Vụ Bồ Đề: Mời nữ PV rời phòng họp báo, Phó ban Tuyên giáo nói gì?


Thứ 4, 20/08/2014 | 10:39


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng mình đã hơi nóng nảy, "nếu mềm mỏng hơn thì có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn", khi đề cập đến việc "mời" 1 phóng viên rời khỏi phòng họp báo công bố kết quả thanh tra chùa Bồ Đề.

(ĐSPL) – "Có thể lúc đó tôi hơi nóng nảy, nếu tôi mềm mỏng hơn thì có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn, nhưng tôi kiên quyết không chấp nhận thái độ cắt ngang của nữ phóng viên".

Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ như vậy với báo Đời sống và Pháp luật sau khi có sự việc ông “mời” một phóng viên ra khỏi cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội vào chiều qua (19/8)- buổi họp báo công bố kết luận thanh tra về hoạt động của chùa Bồ Đề, nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em gây xôn xao dư luận.

Tin tức - Vụ Bồ Đề: Mời nữ PV rời phòng họp báo, Phó ban Tuyên giáo nói gì?

Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Ông suy nghĩ thế nào sau khi “mời” một nữ phóng viên ra khỏi cuộc họp báo trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 19/8, công bố kết quả thanh tra chùa Bồ Đề?

Sáng nay tôi có đọc một vài báo nói về việc tôi “mời” phóng viên ra khỏi cuộc họp báo, nhưng các tờ báo ấy mới chỉ đưa thông tin một chiều.

Phải nói đúng bản chất của sự việc, là khi tôi đang phát biểu, nữ phóng viên ấy đã cắt ngang lời tôi, yêu cầu tôi dừng, trong khi tất cả các nhà báo khác cùng các khách mời đều đang ngồi nghe. Tôi cho rằng cô ấy đã không tôn trọng tôi và mọi người trong cuộc họp báo nên tôi phải mời cô ấy ra ngoài.

Việc tôi mời phóng viên ấy ra ngoài là đúng. Nhiều người cho rằng tôi mời phóng viên ra ngoài là do “căng” quá, nhưng tôi khẳng định cuộc họp báo hôm qua không phải là căng quá, không có gì ghê gớm cả.

Tôi đã chủ trì rất nhiều cuộc họp báo, nhiều vấn đề nhạy cảm hơn nhưng cũng không đến nỗi như thế.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, lúc ấy tôi đang trả lời những câu hỏi mà rất nhiều phóng viên báo chí hỏi chứ đâu riêng mỗi phóng viên đó hỏi, nên việc phóng viên đó cắt ngang lời tôi thì cũng cần phải xem xét lại.

Đã từng chủ trì rất nhiều cuộc họp báo, đã bao giờ ông phải “mời” phóng viên ra ngoài như trong cuộc họp báo chiều qua chưa, thưa ông?

Đây là lần thứ 2 tôi phải mời phóng viên ra ngoài khi đang diễn ra họp báo.

Trong lần trước, buổi họp báo lần trước cũng rất tình cờ là cũng mời UBND quận Long Biên tham gia để trả lời báo chí về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong buổi họp báo hôm đó, có 1 nam phóng viên nhà ở quận Long Biên không biết vì lý do gì mà tỏ ra vô cùng bức xúc. Nam phóng viên đó liên tục chất vấn lãnh đạo công an quận Long Biên với thái độ rất gay gắt.

Nhận thấy phóng viên ấy không có sự tôn trọng đối với khách mời, trong khi họ rất thiện chí khi tham gia cung cấp thông tin cho báo chí, nên tôi cũng đã phải mời phóng viên đó ra khỏi cuộc họp báo.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, đối với những phóng viên ấy, nếu còn tiếp tục thái độ đó trong những buổi họp báo sau thì chúng tôi sẵn sàng gửi văn bản cho tòa soạn của phóng viên đó yêu cầu cử người khác theo dõi và đưa tin tại họp báo Thành ủy.

Có nhiều phóng viên trong buổi họp báo chiều qua cho rằng ông đã quá vội vã khi đưa ra kết luận việc ni sư Đàm Lan không liên quan gì trong nghi án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề? Và ông cũng có cách đánh giá cảm tính khi cho rằng đối tượng Phạm Thị Nguyệt trong vụ mua bán trẻ em cần được cảm thông? Ông nghĩ sao về điều này?

Thứ nhất, về việc đưa ra kết luận ni sư Đàm Lan không liên quan đến việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề trong cuộc giao ban báo chí tuần trước, tôi đã nói rất rõ ràng rằng, đó là một thông tin chưa chính thức, mà đó chỉ là thông tin tôi nắm được nên cung cấp cho báo chí như thế.

Tôi cũng cho rằng, báo chí phải phân biệt rạch ròi cái nào đúng cái nào sai, đúng thì bảo đúng, sai thì nói là sai. Ví như chùa Bồ Đề nuôi hàng trăm trẻ mồ côi như thế cũng cần phải nhìn nhận sự cố gắng của nhà chùa trong khi các trung tâm bảo trợ xã hội khác còn quá tải. Nhưng bên cạnh đó, họ sai trong cách quản lý, không xin giấy phép, đã được cơ quan chức năng yêu cầu làm nhiều lần nhưng chưa thực hiện, thì đó là lỗi sai của họ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thứ 2, về đối tượng Nguyệt, tôi không nói rằng đó là người tốt, cũng không khẳng định phải thông cảm cho Nguyệt, mà chính xác tôi nói “nếu đúng thực sự mục đích của Nguyệt là muốn nhận con nuôi thì cũng cần được chia sẻ. Còn nếu Nguyệt có mục đích kinh doanh, đổi chác hay mua bán thì tôi chưa nói đến”.

Cá nhân tôi rất thông cảm với việc báo chí mong muốn có được những thông tin nóng hổi, vì vậy mà khi biết thông tin tôi cũng đã chia sẻ ngay, và tôi dám chịu trách nhiệm về những gì mình nói.

Tin tức - Vụ Bồ Đề: Mời nữ PV rời phòng họp báo, Phó ban Tuyên giáo nói gì? (Hình 2).

Hôm qua (19/8), cuộc họp giao ban báo chí thu hút sự quan tâm của rất nhiều phóng viên báo chí khi thông tin về kết luận thanh tra chính thức chùa Bồ Đề.

Ông có cho rằng trong buổi họp báo chiều qua, khi mời phóng viên ra ngoài là ông đã hơi nóng nảy? Nếu còn trường hợp như vậy lần sau, ông sẽ làm thế nào?

Đúng là lúc ấy tôi hơi nóng nảy. Tôi nghĩ nếu như mình mềm mỏng hơn thì có lẽ là tốt hơn.

Tuy nhiên, tôi cương quyết không chấp nhận hành xử tương tự như của phóng viên đó trong cuộc họp báo, bởi đây là một môi trường văn hóa, và chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau.

Tôi biết phóng viên đó ngắt lời tôi vì hoài nghi câu trả lời của các cơ quan chức năng trong buổi họp báo hôm qua, nhưng tôi khẳng định, không có lý do gì mà cả thành phố Hà Nội, cả Thành ủy, cả quận Long Biên và cả cơ quan công an lại đi bao che cho một việc làm sai trái, vô nhân đạo trong việc mua bán trẻ em.

Từ trường hợp này, theo ông phóng viên nên làm thế nào để vừa lấy được thông tin từ cơ quan chức năng lại vừa không tạo không khí căng thẳng, gay gắt?

Tôi cho rằng trước hết phóng viên muốn lấy thông tin thì phải tiếp xúc được với người có thông tin, đặt vấn đề về sự cần thiết của thông tin đó và tác dụng của thông tin đó đối với xã hội.

Hiện nay, tôi nghe rất nhiều phóng viên phàn nàn về việc khó tiếp cận được với các cơ quan chức năng để lấy thông tin vì họ rất ngại, nên né tránh báo chí.

Nguyên nhân vì nhiều cán bộ của chúng ta rất ít tiếp xúc với báo chí, và áp lực trước báo chí của họ rất lớn khi phải thấy tên của mình xuất hiện trên báo chí kèm theo phát ngôn và trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, đó cũng là vì phóng viên báo chí nhiều khi lấy thông tin chỉ vì muốn tạo được sự giật gân, câu view mà có thể hơi chộp giật, chờ người ta nói hớ một câu để đưa lên thành tít.

Nếu tất cả đều tuân thủ theo quy định, và có sự tôn trọng lẫn nhau thì có lẽ không có nhiều cơ quan né báo chí.

Đối với các cuộc họp giao ban báo chí như hiện nay, có đơn vị nào ngại không khi Ban Tuyên giáo mời tham gia giao ban hay không?

Rất nhiều đơn vị ngại, bởi có rất nhiều phóng viên báo chí tham dự họp có cách hỏi và đặt câu hỏi rất áp đặt.

Về nguyên tắc, khi có yêu cầu từ thành phố thì các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải tham dự, nhưng nếu họ ngại họ thường tìm 1 lý do khách quan, nên nhiều khi chúng tôi phải ra sức thuyết phục họ tham gia cung cấp thông tin cho báo chí.

Tất cả các buổi giao ban báo chí này đều do Ban Tuyên giáo đại diện cho Thành phố mời những tổ chức, cá nhân có trách  nhiệm trả lời báo chí về những vấn đề mà dư luận quan tâm.

Chính chúng tôi đã tham mưu Ban thường vụ ban hành chỉ thị trả lời cung cấp thông tin cho báo chí. Quan điểm của tôi là không có vùng cấm khi cung cấp thông tin cho báo chí. Vì vậy, tôi cũng mong các phóng viên báo chí sẽ hiểu và thông cảm với chúng tôi trong chuyện này!

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-bo-de-moi-nu-pv-roi-phong-hop-bao-pho-ban-tuyen-giao-noi-gi-a47192.html