+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc di chuyển giàn khoan nhằm mục đích gì?

    ĐS&PL (ĐSPL) - "Về mặt kỹ thuật, có thể Trung Quốc phải thăm dò nhiều điểm mới đánh giá được trữ lượng khai thác, trữ lượng thương mại", Đại tá Lê Văn Vỵ, nguyên Viện phó Viện 70, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng nhận định.
    (ĐSPL)- Về mặt kỹ thuật, có thể Trung Quốc phải thăm dò nhiều điểm mới đánh giá được trữ lượng khai thác, trữ lượng thương mại.
    Đó là nhận định của Đại tá Lê Văn Vỵ, nguyên Viện phó Viện 70, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng khi trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật về động thái di chuyển giàn khoan gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
    Trung Quốc đã nhiều lần di chuyển vị trí giàn khoan Hải Dương 981, ông có nhận xét như thế nào về mục đích của hành động này?
    Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đe doạ trực tiếp đến hoà bình và an ninh biển Đông, vi phạm công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, vi phạm thoả thuận giữa lãnh đạo hai nước và gây rất nhiều hệ luỵ.
    Việt Nam và các nước trong khu vực, các nước trên thế giới bằng nhiều biện pháp đối ngoại, đấu tranh về mặt pháp lý đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay, rút không điều kiện giàn khoan Hải Dương 981.
    Đại tá Lê Văn Vị: “Trung Quốc hoàn toàn không nhân nhượng”
                                              Đại tá Lê Văn Vỵ
    Tuy nhiên, phía Trung Quốc tỏ ra rất manh động, luôn bố trí tàu bảo vệ, tàu quân sự được trang bị rất hiện đại, điều động 1/3 tàu cá có vỏ sắt tạo ra hiện trường vu cáo Việt Nam, thậm chí họ đã đâm chìm tàu cá Việt Nam. Đây là một hành động có chủ tâm sâu xa của Trung Quốc.
    Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau một tháng họ nói rằng hoàn thành giai đoạn 1 và rút ra xa hơn, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
    Về mặt kỹ thuật, theo tôi, Trung Quốc phải thăm dò nhiều điểm mới đánh giá được trữ lượng khai thác, trữ lượng thương mại. Nếu lơ là, mất cảnh giác, nghĩ rằng Trung Quốc di chuyển giàn khoan ra xa là nhân nhượng, thì điều này hoàn toàn không phải.
    Thời gian tới Trung Quốc có thể di chuyển xa hơn, lùi xa hơn, nhưng chừng nào giàn khoan 981 còn nằm trong vùng  đặc quyền kinh tế ở Việt Nam thì chúng ta phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa bằng những biện pháp hòa bình.
    Thời gian qua, Trung Quốc liên tục gia tăng gây hấn, đâm chìm tàu cá, đâm hỏng 24 tàu chấp pháp của Việt Nam song Việt Nam vẫn kiên trì các biện pháp hòa bình. Nhiều ý kiến cho rằng, với những hành động vô nhân đạo, bất chấp pháp luật quốc tế, Trung Quốc đang tự cô lập mình. Ông có đồng tình với nhận định đó?
    Đúng là trong hơn 1 tháng qua chúng ta đã nỗ lực giải quyết tình hình căng thẳng trên biển Đông bằng biện pháp ngoại giao, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả.
    Trung quốc ngày càng manh động hơn, cho 120 – 140 tàu, máy bay bảo vệ xung quanh giàn khoan, ngăn cản tàu cá của ngư dân Việt Nam, tự tạo ra hình ảnh phun vòi rồng lẫn nhau rồi chụp ảnh, quay phim vu cáo Việt Nam.
    Điển hình nhất, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, không cứu vớt người dân, hành vi này là trái pháp luật, trái đạo lý, vô nhân đạo, cả thế giới đều lên án. Việc này càng cho thấy bộ mặt thật của Trung Quốc.
    Trên thế giới, gần đây nhất, Nhóm G7 vừa có tuyên bố lo ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông phản đối việc đòi chủ quyền bằng vũ lực, yêu cầu các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
    Tôi cho rằng Trung quốc cũng sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về phản ứng của khu vực và trên thế giới. Họ đang tự cô lập mình.
    Một thượng tá về hưu của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho rằng việc xây đường băng trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ cho phép Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Điều này nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
    Trung Quốc làm đường băng trên đảo Chữ Thập, đó là căn cứ không quân, căn cứ hải quân và hậu cần. Đây cũng là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi và đặc biệt lưu tâm.
    Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc không thể giải quyết song phương được nữa và Việt Nam nên tiến hành vụ kiện ra tòa quốc tế ngay lúc này, ông nghĩ sao?
    Để kiện Trung Quốc chúng ta phải chuẩn bị hồ sơ thật chi tiết đầy đủ, công tác chuẩn bị phải chu đáo, có đầy đủ tang chứng, vật chứng. Trong đó, vai trò của luật sư và các cơ quan đối ngoại rất quan trọng.
    Việt Nam cần tiếp tục đấu tranh đối ngoại làm cho nhân dân trong nước, nhân dân thế giới và cả nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự sai trái này. Trên mặt trận pháp lý, ta phải chứng minh cho thế giới biết rõ từ mấy trăm năm nay ta có chủ quyền biển đảo trên giấy tờ, trên các văn bản nhà nước. Hoàng Sa của Việt Nam, Hoàng Sa không phải của Trung Quốc. Ta phải đấu tranh rõ ràng đây là quần đảo của Việt Nam, Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm là sai trái hoàn toàn.
    Theo ông, những động thái gần đây của Trung Quốc làm tổn hại lòng tin của các nước láng giềng và gây bất ổn trong khu vực như thế nào?
    Cho đến nay Trung Quốc đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam được hơn một tháng. Đây là một hành động được tính toán kỹ của phía Trung Quốc nhưng nó đang thách thức không những riêng Việt Nam mà đối với cả dư luận trong khu vực và trên thế giới.
    Trung Quốc có tính toán các nước lớn đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây cũng là một lợi thế tạo điều kiện cho Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
    Mặt khác, Trung Quốc hiện nay là một công xưởng của thế giới. Họ sản xuất ra một mặt hàng cho nhiều nơi trên thế giới. Họ tiêu hao năng lượng rất lớn, trong đó, có than đá, dầu khí. Đặc biệt, nhiều năm nay Trung Quốc phải nhập dầu khí, vì vậy con đường đảm bảo nhập khẩu dầu khí, con đường mở rộng khai thác dầu khí, Trung Quốc muốn thoả mãn nhu cầu năng lượng của mình. Trung Quốc họ nghĩ mình là trung tâm của thế giới nên không ngại mình bị cô lập, nhưng tôi cho rằng đó là điều hết sức sai lầm.
    Động cơ của Trung Quốc là rất rõ, bởi độc chiếm biển Đông là mục tiêu nhất quán của Trung Quốc. Nếu lúc đầu động cơ của họ đơn giản chỉ là tài nguyên thì bây giờ còn là câu chuyện hàng hải, quân sự, thương mại trên biển Đông.
    Xin cảm ơn ông!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-di-chuyen-gian-khoan-nham-muc-dich-gi-a36219.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan