Quan chức về hưu vẫn dùng nhà công vụ: Chây ì có thể cưỡng chế


Thứ 5, 27/03/2014 | 00:03


(ĐSPL) - Theo một con số ước tính, có đến gần 50\% số nhà ở công vụ Hoàng Cầu là của cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu.

(ĐSPL) - Theo một con số ước tính, có đến gần 50\% số nhà ở công vụ Hoàng Cầu là của cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu.

Việc nhà ở công vụ được các quan chức sử dụng sai mục đích không hoàn trả Nhà nước khi đã hết nhiệm kỳ về hưu như cho thuê lại, cho người khác ở, thậm chí là khóa cửa để đấy là điều không hiếm. Điều này khiến dư luận xã hội hết sức bất bình và nhiều người còn nghi ngại rằng có sự cố tình chây ì, lạm dụng tài sản Nhà nước.

Tin tức - Quan chức về hưu vẫn dùng nhà công vụ: Chây ì có thể cưỡng chế
Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu hiện nay có rất nhiều quan chức đã về hưu sử dụng.

Có thể cưỡng chế

Mới đây, bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng nhà ở công vụ có hiệu lực từ ngày 6/3/2014. Đây là thông tư cụ thể hóa Điều 61, luật Nhà ở 2005.

Chỉ nêu một ví dụ: Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, số 61, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội hiện nay có rất nhiều trường hợp cán bộ về hưu vẫn sử dụng. Ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường về hưu năm 2012, có căn hộ 605 - A1, khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu đã trả lời báo giới rằng, không thấy ai tới đòi nhà và có rất nhiều người ở lại như ông. Nếu Nhà nước thu hồi, mọi người trả thì ông cũng sẵn sàng trả. 

Nhiều trường hợp không còn ở nhà công vụ nữa vì đã chuyển về quê hoặc đi nơi khác sinh sống. Nhưng nhà được để lại cho con cháu toàn quyền sử dụng như trường hợp của ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, giữ căn hộ 503 - B1 Hoàng Cầu cho con trai, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên cán bộ cao cấp của văn phòng Chính phủ có căn hộ 302 - B2 cũng giao cho con ở...

Theo một con số ước tính thì có đến gần 50\% số nhà ở công vụ Hoàng Cầu là của cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu.

Xung quanh thực tế này, rất nhiều ý kiến bàn luận tỏ rõ sự bất bình với thực trạng sử dụng nhà ở công vụ hiện nay và hoan nghênh thông tư mới của bộ Xây dựng. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện thông tư đến đâu thì nhiều người quan ngại.

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, bộ Xây dựng thì trước đây đã có những trường hợp không dám thu hồi nhà ở vì tâm lý nể sợ. Tuy nhiên, nếu đã quyết tâm thì dù cán bộ cấp cao đến đâu cũng không có chuyện không trả lại nhà khi đã về hưu.

Cũng theo bộ Xây dựng, việc quản lý nhà ở công vụ từ trước đến nay phát sinh nhiều bất cập do quy định chưa đầy đủ của pháp luật. Việc cho thuê và thu hồi lại nhà khi hết thời hạn chưa được thực hiện nghiêm.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng nhà công vụ trên khắp cả nước nhưng ước tính số nhà ở công vụ thuộc Chính phủ khoảng 200 căn, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. 

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, việc cán bộ về hưu vẫn giữ nhà công vụ là trái luật, nếu không thu hồi được có thể dùng đến biện pháp cưỡng chế. Vì chúng ta có thể cưỡng chế đối với người dân thì không có lý do gì lại không cưỡng chế với những cán bộ về hưu cố tình làm trái luật, không nên vì nể hay vì một mối quan hệ nào đó mà phải quyết tâm làm. 

Không làm nghiêm sẽ ảnh hưởng đến uy tín người cán bộ

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông bày tỏ quan điểm: "Sự đãi ngộ của Nhà nước với cán bộ thể hiện rõ qua việc phân nhà ở công vụ. Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu, người cán bộ phải trả lại vì tài sản của Nhà nước, không phải của một cá nhân nào. Họ không có quyền sở hữu".

Ông Cuông phân tích: Trước khi phân nhà, Nhà nước đã ban hành đầy đủ những quy định cụ thể về vấn đề này. Trước hết, người cán bộ được ở nhà công vụ là những người đã có "tầm cỡ", nghĩa là họ phải có những hiểu biết pháp luật nhất định. Bản thân họ phải gương mẫu và chấp hành nghiêm túc. Những cán bộ chưa chấp hành đúng thì phải xem lại tư cách của chính mình. Còn nếu người cán bộ thực sự có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ có thể trình bày để được giải quyết hợp tình hợp lý.

"Chúng ta cần thấy rõ trách nhiệm của người quản lý trong vấn đề nhà ở công vụ là không cương quyết, không thực hiện đúng theo quy định", ông Cuông cho hay.

Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý nhưng không thực hiện nghiêm mà nể nang, né tránh vì lý do nào đó hoặc là thiếu trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó trước pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm phải tập trung để có một giải pháp xử lý cụ thể, làm gương cho dư luận, làm gương cho những người khác, tránh xử lý không đến nơi đến chốn sẽ tạo thành tiền lệ xấu sau này. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến uy tín của người cán bộ, uy tín của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Bởi họ là những người được Đảng và Nhà nước đề bạt, nhân dân tín nhiệm, nếu không gương mẫu vì bất cứ lý do gì thì không xứng danh, không xứng tầm với chính vị trí mà họ có.

"Chẳng lẽ làm cán bộ  ở một tầm cao, trước khi được bố trí nhà lại không hiểu nội quy quản lý và trong quá trình ở không có một chút hiểu biết về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình?  Người ngoài còn hiểu được, vậy tại sao người trong cuộc lại không? Rõ ràng, các quan chức về hưu đã có sự lạm dụng, tư lợi cá nhân hay chính tư tưởng về hưu không còn gì để mất nên cố tình đánh đổi cả uy tín, danh dự để gây khó khăn cho Nhà nước?", ông Cuông đặt nghi ngại.

Ông Cuông cũng cho rằng, Nhà nước có quyền sở hữu cao nhất với những tài sản công. Nếu cán bộ không trả lại thì phải sử dụng biện pháp chế tài. Pháp luật không trừ một ai, mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, có công thì thưởng, có tội thì phạt. Tài sản của mình, Nhà nước bảo vệ thì cái gì của Nhà nước mình cũng phải bảo vệ và trả lại cho Nhà nước. Tâm lý muốn thì trả, không muốn thì giữ lại là không được.              

Thu hồi nhà theo luật (Điều 14 Thông tư 01/2014/TT - BXD)

Nhà ở công vụ được thu hồi trong các trường hợp sau: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác; Người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà ở công vụ; Người đang thuê nhà ở công vụ bị chết; Người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ mà cơ quan quản lý nhà ở công vụ có quyết định xử lý thu hồi.

Nguyên tắc quản lý quỹ nhà ở công vụ

Theo Điều 61, luật Nhà ở 2005: Nhà ở công vụ phải được sử dụng đúng mục đích và đúng đối tượng. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ. Trường hợp trả lại nhà ở công vụ mà người thuê nhà ở công vụ có khó khăn về nhà ở thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho họ được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, đầu tư xây dựng, quản lý và cho thuê nhà ở công vụ.

Dương Thu

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-chuc-ve-huu-van-dung-nha-cong-vu-chay-i-co-the-cuong-che-a26943.html