông Truyền là Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh mua gom đất của 4 hộ dân (với 8 thửa liền kề), diện tích 16.567,4m2, tổng số tiền theo hợp đồng là 1,43 tỷ đồng (ngoài ra còn 1 lô đất gần 8.000 m2 của con gái ông là Trần Thị Ngọc Huệ mua, nhưng chưa sử dụng).
Tháng 12/2012, căn cứ đơn đề nghị của ông Trần Hoàng Anh, UBND TP Bến Tre cấp phép xây dựng nhà cho ông Trần Hoàng Anh với diện tích xây dựng tầng trệt 441,71 m2; tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; công trình có 3 tầng với chiều cao là 19,96m. Tháng 5/2014, UBND Thành phố Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh.
Ông Truyền có báo cáo giải trình về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng đồng chí dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, Quận 9, TP HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này.
Mặc dù việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật, song Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
Xem video:
Ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu 3 năm mới trả nhà công vụ
Ngoài những căn nhà, biệt thự kể trên, ông Truyền còn sở hữu nhà công vụ tại
số 61, đường Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội suốt 3 năm sau khi nghỉ hưu. Ông chỉ chịu trả lại Nhà nước căn hộ tại đây vào đầu năm 2014, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-tran-van-truyen-thuc-su-co-bao-nhieu-can-nha-a70294.html