Phát ngôn "sốc": Chưa có lực lượng nào "nghèo, khổ" như QLTT


Thứ 3, 11/11/2014 | 01:48


(ĐSPL) - Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương gây "sốc" khi phát biểu rằng, chưa có lực lượng nào "nghèo, khổ" như quản lý thị trường mà lại "mang tiếng" trong công tác chống buôn lậu.

(ĐSPL) - Mới đây, tại cuộc tọa đàm tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương gây "sốc" khi phát biểu rằng, chưa có lực lượng nào "nghèo, khổ" như quản lý thị trường mà lại "mang tiếng" trong công tác chống buôn lậu.

Theo vị này, sở dĩ buôn lậu, hàng nhái tràn lan là do chính sách bất cập và người dân ham rẻ, nhận thức cộng đồng kém...

Trao đổi với PV, không ít chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng hàng lậu tràn lan trên thị trường hiện nay là do một phần quản lý yếu kém, cũng như tiêu cực của một bộ phận lực lượng QLTT.

Tin tức - Phát ngôn 'sốc': Chưa có lực lượng nào 'nghèo, khổ' như QLTT

Từ trước đến nay, báo chí đưa tin không ít các vụ việc cán bộ ngành quản lý thị trường nhận hối lộ. (Ảnh minh họa).

"Nghèo khổ" quá, khó chống buôn lậu (?!)

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng, cục Điều tra chống buôn lậu, phụ trách Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, những năm qua, buôn lậu đã trở thành "quốc nạn" và là một cuộc chiến cực kỳ cam go. ông Cẩn thừa nhận, thực tế kết quả công tác chống buôn lậu đạt chưa được như kỳ vọng.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng, thời gian qua, có quá nhiều bất cập trong chỉ đạo ngành. Thực sự, công tác chống buôn lậu chưa có sự thống nhất giữa các lực lượng do lực lượng mỏng và quá phân tán. "Chưa có lực lượng nào "nghèo, khổ" như QLTT mà lại bị mang tiếng. Chính phủ đã có sự sẻ chia, thấu hiểu những gian khổ, khó khăn của lực lượng này. Từ đó có sự quan tâm đến lực lượng QLTT hơn, nghèo, khổ quá khó có thể chống được buôn lậu. Chỗ ở của cán bộ QLTT hầu hết phải đi thuê, rất hiếm đội có ô tô và lại là xe cũ...", Cục phó cục QLTT chia sẻ.

Nhiều chuyên gia lo ngại, trong khi lực lượng QLTT ra quân hàng tuần, hàng tháng nhưng người dân cứ bước chân ra cổng là gặp hàng giả, hàng nhái. Chưa nước nào hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai như ở Việt Nam. Nói về việc nhiều trường hợp QLTT biết mà cố tình làm ngơ cho hàng lậu, ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng, QLTT là một trong những lực lượng xung kích chống buôn lậu. Tiêu cực không chỉ riêng ở QLTT mà ngành nào cũng có. Tuy nhiên, những tiêu cực chỉ là một phần quá nhỏ so với thành tích của QLTT đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nguyên nhân của việc hàng giả tràn lan là do người tiêu dùng ham rẻ, nhận thức cộng đồng còn yếu...

Đầu tháng 10 vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Hàng giả, hàng lậu đã tác động xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh, gây thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan, công khai tại các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ".

Theo Phó Thủ tướng, một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này, đó là một bộ phận cán bộ, công chức QLTT thiếu trách nhiệm, thiếu rèn luyện dẫn đến bảo kê, tiếp tay cho các hoạt động trái pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo cơ quan Quản lý thị trường chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, chưa đề cao vai trò trách nhiệm. Cơ chế xác định trách nhiệm chưa rõ ràng nên việc xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu không kịp thời...

Không thể chấp nhận được!

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (gọi tắt là ban chỉ đạo 127) ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc QLTT than "nghèo", kể "khó" đã trở thành "điệp khúc" mỗi khi hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường. Họ hết kêu quân số mỏng, phương tiện thiếu thì nay lại đưa ra cái lý do người tiêu dùng ham rẻ, nhận thức cộng đồng yếu... "Tôi nói rằng, đây là những lý do khó có thể chấp nhận được. Bởi nếu QLTT làm tốt nhiệm vụ của mình, quét sạch hàng lậu, hàng giả thì dù người dân ham rẻ, có muốn cũng không mua được. Trước hết, họ nên tự trách mình trước khi nói đến trách nhiệm của người khác", ông Phú thẳng thắn.

Ông Vũ Vinh Phú cho biết thêm, lực lượng QLTT luôn nói thiếu người trong công tác chống buôn lậu. Tuy nhiên, ai thống kê được có bao nhiêu cán bộ quản lý thị trường, bao nhiêu công an chống buôn lậu, bao nhiêu cán bộ hải quan đang thực hiện công việc này. Từ trước đến nay, báo chí đưa tin không ít các vụ việc cán bộ ngành QLTT nhận hối lộ.

Cách đây mấy năm, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã khám xét và phát hiện 4 cán bộ QLTT số 16 nhận hối lộ để làm ngơ cho một doanh nghiệp vi phạm quy chế nhãn hàng hóa. Hay năm 2011, nguyên đội trưởng và đội phó đội quản lý thị trường số 31 (địa bàn Phú Xuyên, Hà Nội) bị bộ Công an bắt giam vì hành vi ép chủ hàng chở dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm tóc... không rõ xuất xứ đưa 60 triệu đồng.

Năm 2013, bốn cán bộ thuộc Chi cục QLTT Nghệ An cũng bị bắt vì hành vi nhận hối lộ. Khi phát hiện ra xe vận chuyển động vật trái phép, các cán bộ này đã "ra giá" 35 triệu đồng với chủ hàng. "Tôi không phủ nhận những thành tích mà QLTT làm được. Tuy nhiên, phải nói rằng, không ít cán bộ trong ngành thoái hóa, biến chất làm ngơ, thậm chí là bảo kê cho kẻ gian là nguyên nhân dẫn đến việc hàng lậu tràn lan như hiện nay.

Chính vì thế, lãnh đạo ngành này phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những "con sâu" đang tiếp tay cho buôn lậu. Tôi đã từng nói với báo chí rất nhiều lần rằng: "Hãy làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Vấn đề hàng lậu không nằm ở việc số lượng người chống buôn lậu mà do chất lượng cán bộ "có vấn đề". Tôi có thể kể ra hàng loạt cán bộ thị trường, hải quan ở các tỉnh biên giới tiêu cực làm ngơ cho buôn lậu. Hay phải chăng, họ "nghèo" quá, "khó quá", "bần cùng" quá nên mới sinh ra tiêu cực, mới làm ngơ cho hàng lậu. Tôi cho rằng, không phải như vậy mà do lòng tham của những con người này quá lớn", nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo 127 nhận định.

Cùng quan điểm, trao đổi với PV, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Trung ương cho rằng, thực tế cho thấy, rất nhiều vụ vận chuyển hàng lậu trái phép từ biên giới chỉ bị phát hiện khi vào sâu trong nội địa sau khi lọt qua các trạm kiểm soát. Thậm chí, không ít trường hợp, báo chí là cơ quan phát hiện ra hàng giả, hàng nhái rồi phản ánh thì QLTT mới biết và vào cuộc kiểm tra, rà soát. Có thể nói, đây là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Tin tức - Phát ngôn 'sốc': Chưa có lực lượng nào 'nghèo, khổ' như QLTT (Hình 2).

TS. Lê Đăng Doanh.

Trao đổi với PV, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH khóa VIII, IX, X, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 khẳng định, muốn phòng chống được tệ nạn buôn lậu, trước hết những cán bộ hải quan, công an, quản lý thị trường phải có "bàn tay sạch". Chúng ta cần phối hợp tốt các lực lượng và giao cho một cơ quan đứng đầu chỉ huy. Khi mà các cơ quan chống buôn lậu lại "dính" đến tiêu cực thì chúng ta có hô hào thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể ngăn được hàng lậu từ nước ngoài "chảy" vào trong nước. Hiện nay, việc chống buôn lậu đang theo kiểu "cha chung không ai khóc", cơ quan này đổ trách nhiệm cho cơ quan kia. Cứ tình trạng này, đến bao giờ chúng ta mới chống được hàng lậu?

Lãnh đạo địa phương chưa làm hết trách nhiệm

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, thực trạng đáng buồn đang xảy ra là chính quyền các địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc chống buôn lậu. "Tôi từng nghe một vị lãnh đạo cấp Bộ nói rằng, nếu phát hiện ra buôn lậu ở đâu thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi chưa từng thấy một vị chủ tịch cấp tỉnh, huyện nào bị cách chức vì để xảy ra tình trạng buôn lậu cả. Phải thật mạnh tay, sẵn sàng xử lý nghiêm những lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thì mới có thể kiểm soát được buôn lậu", ông Phú bình luận.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-ngon-soc-chua-co-luc-luong-nao-ngheo-kho-nhu-qltt-a68299.html