GS Đỗ Doãn Lợi: Số người chết vì bệnh này cao gấp 10 lần tai nạn giao thông nhưng ít người điều trị


Thứ 6, 04/05/2018 | 04:23


Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia chia sẻ thông tin: tại Việt Nam Số người tử vong vì tăng huyết áp mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.

GS Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia chia sẻ thông tin: tại Việt Nam Số người tử vong vì tăng huyết áp mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.

GS Đỗ Doãn Lợi phat biểu tại hội thảo khởi động dự án “Đương đầu với bệnh tăng huyết áp ở VN: Giải pháp từ y tế cơ sở” tại Hà Nội ngày 3/5.

GS Lợi cho biết, năm 2002, nhóm nghiên cứu của Viện Tim mạch quốc gia khảo sát tại 8 tỉnh gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An... cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành ở mức 16,3%, nhưng đến năm 2008 tăng lên 28,5% và lên tới 47,3% vào năm 2015.

“Con số khủng khiếp quá, đến bây giờ chúng tôi cũng chưa dám tin vào con số 47,3% đó, đây là nguy cơ cực kỳ lớn”, GS Lợi nói.

Tại Việt Nam, hiện có gần 21 triệu người mắc tăng huyết áp. Tuy nhiên nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia đánh giá, tỉ lệ người dân VN biết mình bị tăng huyết áp và tuân thủ điều trị chỉ chiếm 1/3, tức 10 người bị tăng huyết áp chỉ có 3 người biết, trong 3 người biết bị bệnh chỉ có 1 người điều trị.

Đây có lẽ là nguyên nhân khiến số người tử vong vì tăng huyết áp mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông. Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng trên 7 triệu người.

Tăng huyết áp ngoài gây suy thận, nhồi máu cơ tim còn gây ra các biến chứng tai biến mạch máu não, xuất huyết não, vỡ mạch máu não. Đó chính lí do, nhiều người tử vong đột ngột trong vòng 1-2 phút mà không biết nguyên nhân.

Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp ít nhất 30 phút mỗi ngày tốt cho người bị tăng huyết áp.

Dù là căn bệnh có tỉ lệ mắc rất lớn nhưng GS Lợi cho biết, trên 90% bệnh nhân tăng huyết áp không tìm được nguyên nhân, 5-8% do các bệnh nội tiết, mạch máu... Do đó để kiểm soát tăng huyết áp, cách đơn giản nhất là tác động vào các yếu tố nguy cơ: Lười vận động, stress, béo phì, ăn uống thiếu kiểm soát, ăn mặn...

Theo GS, động mạch chủ có kích thước khoảng 3,5cm nhưng hàng ngày Viện tim mạch tiếp nhận nhiều bệnh nhân giãn to như xăm với kích thước 4-5cm, thậm chí 7cm do tăng huyết áp không được điều trị.

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, việc để mặc huyết áp quá cao khi ở tuổi trung niên, có thể khiến bạn phải trả giá về sự suy giảm tinh thần sau này. Trong hơn 20 năm, những người bị cao huyết áp ở tuổi trung niên đã bị suy giảm khoảng 6,5% về điểm số của test đánh giá chức năng tinh thần, so với những người có huyết áp bình thường.

Người Việt chưa quan tâm điều trị tăng huyết áp.

So với chi phí để điều trị những căn bệnh khác như suy thận, ung thư... thì việc điều trị bệnh cao huyết áp không quá tốn kém. GS Lợi chia sẻ: “Nhiều cơ sở y tế tuyến dưới nói thiếu thuốc. Đúng là có thiếu nhưng nếu điều trị tăng huyết áp khéo, mỗi tháng không hết 100 ngàn đồng. Đó là dùng 3 loại thuốc phối hợp, còn nếu dùng 1-2 loại thì chi phí mỗi tháng chỉ bằng tiền 1 bát phở”.

Chi phí điều trị cao huyết áp thấp hơn nhiều so với những căn bệnh nan y khác.

Với mức chi phí này kèm với chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt và tập luyện điều độ, người bị cao huyết áp hoàn toàn có thể kiểm soát căn bệnh và sống khỏe mạnh nhiều năm. Điều cần thiết hiện giờ là cần tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân thay đổi lối sống, tuân thủ dùng thuốc và tự kiểm tra huyết áp tại nhà.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gs-do-doan-loi-so-nguoi-chet-vi-benh-nay-cao-gap-10-lan-tai-nan-giao-thong-nhung-it-nguoi-dieu-tri-a228470.html