Lá thư tình thấm máu đồng đội về với chủ nhân sau 40 năm


Chủ nhật, 05/10/2014 | 07:58


(ĐSPL) - Hai lá thư tay do người lính đặc công nhờ đồng đội đưa ra Bắc, một lá cho người yêu, một lá cho mẹ ruột, đều rơi vào tay lính Mỹ khi đồng đội hy sinh. Câu chuyện bất ngờ xảy ra sau 40 năm.

(ĐSPL) - Giữa những năm tháng ác liệt nhất nơi đầu tuyến lửa mặt trận Quảng Đà, hai lá thư tay do người lính đặc công nhờ đồng đội đưa ra Bắc, một lá cho người yêu, một lá cho mẹ ruột, đều rơi vào tay lính Mỹ khi đồng đội hy sinh. Tưởng chừng như tất cả sẽ chìm vào quên lãng theo thời gian, thì bất ngờ lá thư đó lại quay về từ trời Tây.

Tin tức - Lá thư tình thấm máu đồng đội về với chủ nhân sau 40 năm

Lá thư ông Sanh gửi cho bà Khánh.

Tình yêu son sắt

Chúng tôi tìm về với chủ nhân của câu chuyện trên là cựu đặc công nước Nguyễn Xuân Sanh (SN 1941), để cùng ông ngược thời gian về lại những năm tháng hào hùng mà đầy thấm đẫm tình yêu đã làm nên tên tuổi những người lính đặc công nước một thời. Đằng sau câu chuyện về tình yêu và kỷ vật ấy là cả một chặng đường lịch sử dài về cội nguồn sức mạnh, đem lại chiến thắng hào hùng cho đội đặc công nước 170 nói riêng, và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Trong căn nhà nhỏ tại phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), người lính trẻ một thời giờ đã già, đôi mắt đã đục màu thời gian. Nhưng mỗi khi nhắc đến những năm tháng hào hùng thuở lửa đạn, những ký ức trong lòng người anh hùng ấy lại trỗi dậy như mới ngày nào còn cầm súng cùng đồng đội vào sinh ra tử. Hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Sanh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất binh lửa Đồng Hới, Quảng Bình. Chính nơi đầu tuyến lửa ấy khi sớm chịu mất mát, đau thương, Sanh đã sớm ý thức được sự tàn khốc của chiến tranh.

Tin tức - Lá thư tình thấm máu đồng đội về với chủ nhân sau 40 năm (Hình 2).

Ông Sanh trao đổi cùng PV.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp đại học Hàng hải, ở cái tuổi tràn trề nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, theo tiếng gọi Tổ quốc chàng thanh niên lên đường nhập ngũ. Thời điểm Sanh nhập ngũ cũng là thời điểm giặc đổ bộ mạnh mẽ vào chiến trường miền Trung. Vốn là một sinh viên hàng hải thông thạo biển cả nên Sanh nhanh chóng được điều về lực lượng Hải quân, cùng năm ấy chàng thanh niên về trường Thể thao quốc phòng (Hà Nội) học tập và huấn luyện về kỹ thuật hàng hải, công tác giao thông đường thủy để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu.

Chính từ những năm tháng thao trường đổ mồ hôi ấy, chàng thanh niên làm quen với cô gái trẻ Nguyễn Thị Khánh (SN 1944) quê Thái Bình. Khi ấy cô gái đang là một trong những nữ xạ thủ xinh đẹp hàng đầu của Việt Nam. Tình yêu và lòng cảm mến khiến đôi trẻ gần nhau hơn. Hạnh phúc chưa lâu thì năm 1962, Sanh được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Ngày chàng thanh niên ra đi cô gái trẻ chỉ kịp trao cho người yêu cái nắm tay ước hẹn, và lời hứa đợi chờ ngày trở về.

Suốt cả khoảng thời gian dằng dặc mười mấy năm xa cách, cô xạ thủ bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Khánh - từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế lúc bấy giờ, vẫn một lòng chờ đợi người con trai Quảng Bình. Niềm tin vô bờ giúp bà vượt qua bể giông, cùng những lá thư được gửi từ hậu phương ra tiền tuyến làm niềm an ủi cho những năm tháng đợi chờ. Có những giai đoạn, giữa hai người bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Nhớ về thời kỳ này, bà Khánh xúc động: "Giờ nói lại thì nghe thật dễ dàng, nhưng quả thực hơn 10 năm đợi chờ ấy với tôi tựa hàng thế kỷ. Cái duyên, cái kiếp nó vậy, hơn nữa tôi tin vào cái nắm tay hẹn thề của ông ấy. Mấy tháng trời, có khi mấy năm mới nhận được một bức thư hay lời nhắn của ông từ đồng đội".

Ở bên kia chiến tuyến, chàng trai đã là người Đội trưởng Đội đặc công nước 170 (Đoàn 126), khiến giặc lắc đầu ngán ngẩm, cũng đêm ngày nhớ thương về người con gái quê lúa. Sau những trận chiến một mất, một còn, sự gan góc thêm phần tin tưởng và mong mỏi trở về với người yêu, càng làm ông thêm mạnh mẽ xông vào chiến trận. ông chia sẻ: "Hồi đó bọn giặc truy lùng ông gắt gao, gọi tôi là "người nhái Quách Sanh" và treo giải lên đến mấy chục ngàn đô la cho ai giết được tôi. Tôi được điều từ chiến trường ra Hà Nội học khóa huấn luyện dành cho cán bộ của lực lượng đặc công để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Thế là tôi được gặp lại Khánh. Nhưng cái hạnh phúc thời chiến có lẽ chỉ ngắn ngủi chừng gang tay mà đợi chờ hy vọng thì dài vô tận. Tôi lại lên đường mà không dám chào người yêu".

Tin tức - Lá thư tình thấm máu đồng đội về với chủ nhân sau 40 năm (Hình 3).
Ông bà Sanh, Khánh thời trẻ.

Sự trở về kỳ diệu

Trong những năm tháng xa cách ấy, đôi trai gái chỉ biết gửi nhắn yêu thương cho nhau qua những lá thư. Trong số đó có hai lá thư giờ đã trở thành kỷ vật đặc biệt. Khi ấy đơn vị ông đóng quân tại Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng). ông nghẹn ngào nhớ lại: "Lúc ấy cậu bạn của tôi là Nguyễn Văn Sơn cùng quê với Khánh được nghỉ phép về nhà nên tôi nhờ Sơn chuyển giùm hai bức thư ra cho gia đình. Ai ngờ đồng đội tôi hy sinh, lá thư cũng theo đó mà đi vào quá khứ".

Gạt nước mắt, ông Sanh kể tiếp: “Khi đó mỗi đơn vị, mỗi cán bộ sẽ mang một bí danh riêng. Ký hiệu "354 Thanh Khiết" ở đầu thư là bí số riêng của tôi. Thư gửi đi mà chẳng thấy hồi âm, nên tôi cũng chẳng biết được nó có đến tay người nhận hay không. Đâu ngờ, hai lá thư lại thấm máu của người anh em đã vào sinh ra tử với mình. Mãi đến khi gặp lại vợ tôi bây giờ, tôi mới biết hai lá thư đã không đến được với Khánh cũng như gia đình...".

Thế rồi sau mấy chục năm, với hành trình vượt qua đại dương, hai lá thư mới tìm về với chủ nhân của nó. Năm 2003, đại diện tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã trao lại cho bộ Quốc phòng hai lá thư của một chiến sỹ "Việt cộng", gửi từ chiến trường miền Nam ra hậu phương miền Bắc. Theo đại diện của tổ chức này, họ rất muốn trả lại cho người nhà của chiến sỹ này. Đây là những lá thư lính Mỹ lấy được từ một chiến sỹ giải phóng. Chiến sỹ này đã hy sinh, thời gian viết vào khoảng năm 1967 - 1968 tại chiến trường Quảng Đà. Trên góc trái bì thư có đề "354 Thanh Khiết", bên phải phía dưới ghi người nhận là Nguyễn Thị Khánh, trường Thể thao quốc phòng, Xuân Mai, Hà Tây.

Sau khi nhận được thư, đại diện quân đội Việt Nam đã tìm lại chủ nhân của bức thư trên và thật bất ngờ là chủ nhân của nó vẫn còn sống. Còn người chiến sỹ ngã xuống đó là một đồng chí giao liên bất đắc dĩ. Thời điểm tìm ra chủ nhân bức thư, nhiều cựu binh Mỹ từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà những năm 60 đã thốt lên bất ngờ khi một lần nữa nghe tới cái tên "người nhái Quách Sanh". Người đã làm họ đứng tim trong chiến tranh khi từng đánh chìm một hạm đội mạnh nhất Đông Dương khi ấy.

Ông Sanh cho biết thêm: "Đó là hai lá thư quá đặc biệt, bởi trong những dòng yêu thương tôi viết cho người yêu đã quyện máu của đồng đội. Cứ nhớ về bức thư ấy là tôi lại không cầm được nước mắt. Người lính Mỹ giữ hai bức thư đó hiện vẫn còn liên lạc với tôi. Hỏi ra vì sao người lính ấy lại giữ lá thư, thì họ nói đọc thư thấy xúc động quá. Không hiểu nổi tại sao giữa bom đạn chiến tranh, "Việt cộng" vẫn còn mùi mẫn, gửi cho nhau những lời yêu thương, hứa hẹn và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, nên giữ lại. Hồi đó người lính Mỹ tưởng chủ nhân của bức thư là anh lính đã hy sinh, nên càng quyết tâm giữ lại để sau trả lại cho người nhà, cũng là mong được nói một lời xin lỗi vì đã chia cắt một mối tình".


Vui buồn xen lẫn

Nhớ về thời điểm nhận lại bức thư từ trời Tây, bà Khánh bùi ngùi: "Quả thực là trong chúng tôi vui buồn xen lẫn. Nhận lại bức thư cũng là lúc chúng tôi biết tin người đưa thư bất đắc dĩ ngày nào, là đồng đội, là anh em của ông Sanh giờ đã nằm lại chiến trường. Tôi trân trọng lá thư hơn tất cả, xem đó không chỉ là lá thư của người yêu mà còn là hơi thở của đồng đội...".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/la-thu-tinh-tham-mau-dong-doi-ve-voi-chu-nhan-sau-40-nam-a53892.html