Siêu thị lấn sân, tiểu thương bỏ sạp vì chợ hết khách


Thứ 2, 05/05/2014 | 23:58


(ĐSPL) - Hiện nay, các chợ đang mất dần khi hàng loạt những cửa hàng tiện ích, siêu thị mọc lên ngày một nhiều, còn người nghèo thì khó có nơi mua hàng.

(ĐSPL) - Hiện nay, các chợ đang mất dần khi hàng loạt những cửa hàng tiện ích, siêu thị mọc lên ngày một nhiều, còn người nghèo thì khó có nơi mua hàng.

Siêu thị “lấn đất” chợ 

Hiện nay, các siêu thị mọc lên ồ ạt đang khiến số lượng chợ trên địa bàn TP. HCM bị giảm đi rất nhiều. Theo quy hoạch định hướng phát triển chợ, trung tâm thương mại và siêu thị của TP. HCM giai đoạn 2009-2015 của Sở Công thương TP. HCM, tính đến năm 2014 trên địa bàn TP. HCM có 82 siêu thị và dự kiến là sẽ đẩy mạnh lên tới 177 vào năm 2015.

Trong khi đó, số lượng chợ truyền thống từ 300 chợ nay giảm còn 238 (2014) và dự kiến còn 200 chợ vào năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do chợ truyền thống không đủ khả năng cạnh tranh về sự đa dạng mặt hàng, chất lượng hay yếu tố tiện dụng so với các siêu thị.

Thị trường - Siêu thị lấn sân, tiểu thương bỏ sạp vì chợ hết khách

Nhiều tiểu thương phải bỏ sạp, bỏ chợ vì hết khách.


Khu vực chợ An Đông (phường 9, Q.5) xưa kia vào khoảng những năm 1980-2000 làm ăn khá thịnh vượng, buôn may bán đắt. Đây là trung tâm mua sắm với đầy đủ mọi mặt hàng như vải vóc, quần áo cho tới các loại thực phẩm khô…

“Thời điểm đó, người ta chen đi kiếm sạp, kiếm chỗ bán, mọi người đến mua hàng thì nườm nượp”, bà Lâm Huệ Nhi, một chủ sạp lâu năm cho hay. Cũng theo bà, một thời gian sau khi Trung tâm Thương mại An Đông Plaza thành lập, thì lượt khách vào chợ giảm dần đi trông thấy.

Từ năm 2004 tới nay, những sạp hàng bán cùng bà Nhi mười mấy năm lần lượt treo sạp, sang sạp. Tính chí ít, thì cái góc nhỏ của các gian hàng đồ khô cũng đã 10 người nghỉ bán, đó là chưa kể đến những sạp đổi thành “nhà kho”. “Giờ sang sạp chỉ đề làm kho chứa đồ, chứ còn ai thuê mà bán hàng nữa”, ông chủ Lâm nói.

Các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng đa phần là bỏ mối, hoặc bán chợ trời, người mua thì cả ngày có khi không một ai. Các tiểu thương ở đây than phiền rằng có khi ngồi từ sáng tới chiều không có một người khách, hơi may một chút thì kiếm được 50-100.000 đồng. Họ cũng phải cố chịu, vì muốn đi thì cần vốn, mà giờ làm ăn thất bát thế này thì lấy đâu ra, nên cứ phải bám chỗ này được chút nào hay chút ấy.

Tiếp tục tìm hiểu tại  khu vực chợ Bình Dân (số 9, Quang Trung, phường 11, Q. Gò Vấp). Trước kia, nơi đây là chợ và siêu thị cùng hoạt động. Nhưng do không thể duy trì hoạt động vì thiếu kinh phí, ban quản lý đã quyết định bỏ chợ và sát nhập chung thành siêu thị Bình Dân. Siêu thị đang ngày càng được ưa chuộng, còn chợ chỉ để mua mấy thứ lặt vặt, nhanh gọn cho đỡ mất thời gian.

Thị trường - Siêu thị lấn sân, tiểu thương bỏ sạp vì chợ hết khách (Hình 2).

Không còn không gian họp chợ, người dân tràn xuống lòng đường buôn bán gây tắc nghẽn giao thông.

Người nghèo không biết mua hàng ở đâu

“Siêu thị tiện lợi hơn đi chợ rất nhiều, có đủ các loại mặt hàng, không phải mặc cả, sợ mua gian, bán lận”, bà Nguyễn Thị Yến, một nội trợ cho biết. Theo bà Yến, các mặt hàng trong siêu thị đều không quá mắc, lại đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu có vấn đề còn có người chịu trách nhiệm. Còn ở một số chợ đa phần là bán rong, hàng hóa, thực phẩm khó kiểm chứng được thật giả, nên đáng ngại hơn.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà siêu thị đem lại, nhưng đối với đại bộ phận người dân có mức thu nhập dưới trung bình, thì việc mất chợ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới họ. Phần đông dân TP. HCM đều là người nhập cư, điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc mua sắm ở siêu thị rất hạn chế hoặc gần như không có.

“Công nhân chúng tôi lương bèo bọt 3 triệu/tháng, làm tăng ca cả tuần cũng chỉ kiếm thêm được vài trăm, tiền đâu mà đi siêu thị”, chị Nguyễn Như Hiền, công nhân ở khu chế xuất Linh Trung, tâm sự.

Chị cũng nói thêm, muốn đi siêu thị thì phải cầm ít nhất vài trăm đến 1 triệu đồng, coi như đi đứt 1/3 tháng lương. Có khi vài tháng, cả năm tiết kiệm thì mới đi được một lần. Cũng chỉ dám mua mấy đồ lặt vặt và một ít đồ dùng cá nhân, còn đồ ăn thì ra chợ cho rẻ và tiết kiệm thời gian. “Chúng tôi vẫn thích đi chợ hơn, nhanh gọn mà rẻ, lại có nhiều hàng tươi, sống, đồ ăn đa dạng”, bà Linh, người dân cạnh đó nói thêm.

Chính vì mất chợ, không có chỗ mua, mà các chợ tự phát nổi lên, thành vấn nạn gây kẹt xe, cản trở, ô nhiễm, làm khổ bao nhiêu khu dân cư, con phố và trở thành vấn nạn ở những thành phố lớn như TP. HCM. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sieu-thi-lan-san-tieu-thuong-bo-sap-vi-cho-het-khach-a30190.html