Bí quyết giúp bà bầu vượt qua cơn chuyển dạ dễ dàng, ít đau đớn


Thứ 5, 24/11/2016 | 06:24


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – Bà bầu bước vào giai đoạn chuyển dạ sẽ vô cùng căng thẳng, lo lắng vì những cơn đau thắt. Vì thế, mẹ bầu hãy chuẩn bị kiến thức tốt để vượt cạn dễ dàng hơn.

(ĐSPL) – Bà bầu bước vào giai đoạn chuyển dạ sẽ vô cùng căng thẳng, lo lắng vì những cơn đau thắt. Vì thế, mẹ bầu hãy chuẩn bị kiến thức tốt để có thể vượt cạn một cách dễ dàng, giảm đau đớn.

Dấu hiệu chuyển dạ

1. Bé tụt xuống thấp

Nếu đây là lần đầu mang thai, bạn có thể cảm thấy sự sa bụng một vài tuần trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu do bé đang tụt xuống thấp hơn vào xương chậu của bạn. Bạn có thể cảm thấy áp lực nặng nề ở vùng xương chậu trong khi lồng ngực nhẹ nhàng hơn và bạn thấy dễ thở hơn.

2. Nhận thấy có sự gia tăng các cơn co thắt

Những cơn co thắt thường xuyên và mạnh mẽ hơn có thể là dấu hiệu tiền chuyển dạ. Lúc này, cổ tử cung của bạn đang được chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ thật. Trong giai đoạn này, một số phụ nữ có cảm giác quặn như khi có kinh nguyệt.

3. Nút nhầy cổ tử cung bị thải ra ngoài

Nút nhầy cổ tử cung là một khối nhỏ chất nhầy đặc chặn đường dẫn từ cổ tử cung đến tử cung của bạn. Nút chặn này có thể thoát ra một lúc thành một mảng, hoặc tiết ra theo dạng dịch âm đạo trong nhiều ngày. Nút nhầy này có thể có lẫn máu (có thể màu hồng, nâu hay đỏ).

4. Vỡ nước ối

Hầu hết phụ nữ bắt đầu có những cơn co thắt thường xuyên trong một khoảng thời gian trước khi nước ối vỡ, nhưng trong một số trường hợp, nước ối vỡ mà không có dấu hiệu co thắt báo trước. Một khi nước ối vỡ, quá trình chuyển dạ thường mau chóng theo sau. (Nếu các cơn co thắt không tự bắt đầu, bạn sẽ được thực hiện các phương pháp giục sinh.) Dù nước ối tuôn ra mạnh hay chỉ nhỏ giọt, bạn cũng hãy gọi ngay cho bác sĩ.


Những việc làm có lợi trước khi chuyển dạ

1. Giữ thể lực tốt

Lời khuyên đầu tiên hữu ích cho cơn chuyển dạ là hãy giữ thể lực tốt. "Những phụ nữ mang thai khỏe mạnh sẽ có cơn chuyển dạ ngắn hơn" - Tekoa King (giáo sư sản phụ khoa tại Đại học California) cho biết. Thể lực cải thiện sức chịu đựng và khiến bạn có thể "vượt cạn" mà ít cần can thiệp y tế.

Có thể đi bộ, bơi hoặc tham gia một lớp thể dục dành cho người mẹ mang thai để giữ sức khỏe.

2. Hãy tham gia lớp học tiền sản

Làm quen với các giai đoạn sinh nở giúp bạn bớt lo lắng hơn. Nhờ thế, cơn chuyển dạ cũng nhẹ nhàng hơn. Bạn có thể đăng ký một lớp học tiền sản quy mô nhỏ (ít hơn 10 cặp vợ chồng) với một bác sĩ hướng dẫn chuyên nghiệp.

3. Trong bồn tắm

Một người mẹ kể: "Ở lần sinh con thứ hai, tôi cảm thấy rất khó khăn. Bác sĩ nói rằng còn quá sớm để gây tê ngoài màng cứng. Sau đó, bác sĩ cho tôi ngâm mình trong bồn tắm của bệnh viện. Điều này thật kỳ diệu: tôi có thể thay đổi vị trí một cách dễ dàng trong làn nước ấm. Ngoài ra, kiểu bồn tắm jacuzzi này còn giúp tôi nới lỏng các cơn đau ở lưng. Khi tôi ra ngoài thì cũng là thời điểm được tiến hành gây tê ngoài màng cứng. 10 phút sau, con gái của tôi chào đời".

4. Tắm vòi sen

Cơn đau làm căng các cơ trên toàn cơ thể, khiến bạn khó chịu nhiều hơn. Tắm vòi hoa sen với nước ấm giúp bạn giảm đau lúc này. Hãy đưa đầu vòi hoa sen tới những chỗ bị đau như lưng chẳng hạn. Tắm vòi sen thích hợp với bất kỳ giai đoạn nào của chuyển dạ.

5. Không căng thẳng, không nghĩ quá nhiều đến vấn đề chuyển dạ, tự khắc nó sẽ đến

Đối với những người mẹ mang thai lần đầu, cơn chuyển dạ có thể kéo dài 12-14 tiếng đồng hồ. Khi những cơn co thắt bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy cơn đau ở lưng hay bụng dưới nhưng bạn nên cô gắng giữ bình tĩnh. Nếu bạn lo lắng ngay từ khi bắt đầu, đếm từng cơn co thắt thì có khả năng bạn càng hoảng sợ hơn. Thay vào đó hãy khiến mình bận rộn cho những hoạt động khác như đi bộ, tắm vòi hoa sen... Bất kỳ điều gì thư giãn cũng có ích cho bạn lúc này.


6. Massage

Nghiên cứu tại trường đại học Y khoa Miami cho thấy, những người mẹ trong cơn chuyển dạ được chồng massage sẽ bớt đau và ít lo lắng khi sinh hơn. Khi bạn kích thích vào chỗ đau bằng massage hay dùng túi chườm ấm thi các cơn đau sẽ dịu đi nhanh chóng. Vì thế, hãy để người bạn đời của bạn massage cho bạn. Bạn có thể muốn massage vai, cổ trong giờ đầu tiên của chuyển dạ; tiếp đến là tới lưng dưới trong giai đoạn co thắt dữ dội.

7. Không nằm

Đi lại nhẹ nhàng trong lúc chuyển dạ giúp ích cho người mẹ: đầu em bé nhấn vào cổ tử cung mẹ, kích thích cổ tử cung mở. Hãy thay đổi các vị trí như đứng, quỳ, ngồi xổm, làm giảm sự khó chịu cho bạn. Ngoài ra, sự vận động của mẹ còn kích thích cổ tử cung giãn to hơn, cho đầu bé chui lọt.

Ăn/ uống gì trước khi chuyển dạ

1. Đồ ăn

Thịt và các loại thức ăn có lượng chất béo cao sẽ khiến hệ tiêu hóa của bạn nặng nề. Các loại bánh quy hoặc thực phẩm chứa đường sẽ tạo năng lượng tức thời cho cơ thể nhưng sau đó sẽ khiến bạn mệt. Do đó, bạn nên tránh chocolate hoặc các loại bánh quá ngọt.

Những loại thức ăn chứa năng lượng nhẹ rất hữu ích để bạn tăng cường sức khỏe và giúp quá trình chuyển dạ thành công bao gồm: Bánh mì hoặc bánh ngọt ít đường, ngũ cốc, các loại mì ống, mì sợi, khoai tây, chuối, nho, cơm…

Bạn nên ăn đều đặn và chia thành từng phần nhỏ. Giai đoạn đầu chuyển dạ, bạn có thể ăn một bữa phụ nhẹ.


2. Đồ uống

Chuyển dạ là khoảng thời gian vừa khiến bạn dễ mất sức vì làm cơ thể mất nước, vì vậy, bạn sẽ có cảm giác khát. Bạn không nên sợ uống nhiều nước sẽ phải đi tiểu nhiều. Chính việc di chuyển vừa phải sẽ khiến bạn năng động và giúp cuộc chuyển dạ hiệu quả hơn.

Nước lọc hoặc nước hoa quả tươi rất hữu ích cho bạn lúc này. Bạn nên tránh loại đồ uống có gas (coca) vì chúng sẽ khiến dạ dày bạn khó chịu. Đồng thời bạn cũng nên tránh những loại đồ uống chứa nhiều axit như nước chanh, cam hoặc nước bưởi.

MỸ AN (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]qX3Z6mCZNx[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-quyet-giup-ba-bau-vuot-qua-con-chuyen-da-de-dang-it-dau-don-a171315.html