"Hiệp sĩ" - Tồn tại hay không tồn tại?


Thứ 4, 16/05/2018 | 07:01


Cùng sự kiện

Tinh thần hiệp sĩ là điều mà xã hội luôn cần nhưng song hành với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện chức trách.

Tinh thần hiệp sĩ là điều mà xã hội luôn cần nhưng song hành với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp đủ năng lực, dũng cảm thực hiện đúng chức trách.

Một lần nữa, câu chuyện về "hiệp sĩ" tại TP.HCM lại nổi lên nhiều tranh cãi. Sự hy sinh của hai "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi) khi ra tay nghĩa hiệp chống lại cái ác đang khiến dư luận hết sức căm phẫn trước sự manh động của tội phạm trộm cắp, cướp giật. Cùng với đó là các câu hỏi về việc các "hiệp sĩ" săn bắt cướp để bảo vệ bình yên cho xã hội, nhưng ai sẽ là người đứng lên bảo vệ họ?

Một đối tượng mang theo "hàng nóng" bị nhóm hiệp sĩ Bình Dương khống chế

Do điều kiện đặc thù về kinh tế, xã hội, các tỉnh phía Nam như TP.HCM hay Bình Dương lộ các khoảng trống về kiểm soát an ninh trật tự. Do đó, các nhóm "hiệp sĩ" cũng bắt đầu hình thành từ đây, mong muốn chống lại cái xấu và đem lại bình yên cho xã hội.

Thực tế cho thấy, tại các địa bàn có "điểm nóng" về an ninh trật tự, lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát được mọi sự vận hành. Diện tích rộng, người dân đông đúc, lực lượng mỏng chính là yếu tố khiến nạn cướp giật trở nên đáng báo động. Việc các nhóm "hiệp sĩ" được thành lập và kịp thời can thiệp giúp cho nhiều khu vực được đảm bảo, lực lượng chức năng cũng nhờ đó có được "kênh thông tin" hiệu quả trong việc tuyên truyền, kêu gọi người dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là quyền bắt cướp của các "hiệp sĩ" đến đâu?

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bắt người phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ, khống chế tội phạm đang thực hiện hay vừa thực hiện hành vi phạm tội và giao cho cơ quan chức năng. Do đó, những người dân tham gia vào tổ tội phạm họ hoàn toàn có quyền.

Chuyện người dân phòng chống tội phạm như vụ việc nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình bắt trộm xe SH là cần thiết. Họ hoàn toàn có quyền tham gia hoạt động bắt tội phạm, tuy nhiên cần có những kĩ năng, nghiệp vụ nhất định đảm bảo tình huống bất ngờ hoặc những trường hợp tên cướp manh động để tránh trường hợp thương tâm xảy ra.

Công việc thầm lặng mà các "hiệp sĩ" làm không chỉ thỏa tinh thần nghĩa hiệp mà còn đem đến yên bình cho xã hội

Ngoài ra, vụ việc xảy ra tại TP.HCM khiến hai "hiệp sĩ" Nam và Thôi tử vong được nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các "hiệp sĩ" này lại không được trang bị các thiết bị bảo hộ khi tham gia bắt cướp?

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), việc quy định hành lang pháp lý để xác định quyền hạn cho các nhóm "hiệp sĩ" hay cung cấp công cụ hỗ trợ cần phải có thời gian nghiên cứu. Bởi nếu làm việc này, đồng nghĩa thừa nhận sự yếu kém của lực lượng công an. Chưa kể đến việc có thể khiến xã hội bất an hơn bởi các nhóm giả "hiệp sĩ" lạm dụng quyền hạn cho các hành vi không thể kiểm soát của họ đối với các công dân khác.

Khi đó, từ một công dân với các quyền hạn nghĩa vụ bình đẳng với các công dân bình thường khác, họ có thể tự cho mình được đè lên quyền của người khác và như vậy trở thành một sự xáo trộn và không cho thấy biểu hiện của pháp quyền. Nếu dễ dãi với mọi sự tự hành xử theo chiều hướng như thế, xã hội sẽ trở nên bất an hơn vì các hệ lụy của nó.

Cũng theo luật sư Lê Cao, điều quan trọng nhất là cái ác hay cái xấu cần phải được kiểm soát, ngăn ngừa, trấn áp bởi các lực lượng bảo đảm an ninh chuyên nghiệp. Nếu cứ trông đợi vào các hoạt động nghĩa hiệp tự phát thì rõ ràng có điều gì đó chưa ổn.

Bên cạnh việc các "hiệp sĩ" thực hiện nghĩa cử cao đẹp, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp đủ năng lực, dũng cảm

Vậy nên, sự tồn tại của tinh thần hiệp sĩ là chính đáng, nhưng hoạt động của những người nghĩa hiệp này nên được thực thi trên phạm vi quyền hạn của mình, đồng thời cần có sự cân nhắc tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của chính họ.

Chuyện đấu tranh phòng chống tội phạm trực tiếp là của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có sự phối hợp hỗ trợ của người dân là đương nhiên. Song, người dân cũng mong muốn các lực lượng chuyên nghiệp đủ năng lực, trách nhiệm, dũng cảm để thực hiện trọng trách của mình. Bởi một nhà nước có luật lệ và có các hệ thống các cơ quan bảo đảm cho việc thực thi luật pháp thì không thể chỉ dựa vào tinh thần hiệp sĩ để mong bình yên.

Hoàng Giang

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hiep-si---ton-tai-hay-khong-ton-tai-a229676.html