+Aa-
    Zalo

    Xóm nổi ven sông Hồng: Đắng đót những phận đời không có Trung thu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ cách nơi phồn hoa đô thị hơn một cây số nhưng nhiều đứa trẻ nơi đây bị cái nghèo đánh cắp đi tuổi thơ và không có ký ức về Tết Trung thu.

    (ĐSPL) - Chỉ cách nơi phồn hoa đô thị hơn một cây số nhưng nhiều đứa trẻ nơi đây bị cái nghèo đánh cắp đi tuổi thơ và không có ký ức về Tết Trung thu.

    Công việc hàng ngày của Kiên là trông em gái chỉ mới 2 tuổi.

    Chẳng ai nhớ, “xóm nổi” có từ bao giờ. Chỉ biết đây là 14 nhà bè được chắp vá bằng những thanh gỗ, tấm tôn và chiếc thùng phuy cũ hỏng. Cả xóm có 14 mái nhà và 16 đứa trẻ đang độ tuổi đến trường.

    Chúng được sinh ra từ những gia đình, hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung số phận nghèo khổ. Chỉ cách nơi phồn hoa đô thị hơn một cây số nhưng nhiều đứa trẻ nơi đây bị cái nghèo đánh cắp đi tuổi thơ và không có ký ức về Tết Trung thu.

    Cái nghèo đánh cắp tuổi thơ

    “Xóm nổi” thuộc tổ 7, phường Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ là mấy chiếc thuyền quanh năm hiu quạnh ở bãi giữa sông Hồng. Họ là dân tứ xứ, từng phiêu bạt khắp nơi tìm chốn mưu sinh, cuối cùng tụ lại ở một nơi hoang vu bên lòng sông Hồng.

    Những gia đình đến từ khắp nơi, như Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Thọ... Để trụ lại ở “xóm nổi”, họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày. Phải đến đây, người ta mới ngỡ ngàng khi nhận ra rằng, ở nơi thành phố phồn hoa, tráng lệ lại có những số phận, con người sống trong hoàn cảnh tồi tàn đến vậy.

    Không giấy tờ tùy thân, cũng chẳng được ăn học đến nơi đến chốn, những người dân xóm nổi chỉ đi nhặt rác ở chợ Long Biên hay quần thảo ở chợ lao động để bán sức lấy tiền. Họ làm việc hôm nay chỉ mong có tiền sống qua ngày chứ chẳng dám nghĩ đến tương lai.

    Một ý nghĩ đã đóng đinh trong tư duy của người dân “xóm nổi”, đời cha làm cửu vạn, đời con cũng sẽ bước theo con đường đó. Bởi vì, họ biết rằng, tiền ăn còn chẳng có lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học để có thể thoát khỏi kiếp lao động chân tay.

    Ở đây, những đứa trẻ cứ lần lượt được sinh ra trong sự lo lắng, nghèo khó của bố mẹ. Thế rồi, lớn lên, đứa lớn trông đứa bé. Hàng ngày, chúng cứ lầm lũi, quanh quẩn ở những chiếc lều tạm bợ được chắp ghép từ vô số vật dụng người ta đã bỏ đi.

    Lớn lên, thứ “vắc xin” duy nhất được tiêm vào chúng đó là sự nghèo, khổ thiếu thốn và suy nghĩ phải mưu sinh kiếm tiền. Thế nên, ai đi qua cầu Long Biên không lạ gì cảnh tượng những đứa trẻ đen nhẻm theo gót bố mẹ đi nhặt rác, đi làm thuê để tự kiếm tiền mưu sinh.

    Chỉ còn hai ngày nữa là đến tết Trung thu, có mặt tại xóm nghèo, PV báo ĐS&PL không khỏi xót xa. Đối với trẻ em “xóm nổi”, bài học “vỡ lòng” của chúng không phải là bảng chữ cái hay những con số thông thường mà đó là những buổi tập bơi lặn, tập quăng chài, thả lưới hay học xem nơi nào có thể kiếm được nhiều ve chai... “Lớp học” này dạy chúng cách tồn tại, cách mưu sinh qua ngày.

    Lúc chúng tôi đến, em Thuấn (11 tuổi, con chị Nguyễn Thị Lan) ngồi thu lu một mình ở nhà vì đau chân. Hôm trước ra bãi rác ở chợ Long Biên, em không may giẫm vào chiếc đinh vít. Từ năm 8 tuổi, Tuấn đã theo mẹ ra chợ để nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi đem bán.

    Chai nước, túi nilon, những chiếc lốp xe cũ hỏng... bất cứ thứ gì có thể đem bán, Thuấn lượm vào bao tải rồi mang ra nơi thu mua sắt vụn để bán. Có lẽ, người buôn bán ở khu chợ Long Biên đã quá quen với hình ảnh cậu bé đen nhẻm, còi cọc, nhếch nhác kể cả ngày nắng hay ngày mưa đều lang thang suốt ngày ở khu chợ đầu mối này.

    “Ở đây bọn em có được đi học đâu. Đứa nào lớn một chút đều phải đi làm để phụ bố mẹ kiếm tiền. Từ 2h sáng, em đến chỗ những người đổ buôn tôm, cá nhặt những con rơi vương vãi. Sau đó, em đi lượm ve chai, buổi chiều gặp mẹ ở chợ lao động. Mẹ em mang những đồ em nhặt được đi bán để lấy tiền mua thức ăn cho các em.

    Mỗi ngày em cũng kiếm được 20.000 đồng. Những đứa tầm tuổi em thì chỉ đi nhặt ve chai. Còn đứa lớn hơn thì đi làm lao động, nhỏ hơn thì ở nhà chăm em hoặc trông nhà”, Thuấn cười bảo. Tôi giơ máy ảnh lên chụp, Thuấn xua tay: “Lần trước có một anh nhà báo đến đây chụp ảnh em đưa lên mạng. Sau đó đi ra ngoài đường nhiều người nhận ra nên cứ nhìn em như sinh vật lạ. Thế nên anh đừng chụp nữa, em không thích bị mọi người nhìn mình như vậy”. Sự mạnh dạn của cậu bé chỉ mới 11 tuổi này khiến tôi sững người.

    Trung thu không bánh, không đèn

    Mấy ai ngờ được, chỉ cách “xóm nổi” hơn một cây số là những con phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân ồn ào, náo nhiệt. Ở đó có những đứa trẻ đang được bố mẹ đưa đi mua sắm đồ chơi, đèn ông sao, đèn kéo quân để đón Trung thu. Khung cảnh đó hoàn toàn đối nghịch với sự hiu quạnh, tăm tối, ẩm thấp của những mái nhà tạm ở bãi giữa sông Hồng. Chỉ cách nhau có một đoạn đường là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. 

    Tôi gặp Kiên, một cậu bé 7 tuổi đang bế trên tay cô em gái, ngồi vạ vật  cạnh căn lều rách nát. Khi tôi hỏi Trung thu thích được mẹ mua quà gì thì cậu bé ngơ ngác hỏi lại: “Trung thu là gì hả chú?”. Phía trong lều, mẹ cậu bé, chị Hồ Thị Ninh (34 tuổi, quê Thanh Hóa) chạy ra chữa ngượng: “Trung thu là ngày chú Cuội lên cung trăng gặp chị Hằng”.

    Cứ buổi chiều, chị Ninh lại ngồi cửa ngóng chồng và con trai cả đi làm về.

    Nói xong, người phụ nữ này quay sang nói như giải thích với tôi: “Là bố mẹ, Trung thu, ai chẳng muốn sắm cho con cái lồng đèn, đồ chơi hay bánh trái. Nhưng ở đây, các gia đình nghèo lắm. Chúng tôi làm thuê chỉ để nhặt nhạnh những đồng bạc lẻ mua gạo, sống qua ngày chứ lấy đâu ra tiền để mua những món đồ xa xỉ. Hàng ngày đi qua cầu Long Biên, vào nội thành, thấy các ông bố bà mẹ đưa con đi mua sắm Trung thu, đưa đón con đi học, tôi cảm thấy nhói lòng.

    Ước mơ duy nhất của tôi là mong các cháu được đến trường nhưng cũng không thành hiện thực. Thỉnh thoảng có các anh chị sinh viên đến đây dạy chữ cho các cháu nhưng Kiên không học được vì phải ở nhà trông em”.

    Được biết, gia đình chị Ninh đến “xóm nổi” định cư từ năm 1996. Chị vốn bị bệnh phổi nên sức khỏe rất yếu. Hàng ngày, chị chỉ ở nhà làm những việc vặt và đi chợ. Đã từ lâu, những việc nặng do chồng và đứa con trai cả gánh vác.

    Đứa lớn nhất là cháu Hinh năm nay 13 tuổi, Kiên 7 tuổi và cháu gái út sinh năm 2003. Chị cũng cho tôi biết thêm, cách đây mấy ngày, có một đoàn tình nguyện đến đây tổ chức Trung thu cho các cháu nhưng đúng hôm ấy Kiên vào nội thành cùng bố đi thăm một người bà con. Đây là năm đầu tiên những đứa trẻ ở “xóm nổi” được phá cỗ Trung thu.

    Cuộc sống lam lũ đã cuốn bọn trẻ vào vòng xoáy mưu sinh. Chúng có rất ít thời gian để chơi, để nô đùa, để nghĩ tới Trung thu. Đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nhưng chúng lại phải lăn lộn lo toan miếng cơm manh áo. Nhiều khi đi nhặt rác ngang qua phố, bọn trẻ đứng hàng giờ đồng hồ ngắm nghía đồ chơi hay những chiếc bánh trung thu.

    Phải chăng chúng đang ước mơ được cầm những chiếc lồng đèn chạy dưới ánh trăng và được cùng bố mẹ phá cỗ Trung thu. Cái nghèo, cái khổ, cái khốn khó của người lớn đã cướp đi tuổi thơ của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hiểu được hoàn cảnh của mình, những đứa trẻ nơi đây không bao giờ đòi bố mẹ phải mua đồ chơi, bánh trái hay quần áo mới.

    Mang theo tâm trạng nặng trĩu, chúng tôi ra về khi trời vừa chạng vạng tối, xóm nổi mờ dần, mù mịt dưới cái tiết lành lạnh của cơn gió giữa thu. Trong những căn nhà lụp xụp, đèn vẫn chưa được bật. Xa xa những ông bố bà mẹ đang đèo nhau trên những chiếc xe đạp để trở về sau một ngày bươn chải.

    Rời xa nơi đây, chúng tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh của những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi đang chơi đùa dưới đống rác sinh hoạt. Không biết sau này, tương lai của các em sẽ đi về đâu, hay lại là một màu xám ngắt như những đám mây trên trời lúc chạng vạng tối. Rất có thể, những đứa trẻ này lại nối tiếp cái nghiệp mà bố mẹ chúng đang làm. 

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đăng Được, Trưởng xóm bãi giữa sông Hồng cho biết, người dân ở đây đều là dân nhập cư nghèo khổ từ nhiều địa phương đến đây. Hàng ngày, họ phải đi làm thuê, làm mướn, nhặt ve chai ở các khu chợ để kiếm tiền mưu sinh. Cuộc sống rất kham khổ.

    Hiện nay ở đây, rất nhiều cháu vẫn chưa có giấy khai sinh nên rất thiệt thòi. Đối với dân “xóm nổi”, họ phải nai lưng mưu sinh để kiếm từng bát gạo, chứ làm gì có tiền mua đồ chơi, tổ chức Trung thu cho các cháu. Chúng tôi rất mong muốn được sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng.

    Văn Chương

    Xem thêm video: 

    [mecloud]vfKENgya0S[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xom-noi-ven-song-hong-dang-dot-nhung-phan-doi-khong-co-trung-thu-a112421.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.